Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

10/08/2021 - 06:28

PNO - Nhắc đến nghệ sĩ Mai Thanh Dung, có lẽ rất nhiều khán giả sẽ nhớ ngay đến hình ảnh bà Tư Ù trong phim "Đất phương Nam" hoặc những vai diễn hài hước, chọc cười khán giả màn ảnh nhỏ. Nhưng trong ký ức của người nghệ sĩ ấy, có những năm tháng thuộc về thời thanh xuân tươi đẹp nhất - một thời mà Mai Thanh Dung còn là cô gái thon thả xinh đẹp, từng là gương mặt được đạo diễn Mai Lộc lựa chọn sau khi đã tìm khắp nơi một gương mặt nữ chính cho phim…

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Năm ấy, cô gái nhỏ thích mặc áo dài 

Sài Gòn 1969, dưới những vòm lá me xanh biếc trên đường Nguyễn Du, cứ vào buổi chiều tan học, lại có những chàng trai chạy xe tà tà theo tán tỉnh một nàng con gái mặc áo dài xinh xinh. Nhưng cô gái cứ cắm đầu cắm cổ chạy miết về nhà vì… sợ. Thậm chí có người trêu ghẹo mãi không nhận được lời đáp nào, còn tức tối bảo: “Người đẹp mà câm”. Kỷ niệm thời sinh viên hoa mộng đến giờ nghệ sĩ Mai Thanh Dung vẫn còn nhớ. Năm ấy bà mới 16 tuổi, đang theo học Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM).

Bức ảnh duy nhất về tuổi thanh xuân mà nghệ sĩ Mai Thanh Dung còn lưu giữ lại - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bức ảnh duy nhất về tuổi thanh xuân mà nghệ sĩ Mai Thanh Dung còn lưu giữ lại - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP

“Ký ức về những năm tháng học tập ở ngôi trường ấy rất thơ mộng, đáng yêu. Tôi không thể nào quên được” - nghệ sĩ Mai Thanh Dung bồi hồi. Bây giờ, bà đang ở tuổi 68. Năm xưa, bà học sân khấu vì “mê kinh khủng” những vai diễn của các nghệ sĩ Kim Cương (NSND Kim Cương), Thẩm Thúy Hằng thuở ấy. Và mong ước mình cũng có thể hóa thân thành những nhân vật bi hài, khóc cười trên sân khấu. Nhưng gia đình không ai theo nghệ thuật, bà ngoại cũng ngăn cấm nên đường đến trường của Dung đầy khó khăn và thử thách. Mẹ yêu cầu con gái muốn học kịch thì mỗi năm phải mang về một bằng tú tài. Mai Thanh Dung đã nỗ lực gấp ba bốn lần bạn bè để có thể thực hiện được yêu cầu của người lớn.

“Sáng học văn hóa, chiều học diễn kịch, tối học sinh ngữ. Có thể nói là tôi học điên cuồng để được theo đuổi đam mê. Năm tôi thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc, chỉ có hơn 40 người được chọn từ khoảng gần 200 thí sinh, chia làm hai lớp: kịch và cải lương. Rồi trong quá trình học, rất nhiều người bỏ ngang đi lấy chồng. Đến lúc tốt nghiệp, lớp tôi chỉ có hai người ra trường. Nhưng người bạn ấy sau đó cũng không theo nghề” - nghệ sĩ Mai Thanh Dung nhớ lại. 

Bà là nghệ sĩ duy nhất của khóa đào tạo kịch nói 1969-1973 gắn bó với nghề. Cùng khóa cải lương năm ấy có các nghệ sĩ Tài Lương, NSND Thoại Miêu…

Được thỏa sức hóa thân vào các nhân vật khi còn trên ghế nhà trường, nhưng tốt nghiệp rồi cơ hội lại không đến với Mai Thanh Dung. Vì không có mối quan hệ quen biết ở các sân khấu kịch, Mai Thanh Dung gần như không có cơ hội để tỏa sáng, hay ít ra là khẳng định được năng lực diễn xuất của mình. Bà bỏ nghề, chuyển sang học Đại học Luật. Còn đang là sinh viên trường luật thì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày 30/4/1975, bà cùng sinh viên trường tham gia các hoạt động công tác xã hội, đi quét dọn rác, vệ sinh đường phố… Vào đúng thời điểm tiếp tục hoang mang về con đường phía trước, thì lớp đàn em Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn dựng vở tốt nghiệp: vở kịch Hamlet. Thầy Hà Bay - người thầy từng dạy Mai Thanh Dung - nói với học trò, làm vở này thì phải mời Mai Thanh Dung vào vai hoàng hậu. “Vì vai đó tôi từng diễn rất tốt. Lúc đó cũng đang rảnh nên tôi nhận lời giúp đàn em hoàn thành vở diễn tốt nghiệp. Không ngờ diễn xong, các thầy thích quá, muốn giữ lại trường.

Thầy Hiệu trưởng Tăng Lộc bảo: “Hay con đi học lại biểu diễn”. Tôi nói: “Không, con đã tốt nghiệp rồi, giờ các thầy cho con đi dạy thì con dạy”. Vậy là từ đó, tôi trở thành phụ giảng” - nghệ sĩ Mai Thanh Dung kể. Năm 1976, bộ môn kịch nghệ được tách riêng để chuyển thành Trường Nghệ thuật Sân khấu II TP.HCM (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), nghệ sĩ Mai Thanh Dung đã đứng lớp môn tiếng nói sân khấu cho đến khi nghỉ hưu. 

Nghệ sĩ Mai Thanh Dung gặp lại các diễn viên Đất phương Nam trong chương trình Ký ức vui vẻ
Nghệ sĩ Mai Thanh Dung gặp lại các diễn viên Đất phương Nam trong chương trình Ký ức vui vẻ

Đi một đường vòng theo sắp xếp của số phận, cuối cùng duyên may với nghề đã đến với bà một cách tình cờ như vậy. Từ bục giảng, Mai Thanh Dung mới trở lại sân khấu, tham gia đóng phim điện ảnh, truyền hình. Thời điểm ấy, Mai Thanh Dung chưa bị bệnh và tăng cân mất kiểm soát như bây giờ. Trong ký ức xốn xang của bà, cô gái ngày xưa thon thả, tóc ngắn, thích mặc áo dài; từng là hoa khôi của trường và là gương mặt nữ chính mà đoàn phim Địa chỉ để lại của đạo diễn Mai Lộc (thực hiện năm 1976) lựa chọn, sau khi đã tìm kiếm diễn viên khắp các đoàn nghệ thuật ở Sài Gòn và các tỉnh, thành năm ấy…  

Có những điều thuộc về định mệnh

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức như dấu chấm son trên những cung đàn đời người. Mãi mãi đẹp đẽ, mãi mãi nhớ thương. Khán giả có lẽ nhớ nhiều đến Mai Thanh Dung với hình ảnh một nghệ sĩ già mập mạp, phúc hậu, là gương mặt quen thuộc trong những bộ phim cổ tích hoặc đảm nhận những vai diễn hài hước, tươi vui trong nhiều bộ phim truyền hình.

Một trong những vai diễn ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là vai bà Tư Ù trong bộ phim Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn (1997). Thời điểm đó bà đã bị tăng cân mất kiểm soát sau khi phải uống thuốc điều trị bệnh. Vóc dáng thon thả của thời con gái không còn nữa, thay vào đó là một người phụ nữ cân nặng đến 90kg. 

Vì phát tướng bất ngờ, Mai Thanh Dung trở nên vô cùng tự ti. Hơn một lần từ chối vai diễn mà đồng nghiệp mời và cố gắng thuyết phục bà lên sân khấu. “Hồi đó, khi dựng vở Dư luận quần chúng” - vở diễn đầu tiên của sân khấu 5B, anh em đồng nghiệp tìm tôi và nói rằng vai diễn rất phù hợp với tôi. Nhưng bản thân phát tướng như vậy, nên tôi rất ngại xuất hiện trước khán giả. Phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm tôi mới vượt qua được nỗi niềm của chính mình mà trở lại sân khấu” - nghệ sĩ Mai Thanh Dung tâm sự.

Vai diễn là một bà hàng xóm nhiều chuyện, rất hài hước và đặc biệt được khán giả bấy giờ yêu thích. Có lần đoàn đi biểu diễn ở Bạc Liêu, Mai Thanh Dung trong tạo hình nhân vật, tóc vàng hoe, mặc đầm tây từ bên ngoài bước vào sân khấu, khán giả cứ vỗ tay rần rần. Đồng nghiệp còn đùa, bảo đó là “đêm của Mai Thanh Dung”. Tình cảm ấy đã giúp người nghệ sĩ tìm lại sự tự tin trong chính mình. Từ vở Dư luận quần chúng, Mai Thanh Dung đã trở lại sân khấu với nhiều vở diễn khác: Tình 281, Ai bị giết… (diễn cùng các nghệ sĩ Kim Loan, NSND Việt Anh, NSƯT Thành Lộc...).

Bà Tư Ù, vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ Mai Thanh Dung trong phim Đất Phương nam
Bà Tư Ù, vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ Mai Thanh Dung trong phim Đất Phương nam

Nghệ sĩ Mai Thanh Dung nói, lâu lắm rồi bà mới nhắc nhiều đến như vậy về kỷ niệm làm nghề. Năm tháng đã qua, nhìn lại như một giấc mơ đẹp của đời người, như định mệnh của số phận đã chọn cho bà những bước ngoặt bất ngờ nhất. Đang hoang mang không định hướng nổi tương lai, thì được nghề chọn trở lại bằng duyên may tình cờ. Đang hồn nhiên vô tư thì hạnh phúc tìm đến. Đang phơi phới thanh xuân thì tăng cân phát tướng. Đang trốn tránh sân khấu thì vai diễn đi tìm…

“Cuộc đời là tất cả những điều bất ngờ của số phận” - câu nói giản dị vậy thôi, nhưng phải đi qua gần trọn cuộc đời, mới có thể nói ra được. Điều bất ngờ của hạnh phúc, của những buồn vui đời người, có lẽ nghệ sĩ Mai Thanh Dung đều đã trải qua rồi. Ở vai trò nghệ sĩ, bà đã có một thời xuân sắc hết mình với sân khấu. Ở vai trò giảng viên, bà đã đào tạo bao thế hệ nghệ sĩ thành danh, họ đều trở thành những tên tuổi: NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Nhí… Và ở vai trò người vợ, người mẹ, bà có được một gia đình hạnh phúc… 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI