70 tấn măng được tẩy trắng bằng chất cấm axit oxalic

02/11/2013 - 07:55

PNO - PN - 70 tấn măng muối có chứa chất axit oxalic tại cơ sở chế biến của ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh) vừa bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Tây Ninh...

 70 tan mang duoc tay trang bang chat cam axit oxalic

Ảnh: Phùng Huy

Dùng chất cấm để chế biến thực phẩm

Theo thượng tá Nguyễn Văn Ky, Phó phòng PC49, trước đó ông Lâm đã mua khoảng 100 tấn gồm măng le và măng tre về ngâm muối để bỏ mối cho các chợ trên địa bàn Tây Ninh. Như vậy, đến thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã đưa ra thị trường khoảng 30 tấn. Kết quả giám định sáu mẫu thử từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III cho thấy, chất mà cơ sở ông Lâm dùng để tẩy trắng măng là axit oxalic. Đây là loại hóa chất dùng để “nhả sét” cho sắt, tẩy trắng gỗ và bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Ông Lâm khai rằng nguồn măng này ông mua từ một thương lái ở Campuchia với giá 7.000 đồng/kg măng tre và 15.000 đồng/kg măng le. Giám định măng của thương lái này tại một đại lý ở huyện Tân Châu cho thấy, măng có nguồn gốc từ Campuchia cũng bị nhiễm axit oxalic (hàm lượng thấp) mặc dù chúng mới chỉ được luộc và chưa ngâm muối. Thượng tá Ky cho rằng, có thể các thương lái luộc với axit oxalic để bảo quản măng được lâu hơn và đẹp hơn.

Theo lời khai của ông Lâm với cơ quan chức năng, mỗi ngày ông đưa ra thị trường khoảng 100-200kg, chủ yếu là các chợ đầu mối tại Tây Ninh. Tuy nhiên, theo thượng tá Ky, măng chế biến tại cơ sở của ông Lâm không chỉ được tiêu thụ ở Tây Ninh bởi thực tế mỗi tháng ông Lâm bán hơn 20 tấn. Nghiêm trọng hơn, cơ sở này hoạt động từ năm 2010 đến nay nhưng khi kiểm tra, ông Lâm không hề xuất trình được bất cứ giấy tờ gì, từ giấy đăng ký kinh doanh cho đến giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngay cả vấn đề xử lý nước thải cũng không được ông Lâm đầu tư mà xả trực tiếp ra môi trường. Kết quả giám định mẫu nước thải của cơ sở này cho thấy có nhiễm chất axit oxalic.

70 tan mang duoc tay trang bang chat cam axit oxalic

Măng ướp muối

Hầu hết măng le nhập từ Campuchia

Tại chợ Tây Ninh, một tiểu thương bán măng nói: “Măng của tôi lấy của người khác, không phải của ông Lâm, nên chú cứ yên tâm”. Theo tiểu thương này, măng le là măng rừng, chủ yếu nhập từ Campuchia nên giá đắt gấp đôi măng tre. Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không thể kiếm được măng le, mà chủ yếu nhập từ Campuchia. Với thời gian vận chuyển và thu gom mất ít nhất khoảng một tuần, nếu không sử dụng hóa chất, măng không thể tươi và còn nguyên vẹn được. Vì thế, hầu hết măng le đều phải xử lý bằng hóa chất.

Tại TP.HCM, tìm hiểu từ một số tiểu thương chúng tôi được biết, các nguồn cung cấp măng chính là từ các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh, Long An, An Giang. Măng Tây Nguyên giá thường cao hơn từ 5.000-7.000đ/kg.

Theo TS Trần Bích Lam, giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, axit oxalic là chất từ lâu bị cấm dùng trong thực phẩm. Trong một số rau, củ, quả như khế, me, cà rốt… cũng có chất này, dù không gây tác hại ngay lập tức nhưng nếu sử dụng liên tục sẽ có nguy cơ bị sỏi thận, mật hay một số bệnh về xương, khớp. Nếu dùng axit oxalic ướp trực tiếp thực phẩm thì có thể gây ngộ độc cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng, đồng thời có nhiều nguy cơ về các bệnh như sỏi thận, gan mật, thậm chí là ung thư. “Do chất này không màu, mùi lại không đặc trưng nên rất khó để người tiêu dùng có thể phát hiện khi chọn mua thực phẩm”, TS Lam nói.

 Ca Hảo - Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI