70% người dân Nhật ủng hộ có nữ hoàng

26/02/2022 - 07:45

PNO - Hơn 70% người Nhật sẵn sàng chấp nhận những thay đổi luật pháp theo hướng cho phép một thành viên nữ của hoàng tộc được ngồi trên ngai vàng của quốc gia.

Cuộc thăm dò đã được báo Mainichi và Trung tâm Nghiên cứu khảo sát xã hội thuộc Đại học Saitama phối hợp thực hiện, sau khi chính phủ Nhật thành lập một ban cố vấn để xem xét tương lai của chế độ quân chủ ở nước này được vài tuần.

Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và con gái của họ là Công chúa Aiko
Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và con gái của họ là Công chúa Aiko

Theo nhận định của tờ SCMP, chế độ này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng những người thừa kế nam.

Ban cố vấn đã đưa ra hai đề xuất, nhưng không có đề xuất nào đề cập đến những thay đổi trong luật pháp, theo hướng cho phép một phụ nữ trở thành nữ hoàng.

Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi người Nhật ủng hộ việc đất nước có nữ hoàng, thì khả năng này cũng ít xảy ra, do giới chính trị của Nhật nhìn chung còn khá bảo thủ và bị chi phối bởi các thế hệ nam giới lớn tuổi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định rằng, tình hình hiện nay cũng đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho chế độ quân chủ của Nhật, khi chỉ có 2 người thừa kế ngai vàng sau Hoàng đế Naruhito. Một người là em trai của ông, Hoàng tử Akishino, và con trai của ông, Hoàng tử Hisahito 15 tuổi. Hoàng đế cũng có một cô con gái là Công chúa Aiko, 20 tuổi.

“Tôi hoàn toàn không cảm thấy ngạc nhiên về kết quả của cuộc thăm dò, nhưng nó sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì. Nhiều người dân Nhật có thể muốn có một nữ hoàng, nhưng họ còn nhiều thứ quan trọng hơn phải lo trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như việc làm, thu nhập và chuyện học hành của con cái. Đối với hầu hết người Nhật, chế độ quân chủ không quan trọng”, bà Chisato Kitanaka - phó giáo sư xã hội học tại Đại học Hiroshima - bình luận.

“Vì vậy, khi một cuộc bầu cử quốc gia diễn ra, đa số người dân Nhật có xu hướng bỏ phiếu cho một đảng, vốn đã nắm quyền gần như xuyên suốt trong nửa thế kỷ qua. Điều này thể hiện mong muốn sự ổn định và liên tục, tâm lý ngại thay đổi của họ. Và theo xu hướng đó, những người nắm quyền có thể vẫn là những người đàn ông lớn tuổi, rất bảo thủ, và không quan tâm đến việc có nữ hoàng”, bà Kitanaka nhận định thêm.

Công chúa Aiko
Công chúa Aiko

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa truyền thống đã đặt hy vọng vào việc Hoàng tử Hisahito có con trai, và bác bỏ các đề xuất của ban cố vấn, cho phép nam giới từ các phân nhánh trước đây thuộc gia đình hoàng gia được “dung nạp” vào chế độ quân chủ.

Trong cuộc thăm dò ý kiến, được thực hiện với 2.400 người dân trên khắp nước Nhật từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022, 35% đồng ý rằng, người kế vị ngai vàng nên là con đầu lòng của hoàng đế, bất kể giới tính; 41% cho rằng phụ nữ nên được phép làm nữ hoàng nếu không có nam giới thừa kế ngai vàng.

Ngược lại, chỉ 10% nói rằng, luật hiện hành - với quy định chỉ đàn ông mới có thể làm hoàng đế - phải được duy trì.

Nước Nhật đã từng có những nữ hoàng trong lịch sử. Gần đây nhất là Nữ hoàng Go-Sakuramachi, người trị vì từ năm 1762 đến năm 1771. Sau đó, luật của nước này đã thay đổi, theo nguyên tắc chỉ có nam giới mới được nắm ngai vàng, và điều luật này vẫn còn hiệu lực đến nay.

Bà Kitanaka cho biết, bà không lạc quan vào việc thay đổi điều luật nói trên, vì theo bà, quan điểm bảo thủ hiện vẫn đang chi phối rất lớn việc hoạch định chính sách của đất nước. Chẳng hạn, nhiều phụ nữ đã yêu cầu được phép giữ lại họ của mình sau khi kết hôn, nhưng điều này vẫn không được chấp thuận, bà dẫn chứng.

Bà Maya Hamada - giáo sư văn học tại Đại học Kobe - cũng đồng ý với giải thích này. Bà cho rằng: “Chính phủ Nhật đang bám vào ý tưởng về một nước Nhật truyền thống, với những nét văn hóa độc đáo cần được bảo vệ. Và các vấn đề về gia đình, huyết thống, chế độ phụ hệ là một phần lớn trong ý tưởng đó”.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, đã đến lúc thay thế chế độ quân chủ như một thể chế. Tôi cũng nhận thấy nhiều sinh viên của mình có cùng quan điểm này. Tuy hiện chỉ mới là ý kiến thiểu số, nhưng vấn đề này cũng đang được thảo luận ngày càng nhiều hơn”, bà Hamada cho biết thêm.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI