77 công việc phụ nữ không được làm: Khó khả thi

19/12/2013 - 23:12

PNO - PN - Thông tư số 26/2013 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành về danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ có hiệu lực từ 15/12/2013 khiến nhiều lao động nữ “đứng ngồi không yên”. Chưa biết quy định...

edf40wrjww2tblPage:Content

77 cong viec phu nu khong duoc lam: Kho kha thi

Lao động nữ làm nghề bốc xếp tại chợ đầu mối Thủ Đức TP. HCM - (Ảnh chụp lúc 21g ngày 18/12/2013)

LẤY GÌ MÀ SỐNG?

12g đêm 18/12/2013, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM - một trong những chợ nông sản lớn nhất cả nước. Chợ có 12 nữ đang làm nghề bốc xếp. Công việc hàng ngày của các chị là chờ xe tải chở nông sản từ các tỉnh về xuống hàng, các chị kéo xe hàng về các sạp trong chợ.

Chị Lâm Ngọc Bích (50 tuổi), thuộc tổ rau Đơn Dương đã gắn với nghề hơn 30 năm kể: “Công việc bắt đầu từ 20g và kết thúc khoảng 3g sáng hôm sau. Mỗi chuyến hàng nhẹ nhất cũng 50kg, còn phải kéo 70-80kg/chuyến là chuyện bình thường. Kết thúc một đêm lao động được 200.000 - 220.000đ. Vất vả nhưng vì miếng cơm, manh áo nên phải cố gắng làm”.

Khi được hỏi nghề của chị nằm trong quy định 77 ngành nghề phụ nữ (PN) không được làm, chị Hương lo lắng: “Công việc bốc xếp là cần câu cơm duy nhất của gia đình tôi. Nhờ đó tôi nuôi hai con ăn học và người chồng đau ốm. Tôi đã lớn tuổi, lại không có trình độ, nay không được làm việc nữa, gia đình tôi biết lấy gì mà sống?”.

Chị Nguyễn Thị Hồi (Nam Trực, Nam Định), đã có 5 năm làm bốc vác tại chợ Long Biên. Hàng chị bốc xếp, khuân vác hầu hết là hoa quả tươi. Ở quê, gia đình chị Hồi chỉ có hai sào ruộng. Lương khuân vác (từ 120.000 - 150.000đ) là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Theo thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB-XH, có 38 công việc áp dụng chung cho tất cả các đối tượng lao động nữ (LĐN) và 39 công việc cho PN có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được tham gia. Ngoài những công việc không chỉ “kén” cả LĐ nam lẫn nữ như: nấu kim loại nóng chảy ở lò điện hồ quang, hàn trong thùng kín, sử dụng các loại máy khoan cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ bốn atmotphe trở lên… thì vẫn có không ít công việc mà PN vẫn làm thường ngày. Cụ thể như, mang vác nặng trên 50kg, nạo vét cống ngầm, công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng, cạy bẩy đá trên núi… Chị Nguyễn Thị Tiên (Nghệ An) cho biết: “Tôi ký hợp đồng lao động với một công ty khai thác đá ở Nghệ An, công việc chính của tôi là bốc vác đá. Dù biết rằng, quy định ấy nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho PN nhưng không làm thì lấy gì mà ăn?”.

77 cong viec phu nu khong duoc lam: Kho kha thi

Công việc kéo xe hàng tuy vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo nên các chị cố gắng làm

PHỤ NỮ ĐANG LÀM TỐT, CẤM LÀ KHÔNG PHÙ HỢP

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên trong các văn bản pháp luật có danh mục các công việc không được sử dụng LĐN. Thực tế, từ năm 1968, thông tư liên bộ số 05-TT-LB của Bộ Lao động và Bộ Y tế đã ban hành “Quy định những công việc có nhiều yếu tố độc hại, những công việc quá nặng nhọc không sử dụng LĐN và hướng dẫn thêm về chế độ bảo vệ sức khỏe nữ công nhân”, tiếp tục được cụ thể hóa ở thông tư liên bộ số 09/TT-LB năm 1986.

Không thể phủ nhận, mục đích của thông tư 26 phần nào thể hiện rõ tính nhân văn trong việc bảo vệ LĐN. Tuy nhiên, với nhiều công việc đã bị cấm tới hơn… 40 năm (kể từ khi thông tư liên bộ 05 ra đời) nhưng đến nay, không ít chị em PN vẫn đang tham gia, thì liệu có thể kỳ vọng vào tính khả thi?

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, nguyên cán bộ Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong thống kê về đào tạo nghề của Bộ LĐ-TB-XH, số lượng LĐ không có tay nghề chủ yếu là nữ giới. Với trình độ như vậy, việc “kén cá chọn canh”, từ chối những công việc nặng nhọc là điều không dễ. “Đây không phải vấn đề cấm hay không cấm mà thuộc về quyền của người lao động. Một số quy định thiếu thực tế trong thông tư là thể hiện theo lối mòn từ trước”, bà Hồng nói.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đánh giá: “Đây là một văn bản pháp luật không khả thi. Trong danh sách 77 việc mà thông tư đưa ra, có nhiều công việc PN vẫn đang làm. Giả sử quy định này đi vào thực tế, nhiều chị em sẽ bị mất việc thì như vậy là bảo vệ quyền lợi PN hay là triệt tiêu nguồn sống?”.

Theo luật sư Hồ Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM), quy định này sẽ gây khó khăn cho những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, y tế, ngành nghề sử dụng LĐ có trình độ cao… khi cấm sử dụng LĐN làm các công việc như: thợ lặn; mổ tử thi; các công việc ở môi trường điện từ… (như công việc ở các đài phát thanh, phát hình và trạm ra đa, trạm vệ tinh viễn thông). Hoặc các hoạt động: cắt tỉa cành thủ công ở độ cao trên 5m; tẩm liệm, mai táng người chết, bốc mồ mả… trên thực tế PN vẫn có thể làm rất tốt nhưng lại bị cấm là chưa hợp lý.

77 cong viec phu nu khong duoc lam: Kho kha thi

Phu hồ nữ tại khu đô thị Văn Phú Victoria (ảnh chụp chiều 17/12) - ẢNH: THU TRANG

LAO ĐỘNG NỮ DỄ BỊ SA THẢI TRÁI LUẬT

Hiện nay những doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn LĐN (khâu chế biến sữa trong buồng kín, sản xuất bột cá, cao su, thuốc bảo vệ thực vật…) sẽ xử lý như thế nào khi pháp luật lao động hiện hành không cho phép người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng với LĐN vì lý do mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 điều 55 Bộ luật Lao động)?

Trong khi đó, quy định mới lại cấm sử dụng LĐ này. LĐN nghỉ thai sản khi trở lại với công việc ai là người đứng ra bảo đảm chủ sử dụng lao động sẽ bố trí cho họ công việc mới phù hợp? Và một điều cũng rất đáng phải lưu ý khác là quy định này có thể bị người sử dụng lao động lợi dụng để công khai cắt giảm hàng loạt LĐN, không lo vi phạm quy định của Bộ luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với LĐN.

Trả lời những thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Thu Hường nói: “Khi soạn thảo, ban hành những quy định này, chúng tôi đã cân nhắc kỹ dựa trên những quy định quốc tế và công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) về bảo vệ LĐN. Những quy định này bao giờ cũng phải có tính phổ quát, không thể chỉ nhắm vào một đối tượng nào đấy”. Vì vậy, theo bà Hường, quy định được ban hành nhưng “vào tới doanh nghiệp đến đâu thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Hiện cả nước có gần 30 triệu LĐN và mỗi năm con số này lại tăng thêm khoảng nửa triệu. PN thường thiệt thòi hơn nam giới trong cơ hội học tập và tìm việc làm. Thực chất của việc ban hành danh sách 77 công việc không được sử dụng LĐN chủ yếu là do tính chất độc hại, nguy hiểm của công việc mà bất kể là LĐ nam hay nữ đều bị ảnh hưởng chứ không riêng với LĐN. Do đó, thay vì cấm sử dụng LĐN, các cơ quan nhà nước có thể nghiên cứu và đưa ra những điều kiện tiêu chuẩn về an toàn lao động, chế độ độc hại… tại nơi làm việc trong lĩnh vực ngành nghề này để bảo đảm môi trường tốt hơn cho người lao động thì sẽ hợp lý hơn.

 H. ANH - U.PHƯƠNG - Q.MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI