edf40wrjww2tblPage:Content
Quy định được coi là "rất nhân văn và bảo vệ phụ nữ" này như các nhà soạn thảo ra nó lại được các chuyên gia đánh giá là điều luật “chỉ nằm trên giấy” và phi khả thi. Nếu có thể áp dụng, thì chỉ ở trong một số doanh nghiệp chứ khó triển khai rộng rãi.
Không những thế, dù nếu chỉ áp dụng tại một số doanh nghiệp, quy định này vẫn sẽ khiến nhiều phụ nữ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ mất việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Mất việc vì luật mới?
Mặc dù chưa được triển khai rộng rãi nhưng các chuyên gia cho rằng thông tư 26 sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của lao động nữ thay vì bảo vệ họ.
Trong thông tư quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động là rà soát các công việc lao động nữ đang làm dựa theo danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ, từ đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp.
Trên thực tế, nhiệm vụ này không dễ thực hiện và mất nhiều thời gian, không một chủ sử dụng nào lại mất thời gian và tiền bạc để đào tạo lại một vài nhân viên mà sẽ đẩy lao động nữ vào nguy cơ mất việc.
Đối với một số quy định công việc cấm sử dụng phụ nữ trong thời gian mang thai, cho con bú đến 1 tuổi, trong khi Luật Lao động chỉ cho phép được nghỉ thai sản nhiều nhất 6 tháng, nhiều chuyên gia lo ngại, chủ sử dụng lao động sẽ rất khó có thể bố trí cho những lao động nữ này vị trí mới phù hợp khi trở lại với công việc, đặc biệt với những công việc đặc thù như: Bốc vác, chế biến lông vũ, trực tiếp sản xuất…
Phụ nữ vẫn thường tham gia phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Từ những bất cập này, bà Nguyễn Kim Lan, Chuyên gia về giới, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trên thực tế, phụ nữ có thể mất việc trong thời buổi tìm kiếm việc làm vô cùng khó khăn vì những quy định mới này.
Kết quả là phụ nữ có ít cơ hội làm việc và tạo thu nhập dẫn đến nhiều người trong số họ có thể rơi vào nguy cơ tái nghèo.
Tại khu vực lao động phi chính thức, nơi chiếm tới gần 80% lực lượng lao động thì thông tư 26 hầu như không có... hiêu lực.
Sẽ chẳng ai có thể giám sát và cấm việc lao động nữ không được mang vác trên 50kg, không được phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Việc xử phạt thường nhằm vào đối tượng chủ sử dụng lao động thì tại khu vực này lại không có đối tượng để xử phạt.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, nguyên cán bộ Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong thống kê về đào tạo nghề của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số lượng lao động không có tay nghề hiện nay chủ yếu là nữ giới.
Như vậy, phụ nữ sẽ tìm được việc gì khác nếu họ từ bỏ những công việc mưu sinh hàng ngày, dù biết là rất nặng nhọc.
“Với trình độ lao động như vậy, việc ‘kén cá chọn canh’, từ chối những công việc nặng nhọc, đơn cử như bốc vác, là điều không dễ. Chưa kể đến, đây không phải vấn đề cấm hay không cấm mà thuộc về quyền của người lao động,” bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói.
Đã cấm từ hơn... 40 năm
Được biết, đây không phải lần đầu tiên những công việc không được sử dụng lao động nữ được quy định trong các văn bản pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, từ năm 1968, đã có 18 công việc được quy định trong Thông tư liên bộ số 05/TT-LB của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về “Quy định những công việc có nhiều yếu tố độc hại, những công việc quá nặng nhọc không sử dụng lao động nữ và hướng dẫn thêm về chế độ bảo vệ sức khỏe nữ công nhân”.
Theo đó, quy định phụ nữ không được mang vác nặng trên 50 kg, làm việc trong môi trường các chất độc hại… đã được quy định từ năm 1968.
Tuy nhiên, hiện nay những công việc phụ nữ chuyên bốc vác, phụ nữ làm nông nghiệp mang vác nặng trên 50kg, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học… vẫn đang diễn ra hàng ngày từ bấy đến nay và thậm chí không ngừng gia tăng.
Như vậy, với nhiều công việc đã bị cấm tới hơn 40 năm kể từ khi thông tư liên bộ số 05 ra đời nhưng đến nay vẫn không cấm được phụ nữ tham gia thì liệu quy định mới sẽ đi vào thực tiễn như thế nào, nhất là khu vực lao động phi chính thức.
Phụ nữ vẫn thường xuyên làm các công việc nặng nhọc. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Trước những thắc mắc về tính khả thi của thông tư, bà Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, khi soạn thảo, ban hành những quy định này, ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ dựa trên những quy định quốc tế và công ước về bảo vệ lao động nữ.
Những quy định này bao giờ cũng phải có tính phổ quát chung nhất, không thể chỉ vào một cá thể nào đấy. Việc ban hành dựa trên nguyên tắc bảo vệ nhân quyền nhưng vào tới doanh nghiệp đến đâu thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Không quản được thì... cấm
Liên quan đến Thông tư 26, cơ quan ILO tại Việt Nam, nơi đã đưa nhiều khuyến cáo trong việc sử dụng lao động nữ tại Việt Nam, lại cho rằng quy định này không hẳn đã đảm bảo tính bình đẳng trong khi lại có thể khiến phụ nữ mất những cơ hội việc làm.
“Cách tiếp cận bình đẳng nhất là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động cả nữ và nam. Trừ những công việc đó có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú, không nên cấm phụ nữ làm một số ngành nghề nặng nhọc trong khả năng của họ,” bà Nguyễn Kim Lan nói.
Bà Nguyễn Kim Lan cho rằng, thông tư này cũng chưa tính đến tiềm năng cải tiến công nghệ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Trong điều kiện một số công nghệ sản xuất ở nước ta còn lạc hậu như hiện nay thì những biện pháp này có thể là hữu dụng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe sinh sản của nữ lao động.
Tuy nhiên, với những công nghệ tiên tiến trong thời gian tới, vấn đề vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động cả nữ và nam sẽ được đảm bảo hơn và những quy định này có thể sẽ không còn cần thiết.
Vấn đề chủ chốt để tiếp cận bình đẳng nhất là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động chứ không phải áp đặt cấm phụ nữ làm một số ngành nghề nặng nhọc trong khả năng của họ, khiến họ mất đi công việc mưu sinh./.
Theo thông tư 26, có 77 công việc mà đối tượng lao động nữ, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được tham gia. 35 công việc không được sử dụng lao động nữ bởi có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con gồm: Trực tiếp nấu chảy và rót kim loại nóng chảy ở các lò điện hồ quang, lò luyện gang, luyện thép; cán kim loại nóng ; làm việc theo ca thường xuyên ở giàn khoan trên biển (trừ dịch vụ y tế - xã hội, dịch vụ ăn ở); lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực; các công việc phải mang vác trên 50 kg; các công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc dưới hầm mỏ… 39 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi gồm: Các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức tiêu chuẩn cho phép; trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt…; làm việc ở lò lên men thuốc lá, thuốc lào, lò sấy điếu thuốc lá; mang vác nặng trên 20 kg… |
Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)