70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

19/12/2024 - 17:54

PNO - Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

Con ở xa, chỉ mong cha mẹ sống an vui (ảnh minh họa)
Con ở xa, chỉ mong cha mẹ sống an vui (ảnh minh họa)

Cha tôi kể, có ông Vĩ ở cùng xóm bán đất chia gia tài sớm cho con cái có tiền làm ăn, ai ngờ tiền mất tật mang. Chuyện vòng vo đưa đẩy, nhưng cha kết thúc bằng việc vợ chồng ông Vĩ phải ra ngoài ở trọ. Tuổi già tưởng được hưởng phúc con cháu, nào ngờ đứa con làm ăn thua lỗ, quay về tìm cách bán luôn căn nhà cha mẹ đang ở. “Con dại cái mang”, vợ chồng ông Vĩ lủi thủi trong căn nhà trọ tạm bợ, chẳng dám nghĩ đến phía trước sẽ ra sao. Điều buồn hơn nữa là, "anh em tụi nó" lời qua tiếng lại dẫn đến chẳng còn nhìn mặt nhau.

Cha tôi chẳng đọc báo, xem thời sự về những vụ tương tự, ông chỉ cần tai nghe mắt thấy chuyện quanh làng là đủ lo sợ, đề phòng.

Cha cũng không hề lo cho bản thân. Ông nói: “Sống đến tuổi này rồi, đâu nghĩ gì cho mình nữa. Cha chỉ lo tình anh em sứt mẻ và cả khi sa cơ lỡ bước các con muốn quay về thì chốn nương thân cũng không còn”.

Vậy nên cha tôi khăng khăng giữ đất với lý do: “Đất đai của cha cũng là của các con sau này, nhưng phải giữ thì mới còn. Bán là mất”.

3 đứa con của cha, chẳng nói ra nói vào gì. Chúng tôi đi làm ăn xa, cuộc sống không khá giả gì, nhưng ổn định, tự lo được cho bản thân. Mỗi lần trở về thấy cha già vất vả với vườn tược, chúng tôi lại xót.

Hôm nọ, anh Ba đưa ý kiến cha nên bán bớt đất để có tiền hưởng thụ tuổi già. Đất ở quê giờ cũng có giá. Chỉ cần cắt ra bán 10-20 mét ngang là cha mẹ có khoản gửi ngân hàng, lấy lãi suất hàng tháng chi tiêu, chẳng phải vất vả làm việc rồi lo mưa nắng.

Tuổi của cha giờ đâu cần cố sức vậy, cứ sống an nhàn, sáng dậy đi uống trà, cà phê với các bác trong xóm. Nếu chăm vườn, nuôi gà, nuôi cá cũng chỉ để cuộc sống thêm phần thú vị, chứ không bỏ sức làm cho ra sản lượng như thời còn trẻ.

Nhưng cha nói, rẫy không trồng trọt sẽ hoang hóa, mất giá trị. Hơn nữa, bao nhiêu vốn liếng ban đầu để đào từng hố đất, cho phân bón, ươm cây, mất vài năm chứ có ít đâu. Giờ cành nhánh ổn định, mỗi năm chỉ cần chăm sóc đợi đến mùa thu hoạch. Nếu bỏ hoang thì phí phạm vốn liếng, công sức ban đầu.

Cha nói: "Cha còn sức khỏe thì cứ để cha làm". Nghe cha nói cũng có lý, nên chúng tôi im lặng.

Trong nhà, cha nghe anh Hai nhất. Lần này anh Hai đưa ra phương án cho người ta thuê rẫy, hoặc cha thuê người làm, vẫn giữ được đất mà không cần phải vất vả, tiền cho thuê hàng năm cũng vẫn đủ sống xông xênh mà không phải lệ thuộc con cháu.

Cả 2 phương án đó, cha đều đưa ra câu chuyện cảnh giác, là bài học của ông A, bà B nào đó, dẫn đến kết quả không như mong đợi, thậm chí bị đe dọa tính mạng khi trong nhà chỉ có vợ chồng già. Xã hội bây giờ, nhiều câu chuyện không thể tưởng tượng nổi, khiến lòng người nghi ngại đủ đường.

Vậy là, sau bao nhiêu ý kiến, cha tôi vẫn quyết tâm giữ đất bằng cách làm việc cật lực từ sáng sớm đến chiều muộn. Có những ngày xương khớp đau nhức, ông phải nằm ở nhà, khỏe lại, ông tiếp tục ra rẫy. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

Hình ảnh tươi vui, mạnh khỏe của cha mẹ tiếp thêm động lực cho con cháu (ảnh minh họa)
Hình ảnh tươi vui, mạnh khỏe của cha mẹ tiếp thêm động lực cho con cháu (ảnh minh họa)

Cách mà cha đang làm vô tình khiến cho con cháu thêm nặng lòng. Thử hỏi, con cái làm sao vui vẻ trọn vẹn khi nghĩ đến cha già cặm cụi vất vả?

Cuộc sống là chuỗi ràng buộc vô hình, chỉ khi nào những người thân yêu nhất của mình hạnh phúc, mình mới tròn đầy hạnh phúc. Phải chi cha mẹ tôi vì con cháu mà sống an nhàn, vui vẻ hưởng thụ tuổi già, để những hình ảnh đẹp đẽ viên mãn neo sâu vào tâm tưởng mỗi đứa con xa...

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI