7 năm nữa có thể kết thúc đại dịch AIDS?

14/07/2023 - 16:36

PNO - Ngày 13/7, Liên hiệp quốc nhấn mạnh đại dịch AIDS có thể kết thúc vào năm 2030 nhưng cảnh báo đại dịch chỉ có thể được ngăn chặn nếu các nhà lãnh đạo các nước nắm bắt được cơ hội.

 

Liên Hợp Quốc lần đầu tiên đặt ra vào năm 2015 mục tiêu chấm dứt Aids như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. ẢNH: AFP
Năm 2015, Liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 - Ảnh: AFP

Tổ chức UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS) cho biết AIDS có thể không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đồng thời vạch ra lộ trình ngăn chặn, phòng ngừa và điều trị dựa trên trao quyền cho xã hội và giải quyết tình trạng bất bình đẳng có thể cản trở tiến bộ trong việc ngăn chặn đại dịch này.

UNAIDS cho biết việc chấm dứt đại dịch AIDS trên hết là một lựa chọn của mỗi quốc gia. Bà Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành UNAIDS - cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa đi trên con đường chấm dứt AIDS, nhưng chúng tôi có thể chọn đi theo con đường đó".

Năm 2015, lần đầu tiên Liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bà Byanyima cho biết tiến bộ lớn nhất là các quốc gia quan tâm và đầu tư mạnh mẽ để phòng chống HIV - loại vi rút gây ra bệnh AIDS. Bà chỉ ra, phía đông và nam châu Phi, nơi các ca nhiễm HIV mới đã giảm 57% kể từ năm 2010. Trong đó, các nước Botswana, Eswatini, Rwanda, Tanzania và Zimbabwe đã đạt được mục tiêu 95-95-95. Điều này có nghĩa là 95% những người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 95% người biết mình bị nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; và 95% những người được điều trị đạt được sự ức chế vi rút, và do đó rất ít khả năng lây nhiễm cho người khác.

Trong một báo cáo, UNAIDS cho biết 2 thập niên trước, đại dịch AIDS dường như không thể ngăn chặn, với hơn 2,5 triệu người nhiễm HIV mỗi năm và cướp đi sinh mạng của 2 triệu người/năm.

Nhưng bức tranh bây giờ đã khác rất nhiều. UNAIDS cho biết vào năm 2022, 39 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với HIV, trong đó 29,8 triệu người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và con số điều trị bằng thuốc kháng vi rút đã tăng gần gấp 4 lần so với 7,7 triệu vào năm 2010.

Hơn nữa, 82% phụ nữ mang thai và đang cho con bú nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị bằng thuốc kháng vi rút vào năm 2022, so với 46% vào năm 2010 - dẫn đến tỉ lệ nhiễm mới ở trẻ em giảm 58%.

Khoảng 1,3 triệu người mới nhiễm HIV vào năm 2022 - giảm 59% so với mức cao nhất vào năm 1995.

Trong khi đó, 630.000 người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS và căn bệnh này vẫn là kẻ giết người số 1 ở một số quốc gia. “Nhưng nhìn chung, số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm 69% kể từ mức cao nhất vào năm 2004” - báo cáo cho biết.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI