Dịp 8/3 năm nào cũng vậy, khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chỉ có tiếng máy móc tít tít suốt ngày đêm. Từ em điều dưỡng mới vô nghề, cho đến các bác sĩ sắp về hưu, ai cũng chia nhau, làm việc thâu đêm suốt sáng.
Thế nên khi được hỏi về ngày lễ, nữ bác sĩ, y tá của khoa chỉ cười trừ “Chị ăn lễ trong bệnh viện”, bệnh nhân nữ đang điều trị trong khoa cũng gượng cười. Họ, những người phụ nữ đang cần giúp đỡ và những phụ nữ luôn âm thầm bên cạnh làm nhiệm vụ của một thầy thuốc đều cùng nhau đón tết, đón lễ.
Khoa Thận nhân tạo từ khi thành lập đến nay đều hoạt động 24/24, cả bệnh nhân và bác sĩ không có ngày cuối tuần, lễ hay tết.
Bệnh nhân điều trị tại Khoa Thận nhân tạo không như những bệnh nhân khoa khác. Họ không chỉ đến khám, theo dõi bệnh một thời gian mà một khi mắc bệnh suy thận mạn tính, chưa có thận thích hợp để thay thế thì Khoa Thận nhân tạo là căn nhà thứ hai của họ.
Suốt phần còn lại của cuộc đời bệnh nhân là những ngày gắn liền với máy lọc thận, người thân của họ là tập thể các bác sĩ trong khoa, hàng xóm của họ là bạn cùng giường. Vì vậy, mối quan hệ giữa người bệnh và bác sĩ không đơn thuần là kẻ nương nhờ cuộc sống, mà là gia đình.
Chị N.T.T.D (38 tuổi, ngụ Bình Dương) có lẽ là người cảm nhận sâu sắc nhất về nữ bác sĩ và y tá nơi đây. Lúc bé, chị D. bị sốt, di chứng là đôi mắt không nhìn thấy gì nữa. 18 tuổi, chị D. đón nhận “án tử” khi biết mình bị suy thận mạn tính. Đang có việc làm ổn định, chị trở thành kẻ ăn bám gia đình, nhiều lần chị toan tự vẫn để gia đình bớt khổ, để giải thoát bản thân khỏi số phận nghiệt ngã. Thế nhưng, các bác sĩ ở Khoa Thận nhân tạo đã không cho chị làm thế. Họ luôn bên cạnh, tháo gỡ tâm lý, khuyên chị nên mạnh mẽ chiến đấu.
Bệnh nhân khi mác bệnh suy thận mạn tính có nghĩa là cuộc đời của họ gắn liền với máy lọc thận.
“Bây giờ tôi sống vui vẻ lắm, như mấy chị trong này nói, mình có mặt trên đời là một điều ý nghĩa, ít nhất là đối với mẹ. Tôi thấy biết ơn bác sĩ Thùy Dương, y tá Vân, y tá Trâm và các chị khác nữa đã luôn bên cạnh tôi. Nhất là bác sĩ Dương, chị ấy tâm lý và dịu dàng lắm, giờ gặp chuyện không vui ở ngoài đời, hay lúc có người yêu tôi đều nói với chị ấy.
Tôi nhớ nhất là những khi tôi bị sốt, nhờ chị Dương khám, khám xong chị đưa tôi toa thuốc, ra đến hiệu thuốc thì mới biết, chị kẹp mấy tờ tiền đủ với tiền thuốc chị ghi trên toa. Ở đây, ai cũng cảm nhận được chị là một bác sĩ đầy tình cảm.”, chị D. chia sẻ.
Từ bé đã bị mù, lớn lên lại bệnh thận, nếu không được sự quan tâm chia sẻ của các bác sĩ, chị D. đã tự kết thúc đời mình.
|
|
Khi nhắc về y tá Trâm, bệnh nhân nào cũng cho rằng chị khó tính lắm, vào phòng chạy thận là không dám nói chuyện với chị, nhưng khi chạy thận xong rồi họ mới cảm nhận được hết tấm lòng của chị dành cho mình.
Chị D. nói: “Có lần tôi đi chạy thận, không hiểu do mình quên hay người ta không biết tôi bị mù nên giấu mất cây gậy. Không có gậy, tôi không đi xe buýt về Bình Dương được. Biết chuyện, y tá Trâm nhờ người trực dùm rồi tìm gậy cho tôi suốt từ 1h trưa đến 4h chiều vẫn không thấy. Chị ấy dẫn tôi ra cổng, nhờ anh bảo vệ của bệnh viện đưa tôi về nhà. Về đến nhà là hơn 6h chiều thì chị Trâm gọi, giọng chị mừng lắm. Chị nói chị tìm được gậy cho tôi rồi để tôi yên tâm. Khi đi chạy thận, chị Trâm là người la bệnh nhân nhiều nhất mà không ngờ chị tình cảm đến vậy.”
Nghe chị D. nói, chị Đ.T.V (32 tuổi, ngụ Long An) chỉ cười: “Chị Trâm là vậy mà, mấy chị ở đây la là vì những bệnh nhân khác cứ mang dép, đem đồ, đem nước ở ngoài vô khoa. Nhiều khi họ nằm chạy thận mà còn uống nước, để túi đồ kế bên dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Chị Trâm hay la nhưng thương bệnh nhân lắm, mấy lần tôi chạy thận xong, đi ra thấy chị, chị đều hỏi thăm rồi động viên.”
Thế nên ngoài nhiệm vụ của một thầy thuốc, sau giờ tan ca, các chị đều trò chuyện với bệnh nhân. Y tá Vân còn được bệnh nhân đánh giá là y tá chăm chỉ, kiên nhẫn với người bệnh.
Trong Khoa Thận nhân tạo, hết giờ trực không có nghĩa là bác sĩ, y tá về nhà ngay. Trước khi cất áo ngành, họ còn ngồi lại trò chuyện cùng người bệnh, khi thấy bệnh nhân của mình có nhiều tâm sự. Trong đó, y tá Vân được bệnh nhân nhắc đến nhiều nhất.
Chị P.T.H (29 tuổi, quê Kiên Giang) nói: “Tôi thích nói chuyện với bác sĩ Dương và y tá Vân nhất, họ rất đềm đạm và ân cần. Nhiều lúc đang buồn, chưa biết tâm sự với ai cũng đều bị hai chị phát hiện. Trò chuyện với họ rất thoải mái và thấy mình được tôn trọng. Không như những người khỏe mạnh khác cứ sợ chúng tôi. Các chị không ngại sờ trán, nắm tay mặc dù nếu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thì rất dễ lây.”
Bác sĩ Trần Thị Thùy Dương luôn hết lòng vì bệnh nhân của mình.
8/3 của những phụ nữ khoa thận vẫn như một ngày bình thường khác, chỉ cần ngày mai còn gặp lại nhau là còn lễ. Vì với bệnh nhân mác bệnh suy thận mạn tính, họ có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Biết những cảm xúc của bệnh nhân khi nói về mình, các bác sĩ và y tá đều cười “Ban đầu chúng tôi đi làm với tránh nhiệm của một thầy thuốc, nhưng bệnh nhân họ cần tình cảm của người thân hơn. Với người bệnh thận, họ mặc cảm thì ít nhưng bị người thân xa lánh, thậm chí bỏ rơi thì nhiều. Lúc này mình không bên cạnh họ thì họ sẽ không còn có ai hết.”
Bác sĩ Trần Thị Thùy Dương – nữ bác sĩ nhiều lần được bệnh nhân nhắc đến chỉ nói đơn giản rằng: “Không riêng gì tôi, bác sĩ nào cũng vậy thôi, ngoài chuyên ngành thì phải hiểu về tâm lý bệnh nhân. Họ cần chữa bệnh nhưng cũng cần sẻ chia. Việc tôi làm cũng như bao bác sĩ khác, nó cũng bình thường thôi.”
Phạm An