8 xu hướng năm 2018 sẽ định hình ‘diện mạo’ thế giới 2019 – Phần 1

31/12/2018 - 06:59

PNO - Khép lại một năm 2018 đầy biến động, cả thế giới hướng đến năm 2019 với những kỳ vọng mới mẻ nhưng cũng đầy sự thận trọng trước những dư âm năm cũ và rủi ro tiềm ẩn trong năm mới.

Diễn biến sôi động trong tất cả các lĩnh vực đã tạo nên năm 2018 đầy ấn tượng với những điểm nhấn bứt phá bất ngờ, vượt xa mọi dự liệu. Có rất nhiều “cánh cửa”, cột mốc đã được ấn định trong hành trình 2018, và 2019 chính là thời điểm tiếp nối.

Châu Âu bất ổn và chia rẽ

8 xu huong nam 2018 se dinh hinh ‘dien mao’ the gioi 2019 – Phan 1
Phong trào biểu tình của những người "áo vàng" tại Pháp lan rộng, cho thấy những ngày không bình yên ở châu Âu sẽ còn kéo dài.

Trong tháng 11, những người “áo vàng” tại Pháp đã xuống đường, biểu tình biến thành bạo loạn với sự kiện châm ngòi là phản đối tăng giá nhiên liệu. Ẩn sau đó là sự bất mãn của người dân với hàng loạt chính sách của Tổng thống Macron đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong nhiều tuần liền. Cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng ra ngoài biên giới Pháp, khuấy động làn sóng bất bình ở nhiều quốc gia châu Âu, trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với nhiều bất ổn và nguy cơ tan vỡ.

Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng chính trị-xã hội lớn, dấy lên lo ngại liên minh này có thể tan vỡ bởi những mâu thuẫn khó lòng xoa dịu. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/10 đưa ra quyết định sẽ rút khỏi chính trường sau khi hết nhiệm kỳ này. Ngay sau quyết định bất ngờ của bà Merkel, người ta lo sợ không biết ai sẽ cùng Tổng thống Pháp Macron tiếp tục “giữ lái” con thuyền châu Âu đang có nhiều vết rạn đi qua vô vàn biến động.

Dự đoán về tương lai châu Âu, nhiều ý kiến cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có khả năng tan rã. Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức - ông Frank-Walter Steinmeier, cho rằng EU đang trên bờ vực sụp đổ mà nguyên nhân đến từ rất nhiều yếu tố như Brexit, khủng hoảng di cư, chủ nghĩa dân tộc và dân túy… Tiến sĩ kinh tế Joseph Stiglitz, người từng đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2001 thì cho rằng EU sẽ tan rã xuất phát từ việc sụp đổ Liên minh Tiền tệ châu Âu.

Khủng hoảng tị nạn

8 xu huong nam 2018 se dinh hinh ‘dien mao’ the gioi 2019 – Phan 1
Hàng ngàn người Honduras đổ về Mỹ từ tháng 10 chính là phép thử đối với các chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 25/11, chính quyền Mỹ đã đóng cửa đường và cầu đường bộ tại cảng cửa khẩu San Ysidro. Đây là cửa khẩu lớn nhất trên đất liền giữa San Diego (Mỹ) và Tijuana (Mexico). Biện pháp này tiến hành trong bối cảnh hàng ngàn người di cư từ Trung Mỹ đổ về biên giới nước Mỹ, dấy lên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tị nạn và nhân đạo nghiêm trọng. Trước đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng đối mặt với tình trạng tương tự, khi làn sóng người nhập cư trái phép từ Trung Đông vượt biển, chạy trốn khỏi xung đột bạo lực.

Để giải bài toán liên quan tới 250 triệu người di cư trên toàn thế giới, ngày 20/12/2018, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Hiệp ước Di cư toàn cầu. Đây là lần đầu tiên LHQ thông qua một hiệp ước khung cho các quốc gia trước tình trạng nhiều dòng người di dân đang trong hành trình tìm vùng đất mới. Hiệp ước hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về vấn đề người nhập cư trong năm 2019, buộc các quốc gia phải chung tay hành động, thay vì áp đặt các chính sách cứng rắn đơn phương.

Mỹ là quốc gia bỏ phiếu chống hiệp ước này, và những tuyên bố của Tổng thống Trump xung quanh vấn đề người nhập cư hiện đang gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Khủng hoảng người nhập cư là vấn đề của toàn cầu và chính sách cứng rắn như của Tổng thống Trump khó có thể tháo gỡ được những rối rắm này.

8 xu huong nam 2018 se dinh hinh ‘dien mao’ the gioi 2019 – Phan 1
 

Trật tự mới ở Đông Bắc Á

8 xu huong nam 2018 se dinh hinh ‘dien mao’ the gioi 2019 – Phan 1
Từ trái qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp nhau tại đường ranh giới quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào tháng 4/2018.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du đặc biệt đến Đông Bắc Á vào tháng 10/2018. Ông Mike Pompeo là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên có chuyến công du đến tất cả bốn quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiệm vụ của ông Pompeo trong chuyến đi Đông Bắc Á thể hiện vai trò của Mỹ là không thể thiếu ở khu vực. 

Chính cú hích ngoạn mục trong quan hệ ngoại giao Triều Tiên-Hàn Quốc, và bước ngoặt lịch sử là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6/2018, đã làm bàn cờ địa chính trị tại Đông Bắc Á biến đổi chưa từng có. Ông Trump muốn hạ nhiệt với Triều Tiên, nhờ đó tăng cường triển khai sức mạnh tới nhiều khu vực khác tại châu Á – Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng của Trung Quốc trong khu vực này.

Cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

8 xu huong nam 2018 se dinh hinh ‘dien mao’ the gioi 2019 – Phan 1
Thế giới tiếp tục chứng kiến những bước đi cân não của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng cuối cùng của năm 2018, lãnh đạo Mỹ-Trung đã đặt ra thời hạn 90 ngày đình chiến, nhưng ngòi nổ của cuộc chiến thương mại vẫn chưa được tháo gỡ. Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố, nếu những cuộc thảo luận nước rút trong 90 ngày này chẳng đi đến đâu thì Mỹ sẽ mạnh tay áp thuế lên thêm 267 tỷ USD với nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc, nghĩa là tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25%.

Thỏa thuận 90 ngày được coi là phép thử để xem hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mong muốn có cam kết chặt chẽ tới mức nào. Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng việc đối đầu gay gắt chỉ có hại cho cả đôi bên, nhưng mặt khác, họ không thể vui vẻ bắt tay, tin tưởng hoàn toàn lẫn nhau. Hậu quả là, các nước tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế Mỹ hay Trung Quốc (chủ yếu là khu vực châu Á – Thái Bình Dương) đều sẽ gặp khó khăn bởi sự biến động do chính sách thay đổi giữa hai quốc gia.

Minh Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI