70 phi công tương lai tan giấc mơ bay

16/01/2015 - 07:47

PNO - PN - Khoảng 70 học viên đã bỏ tiền túi để tham dự lớp đào tạo phi công tại Mỹ với ước mơ cháy bỏng: sẽ được “làm chủ” những chiếc máy bay ATR, Airbus A320 trên bầu trời. Chắp cánh cho những “giấc mơ bay”...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bỏ 1,5 tỷ đồng để trở thành phi công

Từ thông báo của Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Đức Anh, từ năm 2011 đến năm 2013 đã có hàng trăm thí sinh ứng thí vào chương trình đào tạo phi công của công ty này và khoảng 70 ứng viên đã vượt qua các yêu cầu về trình độ tiếng Anh, sức khỏe cũng như các tiêu chuẩn khác để được lựa chọn tham gia khóa học.

Theo bản hợp đồng đào tạo phi công giữa Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Đức Anh (40 Lam Sơn, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) do ông Nguyễn Đức Minh làm giám đốc và Công ty TNHH Việc làm Toàn cầu do bà Đặng Thị Mai Hương làm giám đốc với từng học viên (HV), thì Công ty Đức Anh sẽ tổ chức đào tạo phi công cho các HV theo tiêu chuẩn quốc tế tại cơ sở đào tạo Ahart Aviation Service (Livermore, California, Hoa Kỳ) hoặc những cơ sở đào tạo khác được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ phê chuẩn.

Tốt nghiệp, HV sẽ được cấp bằng lái máy bay thương mại và bốn chứng chỉ gồm: chứng chỉ năng định bay thiết bị trên máy bay nhiều động cơ (IR ME), chứng chỉ học lý thuyết vận tải hàng không (ATP), chứng chỉ đào tạo phối hợp tổ bay nhiều người (MCC) và chứng chỉ tiếng Anh hàng không (ICAO Level 4). Tất cả những chứng chỉ này do cơ sở đào tạo tại Hoa Kỳ cấp theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) và được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét phê chuẩn.

Tham gia khóa học, mỗi HV sẽ đóng trọn gói 67.685 USD (tương đương 1,4 tỷ đồng). Chi phí này có thể tăng lên 0,5% nếu giá xăng dầu thay đổi và một số trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, phía công ty còn “có trách nhiệm đảm bảo việc làm cho HV tại một trong những hãng hàng không đối tác” của công ty sau khi HV đạt được những bằng cấp, chứng chỉ yêu cầu của khóa học và hội đủ yêu cầu của các hãng hàng không, đồng thời “có trách nhiệm đền bù những thiệt hại trong trường hợp không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng”.

Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Hàng không VN cũng đồng thời ký “Cam kết tuyển dụng sau đào tạo” với từng HV sau khi tốt nghiệp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tuyển dụng, đồng thời sẽ thanh toán một phần chi phí đào tạo cho HV.

Với những người từng có mơ ước làm phi công thì đây là một cơ hội quá hấp dẫn, vì thế nhiều gia đình đã trút hầu bao, vay mượn, thậm chí bán nhà để có đủ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng đầu tư cho con thực hiện ước mơ bay.

70 phi cong tuong lai tan giac mo bay

Giữa đường gãy gánh

Một HV tên L. kể, anh đã tốt nghiệp ĐH và đang học tiếp lên cao học thì có thông báo tuyển phi công trên mạng của Cục Hàng không VN. Vì thông báo không đề cập đến việc phải tự túc học phí, L. cứ đinh ninh là được bao cấp, nên đã dự tuyển.

Cuộc kiểm tra diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện bay gần sân bay Tân Sơn Nhất với hàng trăm ứng viên tham dự. Kết quả: có khoảng 50 HV trúng tuyển, được đưa đi đào tạo tại Nha Trang ba tháng. Tiếp theo đó, số HV này lại được đưa về đào tạo tại sân bay Tân Sơn Nhất thêm ba tháng nữa.

Sau sáu tháng học tập (HV phải đóng gần 30 triệu đồng), HV sẽ lựa chọn một trong 10 cơ sở đào tạo phi công tại Mỹ, được Cục Hàng không VN xác nhận đạt chuẩn, để theo học. Trong thời gian chờ đợi sang Mỹ thì HV và gia đình nhận được thông báo của Vietnam Airlines là phải đi học tự túc. Vì chi phí cho khóa học là quá lớn đối với nhiều gia đình nên HV nào có tiền nộp trước thì đi trước.

Theo danh sách của Tổng công ty Hàng không VN đưa ra thì có 10 cơ sở đào tạo đạt chuẩn, nhưng 70 HV (khoảng 40 HV của Vietnam Airlines, được tuyển trong nhiều đợt từ 2011-2013) đều chọn đến trường Ahart Aviation Services tại bang California, vì ai cũng biết trường này là của ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Đức Anh - đối tác đưa họ đi đào tạo.

Tại Mỹ, việc học tập của các HV diễn ra khá bình thường. Cho đến tháng 10/2014 (sau 8-10 tháng học tập), chưa được nửa đoạn đường, thì ông Minh thông báo trường đóng cửa. Tất cả HV cũng đều nhận được email từ Cục Hàng không Hoa Kỳ thông báo: HV Việt Nam không được tiếp tục học tại trường. HV hỏi thì ông Minh nói sẽ bán trường để trả nợ cho HV. Thế nhưng sau đó ông Minh đã bỏ rơi các HV khiến họ lâm vào cảnh khốn đốn.

Những người chủ mới của cơ sở đào tạo cho biết, ông Minh đã bán toàn bộ cổ phần. Mọi chi phí học phí, ăn, ở… HV đã đóng trọn gói cho ông Minh, nhưng ông Minh không đóng cho chủ nhà trọ, nên HV bị chủ nhà đuổi. Để tồn tại, các HV phải chui rúc với nhau trong những phòng trọ còn hợp đồng, ăn mì tôm và chịu cảnh thiếu thốn trong nhiều ngày; một số HV đã phải trốn ra ngoài tìm việc làm thêm trong lúc chờ đợi gia đình gửi tiền cứu viện.

Chờ đợi và chịu đựng trong khoảng hai tháng, đến đầu tháng 12/2014, 20 HV có điều kiện đã chuyển sang cơ sở đào tạo khác để tiếp tục học tập, hơn 40 HV còn lại đã trở về Việt Nam.

Ngoài gần 68.000 USD chi phí, tính đến nay những HV này đã mất khoảng 2,5-3 năm để theo đuổi chương trình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số HV đều đang học ĐH hoặc đã tốt nghiệp ĐH, đang đi làm với thu nhập khá cao, nhưng đã bỏ dở việc học, việc làm để theo đuổi giấc mơ làm phi công.

Để có đủ tiền chi phí cho khóa học, có gia đình đã phải vay nợ ngân hàng, thậm chí bán nhà. Việc học hành dang dở đã khiến nhiều HV trở nên hụt hẫng, thất vọng, hoang mang… Có HV, sau sự việc, nợ nần chồng chất, gia đình xào xáo, vợ chồng chia tay.

Cho đến nay, HV và gia đình đã làm đơn trình bày sự việc và cầu cứu sự giúp đỡ của Đại sứ quán VN tại Mỹ, Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải. Sáng nay, 16/1, Bộ Giao thông vận tải sẽ có buổi làm việc với gia đình các nạn nhân.

VĂN HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI