|
Năm 2023 thế giới sẽ đối diện với những thách thức mới về năng lượng |
Trên tạp chí Forbes, nhà phân tích, tư vấn chính sách công chuyên về năng lượng với 40 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, cựu lãnh đạo khu vực Texas của Liên minh Khí đốt tự nhiên Hoa Kỳ (ANGA), ông David Blackmon đưa ra dự báo về 8 chuyển biến khả thi nhất đối với lĩnh vực năng lượng thế giới trong năm 2023, tiếp nối những biến động và khủng hoảng của năm vừa qua.
Năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ sẽ đạt được bước tiến đáng kể
Đây là sự kiện mà ông Blackmon cho rằng khả thi nhất trong năm 2023. “Ổ bánh lớn” năng lượng tái tạo đã và đang nhận được hàng trăm tỉ USD trợ cấp và ưu đãi từ 2 dự luật liên bang đã được Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn. Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng (BIL), được ký trong tháng 11/2021, và Đạo luật giảm lạm phát (IRA), được ký vào tháng 8/2022, đã kích thích một làn sóng khởi nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực này.
Tác giả Blackmon chia sẻ, chủ đề năng lượng tái tạo vẫn được công chúng Mỹ quan tâm, dòng truyền thông về mảng năng lượng thậm chí sẽ tiếp tục tràn ngập những câu chuyện về sự năng động của ngành này. Đây sẽ là lĩnh vực tăng trưởng chính của ngành năng lượng Hoa Kỳ trong nhiều năm tới.
Lưới điện quốc gia Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn
Theo ông Blackmon, diễn biến này lại chính là hệ quả của “cơn sốt” năng lượng tái tạo. Nguồn điện từ gió và mặt trời vẫn là nguồn phát không liên tục và không thể dự đoán. Xu hướng tích lũy các nguồn này trong lưới điện quốc gia Hoa Kỳ ngày càng tăng, trong khi các nguồn điện truyền thống và ổn định như nhiệt điện lại không được đầu tư tương xứng.
Theo đó, quá trình mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng gió và mặt trời, mà không có bất kỳ phương án dự phòng nào, hay kế hoạch phát triển mới các nguồn nhiệt điện, chắc chắn sẽ khiến công việc của các nhà quản lý lưới điện ở Mỹ tiếp tục gặp nhiều bất trắc hơn trong năm 2023.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ phát triển thành một thảm họa trong năm 2023
Theo ông Blackmon, đây là hệ quả không thể tránh khỏi trừ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kết thúc chóng vánh. Thảm họa này sẽ buộc châu Âu lại phải phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Dù các nhà lãnh đạo châu Âu không muốn bị ràng buộc với Nga một lần nữa, đây vẫn là lựa chọn hấp dẫn, trong tình hình cựu lục địa phải đốt lượng than và gỗ cao kỷ lục, đồng thời trả giá cực cao cho bất kỳ sản phẩm LNG nhập khẩu nào, chỉ để duy trì nguồn năng lượng.
Giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 USD một lần nữa vào năm 2023
Phó chủ tịch tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard&Poor’s (S&P) Dan Yergin đã bình luận như vậy với CNBC. Ông Yergin cho biết, đã có nghiên cứu dự đoán giá dầu Brent có thể bật tăng lên tới mức 121 USD, khi Trung Quốc hoàn toàn mở cửa trở lại và dỡ bỏ mọi hạn chế COVID-19.
Giá trung bình của mỗi gallon xăng tại Mỹ sẽ lại vượt ngưỡng 5 USD
Theo ông Blackmon, đây là hệ quả tất yếu nếu giá dầu Brent tăng tới 121 USD, khiến giá xăng và dầu diesel cũng sẽ tăng tương ứng trong năm 2023. Nếu giá dầu thô tăng đột biến vào cuối mùa xuân, đúng thời điểm các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ phải chuyển từ hỗn hợp nhiên liệu mùa đông giá rẻ sang hỗn hợp mùa hè với giá cao hơn, thì những tài xế sẽ gặp lại cơn ác mộng trong hè 2022.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến Hoa Kỳ sẽ gặp “thiên thời”
Sau một thập kỷ chịu gánh nặng nợ nần, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã ổn định ở vị trí khá thuận lợi trong năm 2022. Bất chấp chi phí tăng, các nhà đầu tư cung cấp ít ngân sách hơn và sự ngăn trở hàng ngày từ chính quyền Biden, các công ty khoan dầu khí đá phiến đã tận dụng tình hình giá nhiên liệu tăng mạnh để nâng tổng sản lượng trong nước thêm 620.000 thùng mỗi ngày, khiến ngành này trở thành lĩnh vực hoạt động tốt nhất thị trường chứng khoán Mỹ năm 2022.
Đơn xin gia nhập Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) của Ả Rập Saudi sẽ được chấp thuận
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 dự kiến do Nam Phi chủ trì, Liên minh gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Ả Rập Saudi. Ông Blackmon nhận định, đây có lẽ sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong các chuyển biến của ngành năng lượng thế giới năm 2023, sẽ khiến BRICS trở thành liên minh kinh tế mạnh nhất thế giới, vượt qua cả G7.
Tiềm lực của BRICS vốn đã bao gồm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, nền kinh tế được dự báo sẽ vượt qua cả Đức và Nhật Bản để đứng thứ 3 thế giới là Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Brazil, nền kinh tế lớn nhất châu Phi là Nam Phi, cùng với nhà sản xuất dầu đứng thứ 2 thế giới là Nga. Nếu kết nạp được Ả Rập Saudi, BRICS sẽ có thêm nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới.
Việc bổ sung Ả Rập Saudi vào liên minh vốn đã hùng mạnh này sẽ tạo nên sự phân nhánh địa chính trị sâu sắc trong bức tranh năng lượng toàn cầu, thậm chí có thể dẫn tới sự kết thúc của kỷ nguyên “petro-dollar”, trong đó tờ bạc xanh của Mỹ đã đóng vai trò là tiền tệ quốc tế cho các giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Trường An (theo Forbes)