8 hiệp hội cho rằng Dự thảo "sống chung" với COVID-19 của Bộ Y tế chưa thể sống chung

26/09/2021 - 11:17

PNO - Dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với “sống chung với COVID-19”, thiếu tính linh hoạt.

8 hiệp hội ngành hàng (Thực phẩm minh bạch, Lương thực - thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) đồng loạt kiến nghị về những điểm không phù hợp trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế với Chính phủ và 5 bộ ngành liên quan.

Các hiệp hội trên cho rằng những tiêu chí trong dự thảo còn hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero COVID”, chưa hoàn toàn “sống chung với COVID-19” nên chưa phù hợp.

Việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết. Nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn.

Tiêu chí tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU nên được đưa thành một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh. Khi đã tiêm đủ liều vắc xin thì đếm số ca nhiễm là không cần thiết mà chỉ cần quan tâm đến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh (chỉ tính cho các ca cần thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn) và giường ICU. Ngoài ra, cần phải để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.

8 hiệp hội gửi kiến nghị lên Chính Phủ góp ý Dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” để thực hiện mục tiêu kép
Các hiệp hội cho rằng, khi Chính phủ xác định thích ứng an toàn với dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh thì cần dỡ bỏ các quy định không cần thiết cản trở doanh nghiệp...

Đánh giá nhiều quy định chỉ phù hợp với chủ trương cũ “Zero COVID”, chưa phù hợp với chủ trương “sống chung với dịch”, chưa phù hợp với mức độ phủ vắc xin và năng lực y tế, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, các hiệp hội kiến nghị cần chia ra các giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn “sống chung với COVID-19” và có quy trình hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn.

Các hiệp hội có chung quan điểm là không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0, nếu có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp. Đối với vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (<0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), giai đoạn chuyển tiếp 3 - 5 tháng đến khi tiêm đủ vắc xin thì nên phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng. Vùng nào tiêm đủ vắc xin sớm theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang “bình thường mới”, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa. Chỉ thực hiện cách ly tại nhà, truy vết và quản lý theo mức độ dịch…

Dự kiến giai đoạn “sống chung với dịch” từ giữa quý 1/2022 (có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn), các hiệp hội kiến nghị mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho >70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 (>80% người trên 50 tuổi tiêm đủ vắc xin). Đồng thời, giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch nhưng có điều chỉnh nới rộng: sản xuất - kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả các cấp độ dịch.

Những giới hạn về số người hội họp, tham gia sự kiện được giảm một cấp độ dịch so với giai đoạn chuyển tiếp. Cùng với đó là đồng loạt các điều chỉnh, như: bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh); bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến, bỏ xét nghiệm diện rộng; cho phép F0 điều trị tại nhà; triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn…

Theo các hiệp hội, khi đã tiêm đủ vắc xin thì việc hạn chế đi lại với những người là F0 đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ vắc xin, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng là không cần thiết. Chủ trương bỏ quyết định 2686/QĐ-BCĐQG là đúng, nhưng quyết định 2787/QĐ-BYT vẫn chưa theo chủ trương mới “sống chung với COVID-19” nên có nhiều bất cập, cần sửa đổi.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI