8 người nhập viện sau khi ăn cá chình

18/07/2023 - 08:45

PNO - Trong số 9 người ăn cá chình, 8 người phải nhập viện cấp cứu, người còn lại triệu chứng nhẹ hơn nên tiếp tục theo dõi ở nhà.

Nữ bệnh nhân bị ngộ độc cá trình sau bữa liên hoan cùng bạn bè

Nữ bệnh nhân bị ngộ độc cá chình sau bữa liên hoan cùng bạn bè

Chị H.T.M. (Phúc Thọ, Hà Nội) đang được điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) với triệu chứng mệt mỏi, tay chân ủ rũ, đau đầu. Chị cho biết, do có bạn từ xa đến chơi nên rủ nhau ra nhà hàng ăn cá chình. Vài giờ sau, chị bắt đầu khó chịu, buồn nôn, người đau ê ẩm, đi ngoài liên tục, sốt nóng sốt rét lẫn lộn, tay chân tê liệt, hàm đơ cứng khó cử động.

Sau khi được cấp cứu ở tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ngộ độc cá chình.

Chị P.T.B. (Phúc Thọ) cũng là một trong những người có mặt trong bữa ăn. Chị B. nôn nhiều, cũng xuất hiện các triệu chứng đau mỏi cơ, chân tay yếu, hàm đơ cứng và lưỡi tê dại. Chị cho biết, khi thấy triệu chứng bất thường đã gọi điện hỏi thăm những người ăn cùng thì tất cả đều có biểu hiện tương tự. 9 người ăn thì 8 người đã nhập viện, người còn lại cũng có biểu hiện nhưng nhẹ hơn nên đang ở nhà theo dõi.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho hay, hiện đơn vị đang tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Theo ông, ngộ độc cá chình là loại ngộ độc phổ biến nhất trong số ngộ độc hải sản.

Cá chình
Cá chình

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, cá chình là thức ăn khá phổ biến và không nhiều người để ý về nguy cơ gây độc. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hải sản này lại gây ngộ độc nhiều nhất, nhiều hơn cả cá nóc. Ngoài cá chình, còn một số loại cá khác sống ở rạn san hô cũng chứa độc tố ciguatera nhưng ít gặp ngộ độc hơn như cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá vược, cá mập…

Ông khuyến cáo người dân không nên ăn nhiều các loại cá này bởi nguy cơ ngộ độc. Khi có các biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị theo triệu chứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, cá chình thường chứa độc tố ciguatera. Độc tố này không phải sẵn có trong cá mà nguồn gốc do tảo biển sinh ra, chủ yếu là tảo Gambierdicus toxicus. Các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ), các loài cá nhỏ lại là thức ăn của cá lớn hơn như cá chình. Độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong thịt cá lớn.

Loại độc tố này có đặc điểm không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu và bền vững trong môi trường a xít.

Các bệnh nhân ngộ độc cá chình cấp thường có các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, phần lớn xuất hiện trong 2 - 6 giờ đầu.  Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu tim mạch, loạn nhịp tim. Sau khi có các biểu hiện ngộ độc về đường tiêu hóa, thường bệnh nhân sẽ có biểu hiện liên quan tới thần kinh bao gồm: tê, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, vùng miệng, đau cơ, mệt mỏi. Một số người rối loạn nhận cảm về thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh. Ví dụ bề mặt lạnh, người bệnh lại thấy nóng và ngược lại…

Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng thần kinh khác như lo lắng, trầm cảm thậm chí mất trí nhớ. Một số trường hợp có thể thay đổi trạng thái tâm thần như ảo giác, ham chơi, hôn mê… Triệu chứng ngộ độc ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào độc tố ở các khu vực địa lý khác nhau.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI