8 năm sau thảm họa kép, 52.000 người Nhật vẫn chưa thể về nhà

12/03/2019 - 15:26

PNO - Thứ Hai 11/3 đánh dấu 8 năm trận động đất và sóng thần tàn khốc ở đông bắc Nhật Bản, khiến hơn 15.000 người thiệt mạng và gây ra thảm họa hạt nhân.

Dù thời tiết có mưa và gió mạnh, nhiều người vẫn đến tham dự các buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho nạn nhân của trận động đất mạnh 9,0 độ richter, và đợt sóng thần cao đến 15 m vào ngày 11/3/2011.

Trong buổi lễ tưởng niệm do chính phủ tài trợ tại Nhà hát Quốc gia ở Tokyo, mọi người dành phút mặc niệm trong im lặng vào 14g46 chiều, thời điểm trận động đất xảy ra.

8 nam sau tham hoa kep, 52.000 nguoi Nhat van chua the ve nha
Người dân tại khu vực mua sắm Ginza ở Tokyo dành phút mặc niệm cho nạn nhân của trận động đất, sóng thần năm 2011.

Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, nói rằng chính phủ "sẽ tiếp tục thực hiện công việc tái thiết, với cam kết cung cấp hỗ trợ thông qua các giai đoạn phục hồi sinh kế khác nhau, và đẩy nhanh hơn nữa công việc tái thiết".

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, tính đến thứ Sáu 8/3, thảm họa đã khiến 15.897 người thiệt mạng và 2.533 người mất tích, chủ yếu ở các quận Iwate, Miyagi và Fukushima.

Ayumi Kakuhari, 33 tuổi, mất em trai Tomoyuki Kanno, 20 tuổi, trong cơn sóng thần ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate. Dưới cơn mưa, Ayumi cầu nguyện trước mộ và nói: "Tôi vẫn luôn cảm thấy như em ấy sẽ đột nhiên xuất hiện vào một ngày nào đó”.

Dù số người di tản do thảm họa kép đã giảm từ mức cao nhất là 470.000, khoảng 52.000 người vẫn chưa trở về quê nhà, bao gồm khoảng 32.600 cư dân của tỉnh Fukushima.

Fukushima là nơi sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến thảm họa hạt nhân nguy hiểm nhất tại Nhật Bản với 7 lần tan chảy lõi nhiên liệu.

8 nam sau tham hoa kep, 52.000 nguoi Nhat van chua the ve nha
Một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của trận động đất và sóng thần năm 2011 ở tỉnh Miyagi.

Tuy nhiên, mặc cho khó khăn, những người di tản đang thiết lập cuộc sống mới ở những nơi họ đã chuyển đến.

Tại thành phố ven biển Soma thuộc tỉnh Fukushima, một số nạn nhân động đất, mất nhà trong cơn sóng thần, quyết định mua lại những ngôi nhà tạm khẩn cấp mà chính quyền cho thuê, nhằm bảo đảm một cuộc sống ổn định.

Kazuo Tadano, chủ hộ 74 tuổi của một ngôi nhà tạm khẩn cấp ở Soma, nói: "Cảm giác sẽ khác nhiều nếu đó là nhà riêng của bạn. Bạn cảm thấy một sự ràng buộc với ngôi nhà và vùng đất. Tất cả chúng tôi có lẽ sẽ ở đây cả đời".

Tadano mất vợ và con gái lớn trong cơn sóng thần, cùng với ngôi nhà mà gia đình sống trong nhiều năm. Ông đã chuyển đến khối nhà tạm này cách nơi ở cũ khoảng 3 km và sống với cháu gái sau thảm họa.

Các cư dân đến từ nhiều tầng lớp xã hội và hầu như không biết nhau trước khi đến đây. Tuy nhiên, thông qua tiệc nướng, lễ hội bắn pháo hoa mùa hè và trẻ em bắt đầu năm học mới vào mùa xuân, những mới liên kết mới dần hình thành.

Ông Tadano nói: "Thị trấn này sẽ không tồn tại nếu không có trận động đất. Dù gặp nhau một cách ngẫu nhiên, tất cả chúng tôi giờ đây đều giống như người thân".

Tháng 12/2018, chính quyền Soma quyết định rao bán những ngôi nhà tạm thời. Những ngôi nhà có giá trị trung bình là 42.200 USD, nhưng nhờ trợ cấp của chính phủ, cư dân có thể mua chúng với giá thấp nhất là 34.000 đô la.

8 nam sau tham hoa kep, 52.000 nguoi Nhat van chua the ve nha
Cư dân của những ngôi nhà khẩn cấp tạm thời ở Soma, Fukushima trò chuyện bên tách trà. Phía sau là khu nhà tạm, mà một số cư dân đang mua lại từ chính phủ.

Với khoảng hai năm còn lại trong kế hoạch trước năm tài khóa 2020, cơ sở hạ tầng tại khu vực bị ảnh hưởng đã được cải thiện rõ rệt. Tại quận Iwate, Miyagi và Fukushima, kế hoạch xây dựng nhà ở công cho nạn nhân thảm họa đã hoàn thành hơn 95%. Xe lửa sẽ phục vụ lại vào ngày 23/3 trên một đoạn đường ray bị sóng thần phá hủy.

Dù vậy, sản lượng điện của quốc gia vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa.

Sau các cuộc khủng hoảng của Fukushima Daiichi, các nhà máy hạt nhân không được phép khởi động lại sau khi ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ, bao gồm tất cả 54 lò phản ứng ở Nhật Bản, chiếm một phần tư nguồn cung cấp điện trước thảm họa.

Ngọc Hạ (Theo Japan Today, Asia.nikkei)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI