Sirimavo Bandaranaike - Sri Lanka
Được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Sri Lanka vào năm 1960, Bandaranaike là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đảm trách chức vụ cao nhất trong chính phủ của một quốc gia thời hiện đại. Bà chính thức bước chân vào con đường chính trị chỉ một năm sau khi chồng bà, người đang giữ chức thủ tướng vào thời điểm đó, bị ám sát bởi một thầy tu. Bà đã tại vị với vai trò người đứng đầu chính phủ trong 2 nhiệm kỳ: 1960-1965, 1970-1977.
Không chỉ được biết đến như là "kiến trúc sư trưởng" cho nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng, là người kiến thiết nên hệ thống kinh tế chủ đạo do nhà nước quản lý, bà còn là người lập nên "triều đại" chính trị của gia đình mình: con gái bà, Chandrika Kumaratunga, đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, và từ 1994-2005, là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Sri Lanka.
Indira Gandhi - India
Là con gái của chính trị gia nổi tiếng Jawaharlal Nehru (và cũng là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ), Indira Gandhi có cơ hội tham gia và trở thành thủ lĩnh trong các phong trào chính trị từ rất sớm.
Vào năm 1966, bà được chỉ định đảm nhiệm vai trò Thủ tướng, rồi được bầu giữ chức vụ này vào năm tiếp theo, và tiếp tục tái cử 2 nhiệm kỳ sau đó. Bà bị ám sát bởi chính người cận vệ của mình vào năm 1984.
Golda Meir - Israel
Vào thời điểm trở thành Thủ tướng thứ 4 của Israel vào năm 1969, bà Golda Meir đã có bề dày 40 năm phục vụ đất nước. Sinh ra ở Ukraina, bà di cư sang Mỹ từ khi còn bé và sinh sống ở thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin.
Bà tham gia nhiều hoạt động chính trị trong vai trò thủ lĩnh và là một trong hai người phụ nữ được vinh dự ký vào Tuyên ngôn độc lập của Israel năm 1948.
Trên vai trò Thủ tướng, bà đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán duy trì hòa bình giữa Israel và Ai Cập.
Bà Meir từ chức năm 1974 và mất 4 năm sau đó tại Jerusalem ở tuổi 80 vì bị bệnh ung thư bạch cầu.
Margaret Thatcher - United Kingdom
Sinh ra và lớn lên trong một căn gác nhỏ bên trên cửa hàng tạp hóa của gia đình, Margaret Thatcher theo học tại đại học Oxford và làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hóa học trước khi bắt đầu đặt sự nghiệp của mình vào vũ đài chính trị.
Bà nổi lên như là một ngôi sao của đảng Bảo thủ, trở thành lãnh tụ của đảng này vào năm 1975; 4 năm sau đó trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh, và là nữ chính khách đầu tiên đóng vai trò dẫn dắt một quốc gia trọng điểm của phương Tây.
Bà được mệnh danh là “người đàn bà thép” cùng với các chính sách kinh tế quyết đoán, nổi bật là việc đề ra các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường tự do.
11 năm tại vị đã giúp bà trở thành Thủ tướng Anh có thời gian phục vụ lâu nhất của thế kỷ XX, đồng thời là một trong những nữ chính trị gia quyền lực nhất.
Vigdís Finnbogadóttir - Iceland
Finnbogadóttir là nữ chính trị gia người Iceland, Tổng thống Iceland thứ 4 trong lịch sử quốc gia này từ năm 1980 tới năm 1996.
Bà không chỉ là nữ Tổng thống đầu tiên của Iceland và châu Âu mà còn là bà mẹ đơn thân đầu tiên trên thế giới được bầu làm tổng thống. Với nhiệm kỳ đúng 16 năm, bà đang nắm giữ kỷ lục là nữ nguyên thủ được bầu cử cầm quyền lâu nhất.
Hiện tại, bà là Đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà là nữ Tổng thống duy nhất trong lịch sử Iceland, và là người đã góp phần đưa Iceland trở thành đất nước với những thành tích về bình đẳng giới đầy ấn tượng.
Angela Merkel - Germany
Sinh ra và lớn lên ở Đông Đức cũ, Angela Merkel nhận bằng tiến sĩ ngành Hóa; làm việc trong lĩnh vực hóa lượng tử trước khi dấn thân vào con đường chính trị ngay sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ (1989).
Merkel từng được giao giữ chức Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của Thủ tướng Helmut Kohl. Bà từng thổ lộ rằng: "Bất cứ ai thực sự có một điều gì đó để bộc lộ thì không cần đến trang điểm".
Năm 2000, bà vươn lên vị trí lãnh đạo đảng CDU để trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ ghế Chủ tịch đảng.
Năm 2006, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Angela Merkel, sau 100 ngày cầm quyền trên cương vị Thủ tướng, giành được sự ủng hộ cao nhất trong các thủ tướng lãnh đạo nước Đức kể từ năm 1949.
Nhiều nhà phê bình kinh tế thường nhắc đến thuật ngữ "nhân tố Merkel" như là nguyên nhân của sự gia tăng nhanh chóng trong mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng.
Sau hai năm liên tiếp (2006 và 2007) giữ vị trí quán quân trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, tháng 8/2008, bà Angela Merkel tiếp tục là nhân vật số một theo bình chọn của Tạp chí Forbes.
Đến nay, bà vẫn đang được xem là nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh bậc nhất châu Âu, và là đất nước có nền kinh tế lớn thứ 4 trên toàn cầu.
Ellen Johnson Sirleaf - Liberia
Sau khi nhận được những tấm bằng danh giá từ các trường đại học Mỹ, bao gồm cả bằng thạc sĩ ngành Quản trị hành chính công từ đại học Harvard, Ellen Johnson Sirleaf khởi đầu bằng công việc trong lĩnh vực nhà nước ở quê hương Liberia.
Bà từng sống trong tình trạng tha hương ở cả Kenya lẫn Mỹ trong suốt giai đoạn nội chiến kéo dài; từng làm việc trong ngành ngân hàng lẫn tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2005, bà đánh bại một loạt các ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử được tổ chức lần đầu tiên tại Liberia kể từ sau chiến tranh, và đã chiến thắng vẻ vang với sự ủng hộ của hơn 80% cử tri là phụ nữ để trở thành người phụ nữ đầu tiên trúng cử thông qua cuộc bầu cử dân chủ ở châu Phi.
Trong suốt 12 năm tại vị, bà Sirleaf đã dốc sức mình theo đuổi một nền hòa bình cho đất nước, xóa bỏ nợ nần để đưa đất nước thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế. Năm 2011, bà đã vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi vì quyền của phụ nữ ở đất nước mình.
Nguyễn Thuận (Theo History)