Ngoài thuốc ung thư giả H-Capita, VN Pharma nhập khẩu trót lọt 7 loại thuốc giả khác của công ty ma Helix Canada.
|
Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VN Pharma trên đường rời phòng xử án, sau khi nghe Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án 12 năm tù cho tội buôn lậu thuốc |
7 loại thuốc này đã được cơ quan an ninh điều tra xác định là do Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VN Pharma) thông qua Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty H&C) đặt mua từ năm 2012.
Nhưng mãi đến năm 2014, Cục quản lý Dược mới yêu cầu rút số đăng ký lưu hành 7 loại thuốc này. Như vậy trong khoảng thời gian 2 năm đó, H2K đã đi đâu về đâu?
“TP.HCM không sử dụng H2K của VN Pharma”?
Sau khi gửi câu hỏi cho Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM gần một tuần nhưng chưa có hồi âm, chiều 30/8, chúng tôi tiếp tục liên hệ dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM.
Khẳng định với Báo Phụ Nữ TP.HCM, dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết: “7 loại thuốc H2K chứa hoạt chất Ciprofloxacin và Levofloxacin dạng thuốc tiêm truyền, chưa nhập vào bất kỳ bệnh viện nào tại TP.HCM.
7 loại thuốc này cũng chưa tham dự thầu trong đợt đấu thầu tập trung năm 2014, nên không thể trúng thầu và chưa vào bất kỳ bệnh viện nào của TP.HCM".
Trước đó, VN Pharma có đấu thầu vào các bệnh viện khác ở trung ương và một số tỉnh thành. Nghe đâu cũng có trúng ở một số nơi nhưng riêng ở TP.HCM, 7 loại thuốc này chưa được sử dụng”, dược sĩ Đỗ Văn Dũng |
|
H2K Ciprofloxacin 200 - 1 trong 7 loại thuốc do VN Pharma nhập khẩu trót lọt vẫn còn thông tin trên mạng internet |
Chúng tôi đặt câu hỏi, trước thời điểm đấu thầu tập trung 2014, H2K có được VN Pharma hay một công ty dược nào khác phân phối hay không, dược sĩ Đỗ Văn Dũng khẳng định: “Ngoài VN Pharma, TP.HCM không ghi nhận một công ty dược nào khác nhập khẩu loại H2K này. Nếu có lưu thông tại các bệnh viện tại TP.HCM thì chúng tôi phải biết vì thuốc muốn vào bệnh viện, phải thông qua đấu thầu riêng lẻ hoặc tập trung.
Riêng H-Capita có dự thầu và trúng thầu nhưng đã niêm phong lô thuốc toàn bộ 9.300 lô thuốc. Không có một viên nào lọt ra bên ngoài. Sở Y tế TP.HCM cũng đã hủy trúng thầu lô thuốc H-Capita”.
Chúng tôi xem lời khẳng định của dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM là câu trả lời chính thức từ phía Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn về sự tồn tại và biến mất bí ẩn của loại thuốc H2K mang nhãn mác Health 2000 này.
H-Capita không phải là lô thuốc đầu tiên được nhập khẩu trót lọt. Cơ quan điều tra đã xác định: “Từ năm 2012 đến 2014, với thủ đoạn tương tự trong vụ H-Capita, VN Pharma làm giả hợp đồng mua bán thuốc để nhập khẩu trót lọt thuốc H2K có nhãn mác Health 2000. Tuy nhiên, số lượng lô thuốc, chất lượng thuốc, giá trị thực của lô thuốc này do không có đầy đủ tài liệu và tang vật nên đã không được làm rõ”.
|
Xeloda - một loại thuốc gốc dùng hoạt chất Capecitabine để trị bệnh ung thư |
Bao nhiêu tỷ đồng thu được từ việc VN Pharma nâng khống giá thuốc?
Trong vụ án thuốc H-Capita, giá trị của những viên H-Capita đã được nâng khống từ 27 USD/hộp lên 61,5 USD/hộp. Khi Nguyễn Minh Hùng (VN Pharma) thỏa thuận mua H-Capita với Võ Mạnh Cường (Công ty hàng hải quốc tế H&C), giá chỉ là 0,9 USD/viên nhưng trên hợp đồng mua bán, giá trị là 2,05 USD/viên (tương đương 61,5 USD/hộp).
Võ Mạnh Cường tìm được nguồn cung cấp giá H-Capita còn rẻ hơn, chỉ 0,6 USD/viên. Như vậy, giá trị thực khi được sản xuất tại một nơi nào đó chắc chắn dưới mức 0,6 USD.
|
Phiên tòa xử vụ án Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường về hành vi buôn lậu thuốc tại TP.HCM sáng 25/8 |
Khi trúng thầu trong đợt đấu thầu tập trung của Sở Y tế TP.HCM vào năm 2013 – 2014, giá trị trúng thầu của một viên H-Capita chỉ 31.000 đồng (thấp hơn giá so với 66.000 đồng là giá kế hoạch thầu của thuốc trị ung thư chứa hoạt chất Capecitabine).
Với giá 31.000 đồng này, VN Pharma vẫn có lời khoảng 11.200 đồng/viên H-Capita (nếu quy đổi 1 USD = 22.000 VNĐ). Trong khi đó, VN Pharma đã xin được giấy phép nhập khẩu đến 200.000 hộp H-Capita. Với 30 viên H-Capita trong một hộp thuốc thì số tiền lời thu được với 200.000 hộp H-Capita giả (6 triệu viên thuốc) được nhập khẩu trót lọt sẽ lên khoảng 67,2 tỷ đồng.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, chỉ riêng với 9.300 hộp H-Capita được nhập về kho trót lọt, số tiền nâng khống giá thuốc mà VN Pharma thu được đã là 320.850 USD, với tỷ giá 22.000 đồng/1 USD thì số tiền này tương đương hơn 7 tỷ đồng.
Và số tiền này, được các bị cáo khai dùng để chi hoa hồng cho bác sĩ. Riêng trong vụ thuốc H-Capita bị phát giác này, Ngô Anh Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma đã nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi cho bác sĩ tại các bệnh viện mà VN Pharma có quan hệ cung cấp thuốc. Tổng cộng số tiền này xấp xỉ 7,5 tỷ VNĐ.
|
Các bị cáo trong vụ án trước vành móng ngựa |
Riêng 9.300 hộp thuốc H-Capita, số tiền bị kê khống đã lên đến hơn 7 tỷ đồng. Còn nếu nhập khẩu trót lọt đến 200.000 hộp H-Capita như đã được Cục quản lý Dược phê duyệt thì số tiền bị kê khống còn lên cao đến chừng nào?
Tuy nhiên, vẫn có thể hình dung VN Pharma đã thu lợi khủng đến thế nào qua số tiền trong tài khoản tiết kiệm đứng tên các nhân viên của VN Pharma. Chẳng hạn, chỉ tính riêng tại Ngân hàng Tiên Phong, Ngô Anh Quốc – Phó Tổng Giám đốc VN Pharma đứng tên 16 sổ tiết kiệm với số tiền 56 tỷ VNĐ; Nguyễn Trí Nhật – Phó Tổng giám đốc VN Pharma đứng tên 16 sổ với số tiền 59 tỷ VNĐ; Lê Thị Vũ Phương- Kế toán trưởng VN Pharma đứng tên 6 sổ tiết kiệm với số tiền 14 tỷ VNĐ, Nguyễn Văn Vàng – Tổ trường phòng bán hàng VN Pharma đứng tên 1 sổ giá trị 5 tỷ VNĐ. Còn tại Ngân hàng Quân đội, Ngô Anh Quốc đứng tên 3 sổ có giá trị 14,5 tỷ VNĐ; Lê Thị Vũ Phương đứng tên 3 sổ có giá trị 13,5 tỷ VNĐ.
Các nhân viên của VN Pharma một lần nữa thừa nhận tất cả số tiền này do VN Pharma thu về bằng thủ đoạn nâng khống giá thuốc, để ngoài sổ sách kế toán và sử dụng chi hoa hồng cho bác sĩ theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng.
Do chưa sử dụng đến nên để trong sổ tiết kiệm đứng tên các nhân viên của công ty và để thế chấp vay vốn kinh doanh.
Cơ quan điều tra nhận định: “Hành vi này có dấu hiệu của tội trốn thuế nhưng do sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ nên không thể điều tra làm rõ”.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng: “H-Capita không chỉ giả hồ sơ mà chính nó là thuốc giả. H-Capita do một công ty A nào đó sản xuất mà lấy nhãn mác của Helix Canada thì gọi là thuốc giả rồi.
Cái này gọi là cho lên đời thuốc để kiếm lợi nhuận. Tất nhiên, nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy H-Capita không chứa một phần trăm nào hoạt chất Capecitabine để trị bệnh ung thư, lúc đó án cho vụ VN Pharma phải tử hình”.
Phân tích của dược sĩ Đỗ Văn Dũng hoàn toàn có căn cứ khi xem lại hồ sơ vụ án VN Pharma. Theo kết quả điều tra, trên các thùng hàng (thuốc H-Capita 500mg) có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Liệu những lô thuốc H-Capita có thể được sản sinh ra từ Ấn Độ chứ không phải Canada?
Cơ quan điều tra cũng xác định mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào. Bộ Ngoại giao trả lời địa chỉ 392 Wilson Ave, Canada không tồn tại công ty Helix Canada.
Kết hợp với thông tin những con dấu mang tên Helix Canada và Austin Hồng Công mà cơ quan điều tra thu giữ được từ các bị cáo trong vụ án này, nhiều ý kiến suy luận: Helix Canada có thể là một công ty do Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm dựng lên để gắn nhãn mác cho thuốc trị ung thư được sản xuất tại thị trường Ấn Độ.
|
Hiếu Nguyễn