70 tuổi vẫn sống ngoài vòng pháp luật

10/10/2016 - 18:36

PNO - “Còn mấy tháng nữa là tôi 70 tuổi, nhưng không có tờ giấy lận lưng. Muốn mua cái thẻ bảo hiểm cũng không được. Năm ngoái tôi bệnh, con cháu tốn kém, nợ nần. Rủi tui chết, con cháu cũng không biết làm sao khai tử”.

Theo lời kể của chị Trần Thị Bích Liên, sinh năm 1972, cha mẹ chị là ông Trần Văn Cử và bà Đoàn Thị Lan có với nhau năm người con, chị là con út, trước đây từng cư ngụ tại Q.Gò Vấp. Hiện cha và các anh chị của chị đều đã qua đời.

Khoảng năm 1977, lúc chị Liên mới năm tuổi, mẹ chị là bà Lan bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi, mang theo nhiều giấy tờ tùy thân và khai sinh của các con. Cha chị tìm kiếm mãi không được, về sau ông mới đi bước nữa và chuyển về P.An Phú Đông, Q.12 sống.

70 tuoi van song ngoai vong phap luat
Bà Lan mong sớm có giấy tờ tùy thân để sau này con gái dễ làm… khai tử.

Cuối những năm 1990, lúc gia đình chị Liên đang ở tại 712/5C, tổ 29, P.An Phú Đông, thì tìm được bà Lan khi bà đang đi lượm ve chai ở gần nhà và đón bà về chung sống. Tuy nhiên, do không có giấy tờ tùy thân nên bà Lan không thể nhập hộ khẩu.

Năm 2000 ông Cử mất, chị Liên xin tách hộ khẩu thành hộ ghép và tiếp tục xin nhập hộ khẩu cho bà Lan nhưng bất thành. Vì không có hộ khẩu nên mong muốn có được tấm giấy chứng minh nhân dân của bà Lan cũng không thể thực hiện. Bất đắc dĩ, bà Lan trở thành người sống ngoài vòng pháp luật suốt mấy chục năm qua. Năm 2013, chị Liên mua nhà ở tổ 31, KP.2 cùng P.An Phú Đông, đưa bà Lan về chung sống. Do nhà mua bằng giấy tay, lại không có số nhà, nên cũng chưa thể chuyển hộ khẩu về.

Gặp chúng tôi, bà Lan mếu máo: “Còn mấy tháng nữa là tôi 70 tuổi, nhưng không có tờ giấy lận lưng. Muốn mua cái thẻ bảo hiểm cũng không được. Năm ngoái tôi bệnh, con cháu tốn kém, nợ nần. Rủi tui chết, con cháu cũng không biết làm sao khai tử”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên bí thư chi bộ KP.2, P.An Phú Đông nói: “Năm 2009, khi còn là bí thư chi bộ khu phố, chúng tôi đã phát hiện hoàn cảnh của bà Lan, có đề nghị công an khu vực ghi tên bà vào sổ khai báo lưu trú. Cuối năm 2015, theo đề nghị của bà Lan, chúng tôi đã liên hệ với phường và quận để giúp bà nhập hộ khẩu”.

Để thực hiện các thủ tục, bà Hà đã cũng chị Liên đi truy tìm hộ khẩu gốc của bà Lan ở các Q.Gò Vấp (nơi bà Lan khai sinh chị Liên năm 1972), Q.Bình Thạnh (nơi bà Lan nhận ủy quyền căn nhà số 42/164 đường Hoàng Hoa Thám, P.7 từ bà Hồ Thị Tứ vào năm 1977) và Q.12 (nơi bà Lan đang cư trú); nhưng cả ba nơi này đều không có thông tin gì về bà Lan.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp bà Đoàn Thị Lan, ông Mã Huy Tân, Phó chủ tịch UBND P.An Phú Đông tỏ ra bất ngờ. Ông nói: “Ngay khi nhận được thông tin của báo Phụ Nữ, chúng tôi đã xác minh lại và có kiến nghị gửi công an quận xem xét, tìm cách cho bà Lan sớm được nhập hộ khẩu”.

Thượng tá Trần Văn Tâm, Phó trưởng Công an Q.12 cho biết: “Từ hai năm nay, công an quận đã triển khai về các phường chủ trương rà soát lại những người đang sinh sống trên địa bàn lâu năm nhưng chưa nhập hộ khẩu và chưa có CMND, đặc biệt là đối tượng người già, người neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất làm các giấy tờ tùy thân. Không biết vì lý do gì tôi chưa nghe trình báo về hoàn cảnh của bà Lan”. Ông Tâm hứa sẽ xem xét giải quyết nhập hộ khẩu cho bà Lan trong thời gian sớm nhất.

LS Phạm Lĩnh Sơn - Phó trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí phụ nữ số 6 cho biết: dù chị Liên chỉ là chủ hộ ghép, nhưng hiện đã có nhà riêng, có những giấy tờ liên quan như giấy khai sinh của chị Liên (mẹ là bà Đoàn Thị Lan) và giấy ủy quyền căn nhà số 42/164 đường Hoàng Hoa Thám, P.7, Q.Bình Thạnh lập ngày 6/9/1977 tại P.7, Q.Bình Thạnh từ bà Hồ Thị Tứ cho bà Đoàn Thị Lan (bà Lan có thẻ căn cước số 04056591 do Q.Gò Vấp, tỉnh Gia Định cũ cấp ngày 6/4/1970), công an Q.12 có thể áp dụng những quy định pháp luật hiện hành về quyền cư trú, quyền nhân thân của công dân để nhập hộ khẩu và làm các giấy tờ chứng minh nhân thân cho bà Lan.

Ngoài ra, chính quyền cũng có thể xem xét theo hướng cấp số nhà chị Liên ở căn nhà mới, để chị nhập hộ khẩu về và bảo lãnh nhập hộ khẩu cho mẹ... “Đừng vì những căn cứ cứng nhắc mà bỏ rơi một số phận vốn đã đau khổ như bà cụ này” - luật sư Phạm Lĩnh Sơn nói.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI