Mỗi ngày, chúng ta luôn nghe thấy người ta nói rằng làm cha mẹ là công việc khó khăn nhất hành tinh. Nhưng thực sự công việc này có khó khăn đến như thế hay không?
Có phải nuôi dưỡng một đứa trẻ vui vẻ, khỏe mạnh, biết cư xử thực sự khó hơn cả khoa học nghiên cứu chế tạo tên lửa không? Hay chúng ta nên nhìn nhận lại những lỗi lầm về việc dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh?
Thực tế, có một số lỗi mà những bậc cha mẹ rất dễ mắc phải và dưới đây là một số cách để sửa chữa chúng:
1. Tự quyết định cách dạy dỗ con cái thậm chí trước khi trẻ ra đời
Thậm chí bạn còn nói với mọi người phương pháp này hiệu quả ra sao và bạn sẽ thực hiện nó như thế nào.
Chắc chắn việc quyết định cách nuôi dạy con từ trước mà không hề biết những thói quen của con thì rất dễ nhận lấy thất bại. Có rất nhiều trường hợp các mẹ quyết định cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ có những đứa trẻ bị dị ứng với núm vú hay các mẹ luôn tin rằng đánh đòn là cách tốt nhất để trừng phạt con cái sẽ có những đứa con nhạy cảm và dễ bị tổn thương,...
Hãy tìm hiểu con trước khi bạn dạy chúng. Và tốt hơn hết, nếu có thể, bạn hãy học cách tư duy của phụ huynh chứ không phải là cách dạy dỗ.
2. Không cho phép trẻ chơi đùa và tự do khám phá
Trẻ em chơi mà học, bạn hãy chấp nhận việc con mình chơi nhưng đồng thời cũng tranh giành, cũng phạm sai lầm, cũng ngã nhào và thậm chí có những vết bầm tím do va chạm trên chân tay.
Nếu chúng ta luôn dõi theo, hướng dẫn, chỉnh sửa thời gian chơi đùa của con, chúng sẽ sợ khi thử những điều mới mẻ và quan trọng hơn nữa, chúng sẽ không biết tự sửa chữa lỗi lầm và tự rút ra bài học cho bản thân.
3. Xấu hổ thay vì xử lý tình huống trước mắt
Đã bao giờ bạn để bé ở truồng chạy quanh nhà khi dạy con cách dùng bô nhưng khi bé tụt quần (vì muốn đi tè) trước mặt bạn và những người hàng xóm đang cùng nói chuyện, bạn lại xấu hổ và la mắng bé vì bạn không muốn người khác nghĩ rằng mình vô duyên chưa?
Cách dạy bé như thế chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn mà thôi. Tốt hơn là bạn hãy hỏi con: “Con muốn đi tè đấy à?” và nhắc nhở bé lần sau nên dùng lời nói thay vì hành động như thế. Phụ huynh nào trong trường hợp đấy cũng sẽ hiểu thôi, đứa trẻ nào mà chả có những lúc xấu hổ như thế.
4. Đổ lỗi cho con mình
“Tại sao con cứ làm mẹ phải cáu thế nhỉ? Chúng ta đã có một ngày tuyệt vời, nhưng con đã phá hỏng hết rồi!” - điều này sẽ vô tình dạy con đổ lỗi cho người khác cho chính hành động của mình. Một đứa bé 2 tuổi có chọn làm cho bạn cáu và la mắng nó hay không? Lỗi của bé có thực sự làm hỏng cả một ngày vui vẻ của cả nhà hay không?
Bố mẹ cần phải lựa chọn từ ngữ, giống như: “Mẹ mắng con vì mẹ cảm thấy rất bực bội”. Sau đó, hãy giúp trẻ lấy lại “phong độ” bằng cách hỏi chúng làm thế nào để mọi thứ đi vào đúng quỹ đạo của nó.
5. Mắng trẻ bằng những lời phi lý và sáo rỗng
Dù con làm bạn bực mình đến như thế nào thì cgng hãy cố gằng đừng dọa nạt chúng. Vì như vậy bạn đang dạy con mình cách đe dọa người khác để có được mọi thứ theo cách của mình.
Trong trường hợp đó, hãy cố gắng bình tĩnh, giảng giải cho con hiểu như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Nếu bạn không thể bình tĩnh để nói chuyện với con, hãy đi ra một chỗ khác một mình một lúc và quay lại nói chuyện với con khi bạn đã bình tĩnh.
6. Không thực hiện quy tắc của mình đến cùng
Ví dụ bạn coi đếm như một phương pháp để dạy con, hãy chắc chắn con bạn biết điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ đếm. Khi bạn nói: "Mẹ sẽ đếm đến ba và tốt nhất là con nên ngồi xuống". Vài lần như thế, trẻ sẽ có tâm lý chờ xem những gì bạn sẽ làm, nếu bạn không làm gì, phương pháp này rõ ràng sẽ không làm cho trẻ tin tưởng.
Một cách tốt hơn là bạn nên thỏa thuận trước với con: "Chúng ta sẽ có mặt tại sân chơi cho đến 15:00 và sau đó, chúng ta sẽ đi lấy bánh pizza cho bữa trưa. Nếu con chơi quá giờ, sẽ không có bánh pizza đâu nhé". Như vậy trẻ sẽ biết rõ hậu quả của việc không nghe lời.
7. Kết thúc yêu cầu hoặc đề nghị của mình với từ "Được không?"
Đừng bao giờ hỏi trẻ là "được không?" vì bạn sẽ làm gì nếu câu trả lời của trẻ là "không"?
Thay vào đó, bạn nên nói rằng: “Chúng ta sắp phải đi rồi. Con còn hai phút để chơi thôi đấy".
8. Buộc trẻ phải biểu thị tình cảm với "người lạ"
Chúng ta thường xuyên nói về "mối nguy hiểm người lạ", thế nhưng, khi chúng ta tham dự một buổi họp gia đình hoặc bạn bè - những người mà con cái chúng ta không biết, chúng ta luôn ép chúng đến bên cạnh và ôm hôn họ.
Dành tình cảm cho một người không thân thiết lắm bằng cách ép buộc con mình trong những tình huống như vậy không phải là một động thái tốt. Trên thực tế, điều đó là mâu thuẫn và khó hiểu.
Thay vào đó, bạn có thể dạy con cách nở nụ cười để chào người đối diện, điều này sẽ giúp trẻ vẫn đủ lễ phép và giữ được khoảng cách với người lạ.
Hồng Anh