75 mùa thu hay một chỉ dấu thích ứng

23/09/2020 - 07:09

PNO - Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” của hàng triệu người dân Gia Định, Chợ Lớn, Nam Kỳ hôm qua, khi đứng trước cơn nguy biến sơn hà; nay lại soi chiếu trong tinh thần tự lực, tự cường của nền kinh tế quốc dân, văn hóa dân tộc mà Sài Gòn - TPHCM luôn đặt mình trong cả nước và vì đất nước…

Trong cuốn Lịch sử nước Việt Nam từ 1940 đến 1952 (Histore du Vietnam de 1940 à 1952), nhà báo Pháp Devillers viết về những ngày tháng Chín năm 1945: “Cédile và Buis xin phái đoàn quân sự Anh trao lại vũ khí cho lính Pháp thuộc 11e RIC. Nhưng trễ quá rồi. Ông Giàu (tức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu) đã ra lệnh tổng bãi công, ra lệnh cho dân chúng Việt Nam ở Sài Gòn phải rời khỏi thành phố, và ra lệnh phong tỏa lương thực… Sài Gòn không nước, không điện, không chợ búa phải tự tổ chức gấp rút”. 

Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham quan, nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã đi qua tại buổi triển lãm ảnh Sáng mãi danh hiệu vẻ vang “Thành đồng tổ quốc”Sáng 22/9
Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham quan, nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã đi qua tại buổi triển lãm ảnh Sáng mãi danh hiệu vẻ vang “Thành đồng tổ quốc” sáng 22/9

Nếu tính từ đêm 24/8/1945, khi nhân dân Gia Định, Chợ Lớn và các tỉnh lân cận đồng loạt kéo nhau về Sài Gòn để sáng 25/8, họ tiến hành cuộc biểu tình vũ trang lớn nhất trong lịch sử, thực hiện khát vọng được làm chủ một đất nước Việt Nam độc lập thì ngày 2/9, dù lý do kỹ thuật của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội hôm đó đã không truyền được tiếng nói của Hồ Chủ tịch vào cho đồng bào Sài Gòn và Nam bộ, tinh thần Tuyên ngôn độc lập đã được biểu thị mạnh mẽ.

Hình ảnh ngày 2/9, “Sài Gòn, một rừng cờ; cờ đỏ sao vàng khắp chốn và ở lễ đài cờ bốn nước Đồng minh lớn: Anh, Nga, Tàu, Mỹ. Sài Gòn, hết sức nhiều biểu ngữ; khẩu hiệu trung tâm: “Độc lập hay là chết” viết bằng bốn thứ tiếng” (Theo Địa chí văn hóa TP.HCM, tập 1 - Lịch sử). 

Sáng 23/9, lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ dậy khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam Kỳ: 

“Đồng bào Nam Bộ, 
Nhân dân thành phố Sài Gòn
Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ! 
Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. 
Ngày 2/9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc. 
Độc lập hay là chết! 

Hỡi đồng bào! 
… Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước. 
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. 

Một Sài Gòn vừa mới đón nhận dòng thác nhân dân khắp nơi hội tụ đòi quyền độc lập, ủng hộ Chính phủ của cụ Hồ thì nay, hưởng ứng lời kêu gọi đã nhanh chóng áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống", bất hợp tác dưới mọi hình thức với đội quân thực dân xâm lược và bè lũ tay sai.

Đại tá Pháp Jean Henry Cédile càng cố viết nhiều tuyên cáo kêu gọi người dân Việt Nam trở lại làm việc thì lại càng có nhiều người Việt ở Sài Gòn kéo nhau rời khỏi thành phố. Trong đó, có hàng trăm nhân sĩ trí thức Sài Gòn đã ra bưng biền, số ở lại thành cũng bất hợp tác với Pháp, họ nhiều lần ký tên vào những bản tuyên ngôn, kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp phải thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh. 

Sự nghiệp đàm phán của Cédile kết thúc thảm hại ngay bên “giá treo cổ” của thủ tướng Nguyễn Văn Thinh và cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”! 

Chừng hơn 20 năm sau, cũng tại Sài Gòn, một lần nữa, lịch sử ghi dấu một cuộc trỗi dậy từ lòng đất, từ những điểm bí mật, vùng lõm nội thành ra vùng căn cứ ngoại thành; là cuộc trở về, đáp lời sông núi của một thế hệ trí thức nhân sĩ dấn thân, tiến bộ.

Họ “tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa hợp dân tộc… phân hóa hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu cùng các phần tử thân Mỹ hiếu chiến nhất” (theo Tổng bí thư Lê Duẩn). “Họ là những người yêu nước nhưng không cộng sản” (theo nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Thị Bình). Nhưng khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân là sức mạnh làm nên những cuộc hội tụ diệu kỳ, mà từ đó, đất nước này, thành phố này lớn lên, tự vệ và bảo vệ bền vững thành trì độc lập, hướng đến tự do. 

75 năm sau ngày Mùa-thu-23 tháng Chín, đi giữa Sài Gòn vừa gượng dậy qua cơn đại dịch toàn cầu, sự yên ắng phần nào của một nhịp sống buộc phải tự mình sắp xếp lại vừa cho thấy tính thích ứng như một phẩm chất của lưu dân vùng đất mở, nhưng tôi lại nghĩ nhiều hơn về sự tích tụ một nội lực tự thân; các toan tính khôn ngoan, thực dụng; kiểu chịu nghĩ chịu làm mà không so kè thua thiệt. 

Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” của hàng triệu người dân Gia Định, Chợ Lớn, Nam Kỳ hôm qua, khi đứng trước cơn nguy biến sơn hà; nay lại soi chiếu trong tinh thần tự lực, tự cường của nền kinh tế quốc dân, văn hóa dân tộc mà Sài Gòn - TPHCM luôn đặt mình trong cả nước và vì đất nước… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI