Tại sao các bác sĩ quan tâm nhiều đến cholesterol? Đầu tiên là “nó có thể dự đoán các rủi ro sức khỏe” - tiến sĩ Jeffrey Berger, bác sĩ tim mạch và giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim mạch tại NYU Langone ở New York - cho biết. “Có lẽ đã có hàng trăm nghiên cứu chỉ ra rằng mức cholesterol LDL (các cholesterol xấu) cao sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong sớm cao hơn”. Và điều quan trọng là bạn có thể sửa đổi yếu tố rủi ro này. Bác sĩ Berger nói: “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn giảm cholesterol, bạn sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch”.
|
Không phải ăn nhiều cholesterol hơn sẽ dẫn đến lượng cholesterol trong máu cao hơn |
Sau đây là 7 bí ẩn đã được các nhà khoa học tìm ra liên quan đến cholesterol
1: Cholesterol luôn có hại
Cholesterol, thường được mô tả là một chất sáp, giống như chất béo, là rất cần thiết cho cơ thể con người, bao gồm cả việc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi. Nó là một phần của màng tế bào và thúc đẩy sản xuất các hormone quan trọng. Nhưng quá nhiều cholesterol có thể gây ra vấn đề, cụ thể là góp phần làm tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Nathalie Pamir - phó giáo sư về tim mạch dự phòng tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon ở Portland - giải thích: LDL vận chuyển cholesterol đi khắp cơ thể, lắng đọng nó trong các mạch máu. Người anh em họ nhỏ hơn của nó, lipoprotein mật độ cao (HDL), từ lâu đã được coi là cholesterol “tốt” vì nó thường vận chuyển cholesterol từ các bộ phận khác của cơ thể đến gan.
Vì LDL và HDL khác nhau nên các bác sĩ không còn tập trung quá chặt chẽ vào tổng lượng cholesterol. Thay vào đó, họ thường yêu cầu mọi người nhắm đến mức LDL thấp hơn (tối ưu là dưới 100 mg/dL) và mức HDL cao hơn (ít nhất là 60 mg/dL và không dưới 40 md/dL).
2: Cholesterol 'tốt' luôn có tác dụng bảo vệ
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, các nhà khoa học cho biết đã theo dõi gần 24.000 người trưởng thành không mắc bệnh tim trong khoảng 1 thập kỷ để đo lường các dấu ấn sinh học và theo dõi các cơn đau tim và tử vong liên quan đến cơn đau tim. Kết quả cho thấy, mặc dù LDL có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe xấu, tuy nhiên lượng HDL thấp lại chỉ cho thấy gia tăng dấu hiệu mắc bệnh ở người da trắng chứ không ảnh hưởng người da màu. Trong khi đó, ở cả người da trắng và da màu, HDL không cho thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện sức khỏe nào.
Pamir nói, một lời giải thích tiềm năng là chất lượng hoạt động của HDL có thể quan trọng hơn số lượng. Đã có một số bằng chứng cho thấy mức độ HDL cao có thể gây tình trạng viêm nhiễm có hại. Và sử dụng quá nhiều rượu hoặc cơ thể bị rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến mức HDL cao hơn nhưng không mang lại sức khỏe tốt hơn. Nghiên cứu về sự phức tạp của HDL của Pamir và những người khác vẫn tiếp tục cho đến khi có câu trả lời chắc chắn hơn.
3: Bạn không cần kiểm tra cholesterol cho đến khi đạt đến độ tuổi trung bình bị đau tim
AHA (Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) khuyến nghị rằng tất cả những người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra mức độ cholesterol cứ sau 4 đến 6 năm. Có thể tầm soát thường xuyên hơn nếu bạn hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh tim. Và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả trẻ em nên được kiểm tra lượng cholesterol cao trong độ tuổi từ 9 đến 11 và sớm hơn nếu có các yếu tố rủi ro như tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm.
4: Bạn không kiểm soát được mức cholesterol của mình
Tiến sĩ Cho nói: “Trẻ sơ sinh được sinh ra với lượng cholesterol LDL rất thấp và mức độ này “tiếp tục tăng lên” khi chúng ta già đi. Đó là một quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng chắc chắn có một số điều bạn có thể làm để kiểm soát lượng cholesterol của mình, chẳng hạn như tập thể dục. Tiến sĩ Wright cho biết, tập luyện cường độ cao thường xuyên, bao gồm chạy hoặc đạp xe, có thể giảm ít nhất 10% lượng cholesterol. Tập thể dục cũng giúp ngủ ngon hơn và giảm căng thẳng, điều này có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể.
5: Nếu bạn có lượng cholesterol thấp, bạn sẽ không bị đau tim
Điều này “không hề” đúng, tiến sĩ Cho nói. Cholesterol là một yếu tố quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất, cũng không phải là dấu hiệu hoàn hảo. Theo AHA, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác bao gồm tuổi tác (người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn), giới tính nam, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá và béo phì.
6: Để giữ mức cholesterol thấp, bạn nên tránh ăn trứng
Bạn có thể vẫn còn nhớ về cơn sốt dòng chữ “không có cholesterol” được dán khắp các mặt hàng thực phẩm trong một thời gian.
Không phải ăn nhiều cholesterol hơn sẽ dẫn đến lượng cholesterol trong máu cao hơn. Cơ thể cũng tự tạo ra và có thể điều chỉnh để bù đắp nếu bạn ăn nhiều hơn hoặc ít hơn. Tiến sĩ Cho nói rằng những gì dường như làm tăng cholesterol LDL là các loại chất béo bão hòa từ các sản phẩm động vật bao gồm thịt, bơ và sữa. Ngược lại, thực phẩm giàu chất béo không bão hòa lại có lợi. Và ăn quá nhiều tinh bột dễ hấp thụ có thể dẫn đến tăng cân. Bác sĩ tim mạch khuyến nghị chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp nhiều trái cây và rau quả, nhiều protein có lợi cho sức khỏe hơn như cá và chất béo không bão hòa đơn. Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp cơ thể chống lại nhiều loại bệnh, bao gồm cả tiểu đường và ung thư.
7: Bạn luôn có thể kiểm soát mức cholesterol của mình mà không cần sự hỗ trợ của thuốc
Có một chứng rối loạn di truyền được gọi là tăng cholesterol máu gia đình khiến khoảng 1 trong 200 người được sinh ra với mức cholesterol LDL cao, mức này sẽ tiếp tục tăng trong suốt thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Mặc dù đây là tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn còn các yếu tố rủi ro khác như cân nặng và thể trạng cũng ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền.
Ngay cả khi đã giảm cân và tập thể dục, bạn vẫn được khuyên dùng thuốc để kiểm soát cholesterol.
Tuy nhiên, tiến sĩ Berger nhấn mạnh, trước tiên nên tập thể dục và ăn kiêng vì như vậy bạn không chỉ có thể cải thiện lượng cholesterol của mình mà còn có thể cải thiện sức khỏe tổng thể.
Minh Chi