62.000 tỷ: xác định người cần hỗ trợ có khó không?

14/08/2020 - 06:18

PNO - Việc quyết định đối tượng nào sẽ được nhận quá mập mờ, đến nỗi người dân xóm tôi bảo “muốn nhận cứu trợ thì lên ti vi mà nhận”.


Trong bài khảo sát về việc triển khai gói 62.000 tỷ đồng trên Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 7/8, tôi thấy một thông tin rất quan trọng: “Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng, tính đến ngày 7/7, cơ quan này đã hoàn thành việc trao tiền hỗ trợ cho người gặp khó khăn do COVID-19”. Thật sự, tôi rất bất ngờ, không rõ ai đã được nhận? Hay, ý của sở là “những trường hợp đã nhận được tiền hỗ trợ hầu hết là người thuộc diện chính sách”, như một bài viết khác đăng cùng ngày?

Dù Chính phủ công bố gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ, nhưng nhiều tháng qua rất nhiều người vẫn không thể nhận hỗ trợ từ gói này
Dù Chính phủ công bố gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ, nhưng nhiều tháng qua rất nhiều người vẫn không thể nhận hỗ trợ từ gói này

Tôi là chủ hộ kinh doanh ở Đà Nẵng và là đối tượng chịu thiệt hại trong cả hai đợt dịch. Sau khi lên phường kê khai, tôi hiểu khá rõ cách mà chính quyền dự tính thống kê số đối tượng bị ảnh hưởng, rất hợp lý. Dựa trên thực tế cả thành phố giãn cách gần như trọn tháng Tư, tất cả công dân có đăng ký thường trú/tạm trú ở TP.Đà Nẵng đều sẽ bị ảnh hưởng. Phường nơi cư trú sẽ là nơi tiếp nhận tờ khai, chuyển lên cho quận, quận đối chiếu với các điều kiện của gói cứu trợ và xác định danh sách người được hỗ trợ. 

Thế nhưng, việc quyết định đối tượng nào sẽ được nhận lại quá mập mờ, đến nỗi người dân xóm tôi bảo “muốn nhận cứu trợ thì lên ti vi mà nhận”. Gói cứu trợ cho sinh hoạt người dân các tháng Tư, Năm, Sáu nhưng đến tháng Tám tôi vẫn không nhận được phản hồi nào. Đi kê khai thì không nhận được giấy xác nhận đã kê khai. Lúc công an yêu cầu quán tạm nghỉ, có làm giấy xác nhận để hỗ trợ sau này, nhưng giấy này công an giữ, không cho quán bản sao nào. Và rồi, nếu ai may mắn được hỗ trợ thì sẽ biết, còn không biết tức là không có, không cách nào xác minh được lý do vì sao. Tổ - phường là nơi ghi nhận thông tin thì không có quyền quyết định cũng như không có trách nhiệm trả lời, tính minh bạch bằng 0. Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: “gói cứu trợ này có thật không?”.

Nghe nói, cái khó của chính quyền là việc xác định liệu một hộ thu nhập thấp có thật sự bị ảnh hưởng trong đợt dịch (hồi tháng Tư) hay không. Để làm được điều này, chính quyền xây dựng bộ quy trình có nhiều thủ tục rườm rà, như đẩy khó cho người lao động. Nhưng thời điểm khác thường cần có hành động phi thường, vẫn còn rất nhiều cách để xác định người gặp khó khăn thật sự, người cần được hỗ trợ hơn những người khác. 

Riêng Đà Nẵng, cán bộ cấp tổ - phường nắm rất rõ địa bàn mình quản lý, hộ nào nghèo, ai là lao động di cư, lao động tự do đều biết. Trên cơ sở đó, có thể để tổ trưởng tự xét duyệt và gửi danh sách lên quận theo chỉ tiêu quận đưa xuống. Kết hợp với thông tin tự kê khai của người dân trên phường, thành phố có thể quyết định nhanh những đối tượng cần hỗ trợ. Danh sách này có thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng hạn ở TP.Đà Nẵng có tổng đài 1022, hoạt động rất hiệu quả suốt mùa dịch tháng Tám này.

Đương nhiên, có thể có trường hợp kê khai gian dối. Khi đó, có thể áp dụng phương pháp kiểm tra chéo. Thứ nhất, vận động các hội nhóm thiện nguyện trong cộng đồng đề xuất danh sách để đối chiếu chéo. Khi có ít nhất ba nguồn tin riêng biệt xác nhận, độ khả tín chắc chắn cao hơn. Thứ hai, chính quyền có thể thành lập tổ thanh tra chéo giữa các quận, lựa chọn đối tượng ngẫu nhiên để xác định. Nếu có biểu hiện trục lợi từ tổ - phường thì phạt nặng làm gương. 

Chỉ cần làm được việc hỗ trợ một cách minh bạch, tin rằng trong mắt người dân, hình ảnh chính quyền “nói được làm được”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ thật hơn bao giờ hết. Có lẽ, 62.000 tỷ đồng không đủ cho tất cả mọi người, nhưng tối thiểu, nỗ lực của Chính phủ sẽ được ghi nhận một cách đúng đắn. 

Thường Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Niem Thanh 14-08-2020 10:56:40

    Nếu nói về đối tượng chịu thiệt nhất trong đợt dịch phải kể đến các chủ cơ sở mầm non tư thục, kéo theo đó là các giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục. Trong khi nghỉ dịch( không được hưởng lương 3 tháng 2,3,4) là nhóm đối tượng đầu tiên "mất việc" để phòng dịch và cũng là nhóm cuối cùng được trở lại làm việc vào đầu tháng 5, với hi vọng gói hỗ trợ của Chính Phủ đến tay để giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, hỏi các cơ quan liên quan đều không nhận được câu trả lời. Và đến đợt dịch này, trong khi tất cả ngành nghề khác vẫn hoạt động bình thường ( trừ 1 số địa phương có yêu cầu giãn cách xã hội) thì tấy cả các trường mầm non ở Tp Vinh đều bị tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch và các chủ trường và giáo viên tiếp tục "mất việc" mà không có bất kỳ nguồn hỗ trợ, giảm thuế hay trợ cấp nào cho nhóm đối tượng này , trong khi họ liên tục không có nguồn thu nhập. Nói như mọi người quả không sai "lên tivi mà nhận hỗ trợ".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI