70% học sinh bạo lực học đường có hoàn cảnh đặc biệt

15/08/2023 - 16:48

PNO - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, từ việc phân tích nguyên nhân, thấy rằng hơn 70% học sinh bạo lực học đường đều có hoàn cảnh đặc biệt.

Tại buổi gặp gỡ giáo viên cả nước ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, phương án dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 hiện đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến của giáo viên, nhân dân. Cơ bản, phương án thi của năm 2025 sẽ có một số điều chỉnh về nội dung câu hỏi của môn thi sao cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018. 

Trong quý 4/2023, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Trong quý 4/2023, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025

“Học sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 thì đã được học chương trình lớp 10, 11, 12 theo Chương trình mới song vẫn là lứa học sinh chưa được trải nghiệm một cách đầy đủ, toàn bộ Chương trình GDPT mới. Chương trình mới cần có khoảng thời gian dần dần mới có lớp học sinh được hưởng thụ đầy đủ chương trình. Vì thế, việc điều chỉnh phương án thi cần diễn ra sao cho các thay đổi không bất ngờ, không gây sốc với phụ huynh học sinh” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm.

Sẽ điều chỉnh dạy môn tích hợp bậc THCS 

Một trong những thông tin đáng chú ý nữa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao đổi với giáo viên cả nước trong buổi gặp gỡ là khẳng định có thể sẽ thay đổi việc dạy học môn tích hợp bậc THCS trong Chương trình GDPT 2018. 

Theo Bộ trưởng, dạy tích hợp liên môn là điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi đưa vào chương trình đều có những lý do, căn cứ, với mong muốn phát triển năng lực một cách toàn diện cho học sinh. Trên thực triển khai những năm qua gặp rất nhiều cái vướng.

Vừa qua, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giám sát việc triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018, cũng như từ việc thu thập các ý kiến từ chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục các địa phương, thấy rằng việc dạy học tích hợp thực sự còn vướng, khó. Có những giáo viên có năng lực đã dạy được các học phần song phần nhiều vẫn đang chia ra các học phần riêng. Sách giáo khoa cũng đang được biên soạn với những phần riêng biệt. Nhất là vùng sâu, xa, khó khăn thì giáo viên dẫu đã được tập huấn song thực tế đảm nhiệm môn tích hợp vẫn còn thách thức rất lớn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thay đổi dạy học môn tích hợp trong thời gian tới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thay đổi dạy học môn tích hợp trong thời gian tới

“Bộ sẽ điều chỉnh dạy môn tích hợp ở bậc THCS trong Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới sau khi tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và cân nhắc kỹ lưỡng. Chương trình GDPT 2028 được đánh giá tốt, phù hợp, có tính khoa học, thực tiễn nhưng đó là cả quá trình, và khi thấy chưa thực sự phù hợp thì chúng ta cũng sẵn sàng, dũng cảm điều chỉnh. Song điều chỉnh như thế nào cần phải tính toán để không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ, năng lực giáo viên đã được chuẩn bị trong thời gian qua. Mà điều chỉnh này sẽ thuận lợi hơn, tốt hơn cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018, không ảnh hưởng đến “đầu ra” của việc đổi mới. Qua đây, Bộ cũng xin góp ý của các nhà giáo cho việc điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với việc thực hiện để đạt hiệu quả tốt nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn.

70% học sinh bạo lực học đường có hoàn cảnh đặc biệt

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, từ việc phân tích nguyên nhân, thấy rằng hơn 70% học sinh bạo lực học đường đều có hoàn cảnh đặc biệt, như cha mẹ ly hôn hoặc là có những bạo lực gia đình. Từ bạo lực gia đình dẫn đến việc các em trầm cảm, có những ý nghĩ, hành vi bạo lực.

Giáo viên tham gia trong buổi gặp gỡ
Giáo viên tham gia trong buổi gặp gỡ

Ông nhìn nhận, bạo lực học đường hiện là vấn đề nhức nhối, diễn ra với những biểu hiện khác trước đây, trong đó học sinh nữ tham gia bạo lực học đường với xu hướng nhiều hơn, hình thức, diễn biến cũng phức tạp hơn. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng tiến hành một số nghiên cứu, bước đầu đã có một số đánh giá, giải pháp. 

Để giải quyết bạo lực học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá phải mang tính tổng thể, với nhiều giải pháp, trách nhiệm từ nhiều phía không chỉ ngành giáo dục. Trong đó, cần sự phối hợp hơn nữa giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường sớm nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh học sinh, chủ động giải quyết từ tận gốc vấn đề. Đặc biệt làm tốt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

“Quan trọng nhất là trang bị cho các em kỹ năng tự xử lý, đối mặt với vấn đề của mình, không trông chờ vào người khác, bao gồm cả kỹ năng tham gia vào mạng xã hội, bởi có nhiều hành vi bạo lực của học sinh là học theo, bị ảnh hưởng từ mạng xã hội. Song song tăng cường tư vấn tâm lý học đường, nhất là vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong phát hiện và xử lý hành vi bạo lực học đường…”. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI