70% thực phẩm tươi sống từ các tỉnh vào TPHCM chưa kiểm soát được?

21/10/2022 - 11:06

PNO - Có ý kiến cho rằng, TPHCM cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ thực phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm với các tỉnh thành.

 

Hội nghị: “Thực tiễn 20 năm và Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM” do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức sáng 21/10
Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã được thực hiện trong suốt 20 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, cần những giải pháp mới để nâng cao hiệu quả chương trình này

Tại Hội nghị “Thực tiễn 20 năm và Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) trên địa bàn TPHCM” do Sở Công thương TPHCM tổ chức sáng 21/10, TS. Trần Tiến Khai - Đại học Kinh tế TPHCM - đánh giá tính liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh thành chưa đủ mạnh, do có sự khác biệt ở khâu quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tác động tới việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.

TS. Trần Tiến Khai nhận định, còn khoảng 70% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh cung cấp cho TPHCM hiện nay chưa kiểm soát được chất lượng; rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm tới tay người tiêu dùng khó đảm bảo ATTP... Chỉ khoảng 30% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh vào TPHCM được kiểm soát thông qua các hệ thống phân phối hiện đại.

TPHCM đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban Quản lý ATTP Thành phố. Trong khi các tỉnh thành khác vẫn tổ chức quản lý ATTP theo mô hình phân tán giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh thuộc ba ngành Nông nghiệp, Y tế (là đầu mối chính) và Công thương.

Ông Khai cho rằng, cần thực hiện BOTT không chỉ ở giá cả hàng hóa mà cần đảm bảo về nguồn cung và ATTP hàng hóa. Nên bắt buộc áp dụng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP chứ không chỉ khuyến khích như hiện nay. Đồng thời, mô hình quản lý ATTP giữa TPHCM và các tỉnh cần thống nhất để tạo thuận lợi trong cung ứng, tiêu thụ hàng hóa...

“Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý ATTP hợp nhất ở cấp quốc gia, cụ thể là nhân rộng mô hình quản lý ATTP tại TPHCM ra các tỉnh thành khác tránh những bất cập khi ba Bộ cùng quản lý như hiện nay. Bên cạnh đó, TPHCM cần hỗ trợ thiết thực cho người sản xuất tham gia chuỗi giá trị thực phẩm an toàn....”, TS. Khai đề xuất.  

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho rằng cần có khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, cần linh động bổ sung nhanh thêm các mặt hàng BOTT như các sản phẩm (SP) phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, mở rộng BOTT ở cả kênh online và offline. Đặc biệt, phải gắn công tác BOTT với việc phát triển tổng thể chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng, các chương trình vận động... và huy động tổng thể các nguồn lực từ các thành phần khác nhau cùng tham gia chương trình BOTT.

Doanh nghiệp tham gia BOTT cho rằng cần linh động trong điều chỉnh giá hàng BOTT kịp thời khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh
Doanh nghiệp tham gia BOTT cho rằng cần linh động trong điều chỉnh giá hàng BOTT kịp thời khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh

Theo ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - cơ quan chức năng cần linh động hơn trong cơ chế điều chỉnh giá hàng bình ổn; đồng thời Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong ký hợp đồng thuê đất; xem xét mở rộng BOTT cho cả chuỗi cung ứng từ nguyên liệu sản xuất đến sản phẩm hàng hóa... để tránh tình trạng giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao tác động mạnh tới giá cả sản phẩm.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (VFA) - cho rằng hiện nay các DN kỳ vọng Sở, ngành phân luồng lại chợ truyền thống để chọn lọc các chợ đạt yêu cầu tham gia chương trình BOTT; đồng thời kết nối các đơn vị sản xuất, phân phối cùng chia sẻ lợi nhuận để hàng BOTT có giá tốt nhất đến người tiêu dùng. Ngoài ra, DN cũng cần những cải cách thủ tục hành chính về đất đai, nhà xưởng để DN có điều kiện tham gia chương trình.

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM -  đánh giá cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường (BOTT) của TP, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường có nhiều biến động như đợt đại dịch COVID-19. Thời điểm mà người dân hoang mang, đẩy mạnh thu gom tích trữ; hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn; cộng đồng doanh nghiệp TP nói chung, DN BOTT nói riêng đã chủ động, sáng tạo, phát huy được vai trò dẫn dắt thị trường. Qua đó, DN góp phần cùng TP giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.

Bà Phan Thị Thắng cho rằng, thực tiễn hiện nay đòi hỏi DN phải điều chỉnh, thích nghi, đặc biệt là tận dụng được sự phát triển của thương mại điện tử.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI