70% thua tranh cử Tổng thống, ông Trump "quay đầu là bờ": Cuống cuồng "từ mặt" ông Puin

03/08/2016 - 06:34

PNO - Cuộc thăm dò cho rằng bà Clinton có tới 70% cơ hội vào nhà Trắng đã khiến ông Trump cảm thấy sợ hãi cực độ và quyết đinh "từ mặt" ông Putin để cứu vãn tình thế


Chỉ còn 100 ngày nữa, cuộc tổng tuyển cử tìm ra người chủ mới của Nhà Trắng chính thức bắt đầu. Báo chí quốc tế đã có những bài viết về vấn đề này.

Sự thành công của đại hội đảng Dân chủ đã giúp bà Hillary Clinton vượt dẫn trước trong một khảo sát mới nhất của đài CBS của Mỹ. Trang tin Politico cho biết, đại hội đảng Dân chủ đã giúp bà Clinton cải thiện 2 điểm số. Thứ nhất, tăng số người có cái nhìn tích cực về bà từ 31 lên 36%. Thứ hai, giảm số người có cái nhìn tiêu cực từ 56 xuống 50%.

Trang Thời báo New York còn dự báo bà Clinton có đến 70% cơ hội trở thành tổng thống Mỹ. Trang này dự báo khả năng chiến thắng tại mỗi bang của hai ứng cử viên và chỉ ra rằng bà Clinton có 889 con đường để vào Nhà Trắng, trong khi ông Donald Trump chỉ có 127 con đường. Trang này nhấn mạnh chiến thắng tại bang Florida là rất quan trọng với ông Trump để ông có thể trở thành tổng thống Mỹ.

70% thua tranh cu Tong thong, ong Trump
Theo tờ Thời báo New York, bà Clinton có tới 70% sẽ vào Nha Trắng

Cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ sẽ là cuộc bầu cử khó đoán định. Đó là nhận định của trang tin Bloomberg của Mỹ. Bài báo nhận định cử tri năm nay có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ hơn 4 năm trước.

Theo trang tin CNN, các ứng cử viên bắt đầu tỏ ra nghiêm túc hơn trong việc phân bổ quỹ thời gian và tiền bạc của mình cho chiến dịch vận động tranh cử. Ông Trump vẫn quyết định "đánh liều" thực hiện các cuộc vận động tranh cử tại các khu vực phi truyền thống, điều mà nhiều người cho là vừa táo bạo, vừa "ngoan cố". Ông Trump cho biết ông muốn giành chiến thắng tại bang "quê nhà" New York, tuy nhiên sẽ khó cho ông Trump vì nơi này bà Hillary Clinton từng là Thượng nghị sỹ trong suốt 8 năm.

Có vẻ như sau những lần "vạ miệng" ngoài ý muốn của mình, uy tín của ông Trump đã sụt giảm nghiêm trọng và số người đặt niềm tin nơi ông có vẻ như đã xoay trục sang bà Clinton.

Gần đây nhất, ông đã khiến cho nhiều người phẫn nộ khi lên tiếng mỉa mai mẹ của một binh sĩ tử trận. Cụ thể, trong bài phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ hôm 25/7, ông Khizr Khan, cha của binh sĩ Humayun Khan – một người Hồi giáo thiệt mạng ở Iraq năm 2004 vì bom – chĩa mũi dùi vào ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa khi cho rằng ông Trump “không hy sinh gì” cho đất nước cả.

Ngay lập tức, ông Trump lên tiếng đáp trả trong buổi phỏng vấn với đài ABC ngày 30/7: “Nếu bạn nhìn vào vợ ông ta, bà ấy đang đứng ở đó và chẳng có gì để nói. Có thể là bà ta không được phép nói gì cả”. Ngoài ra, ông Trump khẳng định mình “hy sinh rất nhiều cho đất nước” bằng cách "làm việc cật lực" và “tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm".

70% thua tranh cu Tong thong, ong Trump
Ông Trump đang tụt lại phía sau vì lại có thêm một loạt phát ngôn gây sốc trong thời gian này

Ngay lập tức, các chính trị gia hàng đầu lên tiếng chỉ trích rằng đây không phải là cách để nói về mẹ của một anh hùng. Cựu tổng thống Bill Clinton nhận xét: “Tôi không tưởng tượng nổi việc ông ta có thể nói như vậy về người mẹ có con trai tử trận”.

Một vài thành viên đảng Cộng hòa cũng tỏ vẻ không đồng tình với ứng cử viên Tổng thống của họ. Thống đốc bang Ohio John Kasich khuyên ông Trump nên dành sự kính trọng khi nói về những cha mẹ có con cái hy sinh ngoài chiến trường.

Theo một số báo cáo, vụ việc ít nhất ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử của ông Trump vào lúc này. Cựu ngoại trưởng Mỹ đang giành 46% người ủng hộ so với tỷ lệ 39% thuộc về tỷ phú Trump, AFP dẫn lại khảo sát của CBS công bố hôm qua.

3/4 người Mỹ đều nói ông không hề có sự tôn trọng tối thiểu dành cho những người bất đồng ý kiến với mình. 55% số người được hỏi cho rằng đó là "vấn đề nghiêm trọng", theo một khảo sát thực hiện hồi tháng 5.

Chỉ cách đấy vài ngày, ông Trump cũng từng hứng bão dư luận và bị khép vào tội "phản quốc" khi ngang nhiên công khai kêu gọi hacker Nga xâm nhập vào email cá nhân của bà Clinton.

Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Tư (27/7), ông Trump bất ngờ phát biểu: "Họ có thể có được 33.000 bức thư email mà bà ấy đã đánh mất và xóa đi. Nếu Nga hay Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào có được những bức email đó, ý tôi là, tôi phải nói thật, tôi rất muốn được xem chúng... Nga, nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30.000 bức email đang mất tích đó”.

Những người của Đảng Dân chủ đã chỉ trích nặng nề hành động của ứng cử viên Donald Trump trong việc kêu gọi Nga can thiệp vào scandal email cá nhân của bà Hillary Clinton. Nhiều người thậm chí còn tiến gần hơn tới việc cáo buộc tỉ phú bất động sản Trump tội phản quốc.

"Ông ta đã mời một nước hiếu chiến mà chúng ta đang thực sự lo ngại đến xâm lược chúng ta. Điều này thật là nực cười. Nói thật ra, nó giống như hành động phản bội lại chúng ta”, Thượng nghị sĩ Claire McCaskill gay gắt chỉ trích.

Ông còn cho thấy sự thờ ơ, thiếu hiểu biết về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Theo The Atlantic, trong buổi họp báo ngày 27/7, phóng viên người Đức Mareike Aden đã hỏi ông Trump rằng nếu trở thành tổng thống Mỹ liệu ông có công nhận Crimea thuộc về Nga và sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 hay không? Ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa không ngần ngại trả lời rằng: "Có, chúng tôi sẽ xem xét điều đó".

Có lẽ chính những phát ngôn gây sốc cấp độ cao này đã khiến ông Trump rơi vào thế khó và cũng khiến những người tin tưởng ông dường như quá ngán ngẩm không còn muốn đặt niềm tin vào một người có suy nghĩ quá bồng bột và luôn mất bình tĩnh nữa.

Đây chính là cơ hội để bà Clinton "lật ngược thế cờ", bà từ người đang bị cả nước Mỹ nghi ngờ về sự trung thực, bị mất uy tín trầm trọng trở thành người đứng ở thế chủ động quay sang công kích và cáo buộc ông Trump.

Cuộc thăm dò cho rằng bà Clinton có tới 70% cơ hội vào nhà Trắng đã nói lên được "tương quan lực lượng" giữa hai đối thủ lúc này. Chính vì nhận thấy tình thế đã đảo ngược một cách "khó cứu vãn" nên phần nào ông Trump cũng sợ hãi, hoang mang.

Nếu chỉ cách đây vài ngày ông còn chống lại chính sách lâu năm của Mỹ, EU, dành nhiều lời khen có cánh cho ông Putin và muốn công nhận Crimea là của Nga, muốn dỡ lệnh cấm vận với Nga và cùng nhau hợp tác phát triển thì hôm nay ông lại thẳng thừng "từ mặt" ông Putin.

"Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Trump có thể là bạn bè với Putin, nhưng tôi không là bạn của ông ấy, tôi không quen ông Putin," — Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình FoxNews.

Ngoài ra, Trump nói rằng ông coi tình hình xung quanh quyền sở hữu Crưm đã là vấn đề quá khứ.

"Nếu nói tới Crưm, thì họ (Liên bang Nga) đã ở đó hai năm, do đó, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng nó (Crưm) đã là chuyện quá khứ rồi" — tỷ phú Trump nói khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình FoxNews. 

Rõ ràng là ông đã có sự lung lay trong chính kiến và những lời phát biểu trước sau của ông không nhất ngôn. Có lẽ do ông đã nhận ra được những bất lợi của việc đi ngược lại đại đa số người dân Mỹ, EU. Có lẽ động thái tiếp theo của ông Trump được hi vọng thể hiện thái độ "quay đầu là bờ".

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI