7 ngày sinh tồn của người phụ nữ dưới vực sâu Yên Tử

04/05/2022 - 14:28

PNO - Ngày 4/5, trao đổi với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Liên (sinh năm 1963, trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã kể lại 7 ngày sinh tồn, đối mặt với tử thần sau khi bị rơi xuống vực ở Yên Tử (Quảng Ninh).

 

Bà Nguyễn Thị Bích Liên.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên

Bà Liên cho biết, lúc đầu bà chỉ lên gần Yên Tử để lấy thuốc, thế nhưng khi nghe được tin ở đó có chùa, trên đường về, bà rẽ vào Khu di tích Yên Tử để hành hương.

“Lúc tôi đi là vào buổi trưa, tôi đi xe buýt lên đó, xong đi xe ôm vào, lên đến nơi tôi mua vé cáp treo. Lên đến chùa Đồng lúc đó cũng khá muộn nhưng vẫn có đông người ở trên”, bà Liên kể.

Theo bà Liên, thời điểm bà lên trên chùa Đồng, trên đó có mưa, gió, và sương mù. Chính vì thế, mọi người bảo nhau đi xuống, bà Liên cũng đi cùng. Tuy nhiên, trên đường xuống núi, bà Liên cảm thấy mệt, chóng mặt nên ngồi nghỉ, khi đứng dậy để đi về, bà bị tụt huyết áp, choáng và ngã xuống vực sâu chừng 30 mét.

“Khi ngã xuống tôi bất tỉnh, không biết gì nữa, đến lúc tỉnh dậy tôi không nhớ là bị ngã từ bao lâu, thấy mình nằm trong một cái khe, đầu gối lên rễ cây, người nằm phía dưới, chân tay mình bị xước. Sau đó tôi định hình lại và kêu cứu, nhưng không có ai trả lời.”, bà Liên nhớ lại khoảnh khắc đối mặt với tử thần.

Các vết thương ở tay, chân của bà Liên.
Các vết thương ở tay, chân của bà Liên.

Biết là mình bị ngã xuống vực sâu, nên bà Liên tìm kiếm sự giúp đỡ. Bà đứng lên để kêu cứu và dẫm phải túi rác, bị trượt chân ngã sâu thêm xuống vực hơn 10 mét. Bà Liên bám vào thân cây để bản thân không bị tụt thêm xuống vực nữa, nhưng do cành cây không chịu được sức nặng của cơ thể, bà bị rơi xuống thêm một đoạn và bị ngất đi lần nữa.

Ngã xuống vực lần thứ 3, bà Liên may mắn rơi vào bãi rác, chủ yếu là áo mưa, chai nước của khách hành hương ném xuống. Khi tỉnh dậy, bà tiếp tục kêu cứu nhưng do điểm rơi xuống quá sâu, trong khi thời tiết những ngày này tại khu vực gió to và mưa nên không ai nghe thấy.

“Sau khi tỉnh dậy tôi  thấy trời nhiều sương mù và có mưa kèm gió to. Tôi nghe thấy tiếng người ở trên chùa Đồng, thế nhưng tôi gọi không được ai. Khi đó tôi lấy lon nước trên đống rác ngay chỗ tôi nằm, ném xuống dưới tạo tiếng động hi vọng sẽ có người nghe thấy và phát hiện ra tôi. Nhìn vách đá cheo leo tôi dặn mình phải hết sức bình tĩnh để không bị ngã một lần nữa”, bà Liên cho hay.

Khi bình tĩnh lại, bà Liên thấy một phiến đá khá rộng, có thể nằm được và ngay lập tức cố gắng bám vào cây tre, cây trúc leo sang để quan sát và kêu cứu.

Người phụ nữ đã gần 60 này cho biết, để sinh tồn được trong 7 ngày bà chia số cơm cháy ra nhiều phần, đến khi hết một nửa số thức ăn, bà chia nhỏ tiếp số cơm để ăn cầm cự. Khi lương thực sẵn có gần cạn kiệt, bà hái thêm lá dương xỉ, củ lạc tiên cùng các loại thân rễ cây khác để ăn. Nước thì bà bới trong rác bị vứt xuống, gom nước từ những chai nước của du khách uống dở ném xuống vực để uống.

“Thời tiết tại đây nhiều sương mù, mưa lạnh kém gió to, tôi phải nhặt nhạnh những mảnh túi nhựa và áo mưa để quấn quanh người vừa chống thời tiết khắc nghiệt, vừa chống côn trùng khi đêm xuống”, bà Liên nhớ lại.

Khi trời tạnh mưa và bớt gió hơn, bà Liên tiếp tục kêu cứu và may mắn được phát hiện. Lúc được phát hiện, là đúng sau 1 tuần, gói cơm cháy trong người bà Liên còn một miếng bằng ngón tay.

Bà Liên không giấu được nước mắt khi kể về những ngày sinh tồn của mình.
Bà Liên không giấu được nước mắt khi kể về những ngày sinh tồn của mình.

Bà Liên xúc động nói: “Dù có phần hoảng loạn nhưng nghĩ lại, trước ranh giới sống chết thì cứ cố gắng bảo toàn tính mạng và tìm mọi cách để có thể sinh tồn. Tôi nghĩ không thể đầu hàng như vậy mà phải trở về với chồng con”.

Sau khi thoát “cõi chết” về nhà, nhiều người cho rằng bà Liên bịa chuyện, thế nhưng bà khẳng định câu chuyện của bà là hoàn toàn có thật bởi vé cáp treo vẫn còn và ban quản lý xác nhận thông tin ghi đúng ngày 27/4. “Vé cáp treo tôi đi vẫn còn đây, trong vé thể hiện tất cả mọi thông tin của tôi. Kể cả tôi mua vé mà không đi lên, thì làm sao tôi có thể trèo qua các vách núi mà lên trên đó được”, bà Liên khẳng định.

Hiện tại sức khỏe của bà đã dần ổn định trở lại.

Bà Liên vui mừng khi thoát chết, được trở về với chồng con.
Bà Liên vui mừng khi thoát chết, được trở về với chồng con.

Trước đó, Bà Nguyễn Thị Bích Liên (sinh năm 1963, trú tại Đơn Nguyên 3, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đi chùa ở Yên Tử, không may bị ngã và rơi xuống vực tại khu vực chùa Đồng, từ ngày 27/4. Đến khoảng 9g15 ngày 3/5, bà được cứu. Bà Liên khi được tìm thấy tinh thần vẫn tỉnh táo, minh mẫn, đi lại được.

Ban quản lý Khu di tích Yên Tử cho biết, trong quá trình nhân viên của ban đi tuần tra thì nghe thấy tiếng kêu cứu của người phụ nữ gần khu vực chùa Đồng. Ban quản lý Khu di tích Yên Tử và nhà chùa cùng Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm, nhân viên bán hàng đã phối hợp tìm kiếm, thòng dây xuống vực cứu hộ, đưa bà Liên ra khỏi vực.

Ngọc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI