73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất: ‘Sao có thể chấp nhận được chuyện đó’

29/11/2019 - 18:06

PNO - Đó là quan điểm của người đứng đầu chính quyền TP.HCM về vụ hơn 73ha diện tích rừng ở Cần Giờ bị loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ, tức không còn thuộc diện phải bảo vệ.

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị lần thứ 34 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, sáng 29/11, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, ngay sau khi đọc bài đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông đã yêu cầu UBND H.Cần Giờ rà soát, báo cáo cụ thể.

“Quan điểm sao nữa bây giờ? Quan điểm rõ ràng là đã đi lấn chiếm rừng thì không thể chấp nhận được, phải chấn chỉnh và có biện pháp giải quyết. Sao có thể chấp nhận được tình trạng đó”, ông Phong nói.

73ha rung Can Gio bat ngo… bien mat: ‘Sao co the chap nhan duoc chuyen do’
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời báo chí bên lề Hội nghị lần thứ 34 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, sáng 29/11 - Ảnh: Quốc Ngọc

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm, UBND huyện Cần Giờ đang khẩn trương rà soát, báo cáo. “Qua thông tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, với những phản biện như vậy thì phải có biện pháp. Tôi đề nghị rà lại hết và xem coi nếu ủy ban có phê duyệt thì là lý do vì sao”, ông khẳng định.

Như chúng tôi đã nêu trong bài Hơn 73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất (Báo Phụ Nữ TP.HCM, số ra ngày 25/11), việc kiểm kê, loại bỏ diện tích rừng lớn ở Cần Giờ ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ được tiến hành từ năm 2016, nhưng đến nay, các thủ tục để đưa hơn 73ha rừng ra khỏi diện bảo vệ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có thủ tục điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế.

Đầu tháng 11 này, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM có yêu cầu UBND H.Cần Giờ và nhiều đơn vị liên quan rà soát lại diện tích rừng để cập nhật vào cơ sở dữ liệu, trình UBND TP.HCM phê duyệt trong năm 2019.

Đối với các dự án có nhu cầu sử dụng rừng ở Cần Giờ, Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND H.Cần Giờ phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và phương án trồng rừng thay thế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc loại hơn 73ha rừng ra khỏi khu dự trữ sinh quyển thế giới mà chỉ dựa vào kết quả kiểm kê của một đơn vị do lãnh đạo chính quyền địa phương đứng đầu là hết sức khó hiểu, đi ngược lại chủ trương về bảo vệ rừng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI