69 container rác từ Philippines đã ‘hồi hương’ Canada

30/06/2019 - 15:48

PNO - Tàu Anna Maersk chở 69 container chất thải dán sai nhãn là phế thải nhựa tái chế từ Philippines đã về đến Canada hôm 29/6, khép lại một chương tranh chấp từ năm 2013 đã gây nên tranh cãi ngoại giao căng thẳng giữa Ottawa và Manila.

69 container rac tu Philippines da ‘hoi huong’ Canada
Tàu Anna Maersk cập cảng Roberts Bank (Canada) mang theo 69 container chất thải giấy và nhựa bị Philippines trả lại - Ảnh: Reuters

Lô hàng đã được đưa ra khỏi tàu container Anna Maersk cập cảng gần bến phà Tsawwassen và được đưa đến GCT Deltaport ở tỉnh British Columbia đúng theo kế hoạch đã thống nhất.

Sarah Lusk, phát ngôn viên thành phố Vancouver, cho biết chất thải sẽ được gửi đến một cơ sở xử lý chất thải thành năng lượng ở Burnaby để thiêu, tuy nhiên thời gian bắt đầu chưa được xác định.

Các container chứa chất thải từ Canada trở thành một phần tranh chấp ngoại giao giữa Manila và Ottawa, khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “đe dọa chiến tranh” với Canada và Manila triệu hồi các nhà ngoại giao hàng đầu khỏi Canada sau khi Canada bỏ lỡ hạn chót nhận lại chất thải vào ngày 15/5.

Các container chất thải của Canada được chuyển đến Philippines trong các năm 2013 và 2014 và được dán nhãn sai là nhựa có thể tái chế. Thay vào đó, các container này chứa đầy rác, bao gồm cả tã và báo đã qua sử dụng. Một tòa án Philippines năm 2016 đã phán quyết trả lại số rác này cho Canada.

Canada thu xếp nhận lại các container rác vào cuối tháng 5 vừa qua và cho biết họ đã thuê Công ty Bollore Logistics Canada để đưa số rác này “hồi hương” càng sớm càng tốt.

Xử lý chất thải nổi lên như một chủ đề tranh chấp chính trị giữa các nước Đông Nam Á và thế giới phát triển. Tháng 5 vừa qua, Malaysia trở thành quốc gia mới nhất yêu cầu các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Anh nhận lại 3.000 tấn chất thải nhựa xuất khẩu đến nước này.

Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada đầu tháng 6 nói với hãng tin Reuters rằng chính phủ đang đàm phán với Malaysia để “hồi hương” chất thải nhựa có nguồn gốc từ Canada.

Thanh Hải (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI