78 tuổi vẫn miệt mài chữa bệnh giúp người

20/07/2023 - 06:09

PNO - Suốt 30 năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, lương y Nguyễn Thị Lài (78 tuổi, ngụ quận 6) vẫn đều đặn đến Phòng khám Nhân Đạo của Hội Cựu chiến binh (phường 10, quận 3) để khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Những buổi sáng tất bật

Đi ngang qua hẻm 134 Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) mọi người sẽ thấy tấm biển hiệu “Phòng khám Nhân Đạo”. Trong phòng khám, 2 y, bác sĩ đầu đã bạc trắng, mặc áo blouse trắng đang khám chữa bệnh cho các bệnh nhân. 

Lương y Nguyễn Thị Lài cho biết, bà đã gắn bó với phòng khám được 30 năm. Trước đây, bà công tác ở Bệnh viện Y dược học dân tộc. Về hưu, bà khám và chữa bệnh tại nhà. Khi biết các anh em đồng nghiệp mở phòng khám từ thiện giúp đỡ bà con nghèo, bà tình nguyện tham gia 3 ngày/tuần.

Lương y Nguyễn Thị Lài đang châm cứu chữa bệnh cho 1 phụ nữ nghèo
Lương y Nguyễn Thị Lài đang châm cứu chữa bệnh cho 1 phụ nữ nghèo

Về sau, phòng khám có đông bệnh nhân, bà tham gia cả tuần.Công việc bắt đầu vào 8 giờ sáng, nên buổi sáng bà tranh thủ lo cơm nước cho người con trai bị tai biến rồi mới bắt xe ôm đến nơi làm việc.

Lúc chưa xảy ra dịch COVID-19, mỗi ngày phòng khám tiếp đón 30-40 bệnh nhân, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 10 người, chủ yếu là các bệnh nhân về xương khớp. Họ được chữa trị bằng phương pháp y học dân tộc nên cần nhiều thời gian. Và công việc của lương y Nguyễn Thị Lài là châm cứu, giác hơi, bấm huyệt… “Châm cứu cho bệnh nhân mất từ 1-3 tiếng tùy tình trạng bệnh.

Hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Nhiều lúc làm không xuể. Điều trị bằng phương pháp này phải có sự kiên nhẫn” - bà Lài nói.

Khoảng 12 giờ trưa thì công việc kết thúc, bà Lài bắt 2 chặng xe buýt và một quãng đi bộ mới về đến nhà. Bữa nào mệt, ra xe buýt không nổi thì bà lại bắt xe ôm, hết 50.000 đồng. Mọi chi phí sinh hoạt của bà được Hội Cựu chiến binh hỗ trợ.

Ông Viên Hữu Đức - 84 tuổi, Trưởng phòng khám - là người đồng hành cùng bà Lài từ những ngày đầu. Ông kể: “Sau khi rời quân ngũ, tôi công tác tại Sở Y tế tỉnh Sông Bé. Về hưu, chuyển về sống và tham gia Hội Cựu chiến binh tại phường. Thấy xung quanh có nhiều người nghèo bệnh tật, trong hội cũng có nhiều anh chị em bệnh xương khớp, huyết áp, hoàn cảnh lại khó khăn, nên tôi đã cùng anh em tham gia khám chữa bệnh miễn phí, bén duyên đến bây giờ”. 

Cho đến nay, phòng khám đã thành lập được gần 30 năm. Ban đầu, đội ngũ y, bác sĩ tham gia rất đông. Nhưng qua thời gian, người thì già yếu, người đã mất, phòng khám chỉ còn vỏn vẹn 2 y, bác sĩ là bà Lài và ông Đức.

Họ vui, tôi cũng vui theo

Phòng khám được thành lập năm 1994, từ một căn nhà cấp 4 cũ, trang thiết bị không hiện đại nhưng khá đầy đủ như máy quang châm, máy kéo sống… Mọi chi phí duy trì phòng khám chủ yếu nhờ anh chị em trong hội cùng nhau tích góp. Sau một thời gian hoạt động, phòng khám đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chữa trị cho nhiều bệnh nhân khỏi bệnh.

Đến năm 2004, UBND quận 3 đã hỗ trợ chi phí tu sửa và nâng cấp phòng khám thêm một tầng lầu cho rộng rãi, thoáng mát. Một số bệnh nhân đến khám có điều kiện cũng quyên góp đường, sữa, kim châm…

Hiện tại phòng khám có 7 giường bệnh, mở cửa làm việc vào buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu. “Chúng tôi châm cứu cho người này xong lại quay qua giác hơi cho người kia, làm hết ngày này qua tháng nọ. Ấy vậy mà đã gần 30 năm rồi. Giờ tôi cũng lớn tuổi, nhưng hễ còn bệnh nhân thì tôi vẫn còn làm, mình đâu thể bỏ người ta được, nhìn người ta bệnh nặng xót lắm. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt, nhưng nghĩ bệnh nhân được khỏi bệnh, sức khỏe tốt lên, họ vui, tôi cũng vui theo” - bà Lài bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (53 tuổi, quận 4) bị thoái hóa đốt sống cổ đã 8 năm nay, đi khám ở rất nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Hiện tại, bà đang điều trị tại Phòng khám Nhân Đạo. “Tôi điều trị tại đây được 3 tháng rồi. Bệnh của tôi đã đỡ rất nhiều, 10 phần đã đỡ 7. Ông, bà ở đây rất chu đáo, tận tình với bệnh nhân. Thật sự rất cảm ơn các y, bác sĩ, cảm ơn phòng khám đã giúp đỡ cho bệnh nhân chúng tôi”.

Ông Đồng Quảng Toan - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (phường 10, quận 3) - cho biết: “Lực lượng nhân viên không còn nhiều, các cụ, các bác đã lớn tuổi, già yếu, nên duy trì phòng khám được lúc nào hay lúc đấy. Nhiều bệnh nhân ở xa cũng tìm đến để chữa trị nên chúng tôi luôn mong muốn sẽ có nhiều hội viên cựu chiến binh có chuyên môn tham gia hỗ trợ phòng khám, chung tay trao sức khỏe, niềm vui cho những hội viên khó khăn và bà con nghèo khắp mọi nơi”. 

Không chỉ khám chữa bệnh tại phòng khám, bà Lài và ông Đức còn thường xuyên cùng các bác sĩ cựu chiến binh tham gia các đoàn thiện nguyện tổ chức khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa, các tỉnh giáp biên giới. 

Ngọc Trăm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI