73% hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng bị hủy sau 1 năm

03/07/2023 - 13:05

PNO - Số liệu từ kết quả thanh tra các công ty bảo hiểm của Bộ Tài chính phần nào cho thấy khách hàng bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn tại các ngân hàng và họ không mặn mà duy trì những hợp đồng đó.

Trong kết luận thanh tra bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà Bộ Tài chính thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm BIDV Metlife, Prudential, Sun Life Việt Nam, MB Ageas thì tỉ lệ hủy/chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất (thời gian cân nhắc) khá cao.

Trong đó, cao nhất là tại Sun Life với 73%. Theo kết quả thanh tra, trong năm 2021, Sun Life Việt Nam có ký thỏa thuận độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng TPCP Á Châu (ACB) và ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Cũng trong năm này, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua 2 ngân hàng này. Tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248,6 tỉ đồng và qua TPBank đạt 789,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất bán qua ACB là 39%, còn qua TPBank tới 73%.

Tại Prudential, tỉ lệ hủy hợp đồng sau 1 năm mua qua kênh ngân hàng là 41%. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, Prudential bán bảo hiểm qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, PVcomBank, Shinbank, OUB, Standard Chartered với 94.431 hợp đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của Prudential đạt hơn 6.184 tỉ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỉ đồng.

Nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng lại bị nhân viên tư vấn lập lờ nên sản phẩm khách mua là bảo hiểm nhân thọ, dẫn đến nhiều khách phải hủy hợp đồng sau 1-2 năm do không có khả năng duy trì.
Nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn lập lờ nên sản phẩm khách mua là bảo hiểm nhân thọ, dẫn đến phải hủy hợp đồng sau 1-2 năm do không có khả năng duy trì - Ảnh: Thanh Hoa

BIDV Metlife phát hành 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tỉ lệ hủy hợp đồng là 39,4%.

Trong 4 công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính thanh tra, MB Ageas là công ty có tỉ lệ hủy hợp đồng sau 1 năm thấp nhất với 32,4%. Được biết doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Công ty tài chính MB Shinsei. Số hợp đồng là 66.757 hợp đồng với tổng doanh thu đạt 4.466 tỉ đồng.

Trước đó vào chiều 30/6, Bộ Tài chính có thông tin báo chí về những sai phạm của 4 công ty này khi bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong đó, sai phạm phổ biến nhất là ở khâu tư vấn của nhân viên bán hàng. Bao gồm: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Thời gian qua, Báo Phụ nữ TPHCM nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về việc khi vay vốn ngân hàng đều bị nhân viên “ép” mua bảo hiểm nhân thọ. Có trường hợp ra ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó lại trở thành mua bảo hiểm nhân thọ do nhân viên nhân viên tư vấn lập lờ rằng đó là sản phẩm tiết kiệm mới của ngân hàng. Do bị “ép”, không được tư vấn rõ ràng về sản phẩm nên đa số khách hàng đều chọn phương án hủy hợp đồng bảo hiểm sau 1-2 năm vì không có khả năng duy trì.

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI