61 & 91 ngồi 'đếm' sài gòn

21/01/2020 - 07:00

PNO - Một đứa sinh năm 1961, một đứa sinh năm 1991, là đồng nghiệp nên gọi nhau là anh em cho nó thân mật, cùng ngồi uống trà trên tầng cao và chiêm ngưỡng một góc của Sài Gòn.

91: Em để ý thấy anh hay gọi nơi này là Sài Gòn.

61: Quen miệng rồi, anh là người sinh ra và lớn lên nơi đây nên nói mình là người Sài Gòn nghe nó gọn miệng, là do thói quen. Ngay cả người miền Tây hay tuốt miền Bắc cũng quen miệng nói “lên Sài Gòn” hay “vào Sài Gòn” thôi mà... Cũng như hồi anh đi Liên Xô năm 1977, nghe những người Nga sống ở thành phố Leningrad nhưng họ vẫn bảo mình là người Petersburg (Saint Petersburg), đó là cốt cách của người sống ở một vùng miền có truyền thống văn hóa lâu đời. Người Hà Nội đôi khi thích xưng mình là người Tràng An hay là dân Thăng Long; cũng như người Cần Thơ thích người ta gọi mình là dân Tây đô vậy đó...

.....

91: Em hỏi thiệt anh chớ anh thấy Sài Gòn xưa đẹp hay sài Gòn bây giờ đẹp?

61: Em thích Sài Gòn nào hơn?

91: Coi hình ảnh trong sách báo thì em thấy thích Sài Gòn xưa hơn.

61: Thích ở chỗ nào?

91: Thấy rộng, thoáng, sang trọng hơn.

61: Dù gì cũng từng là một thành phố mà, Sài Gòn được người phương Tây xây dựng, được tiếp cận với nền văn minh Âu Mỹ, là một vùng đất cởi mở cho mọi người từ khắp nơi đến tạo dựng sự nghiệp nên không chỉ có Pháp và Mỹ mà còn có cả Hoa, Nhật, Ấn, Hàn, Lào, Cam, Mã Lai, Miến Ðiện... có đủ, nên nó nhộn nhịp và sinh động lắm. Ðất rộng mà người thưa nên nhiều không khí để thở. Ðâu phải tự nhiên mà thế giới từng gọi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Ðông.

91: Còn anh thì thấy Sài Gòn nào đẹp?

61: Cá nhân anh thấy Sài Gòn bây giờ cũng đẹp, nhưng đẹp theo kiểu mới, khác thời xưa, phù hợp với xu thế đương đại mà nó muốn vươn tới. Mặc hoài một chiếc áo cũ không còn phù hợp nữa thì cứ thay; bản thân anh là người Sài Gòn mà thấy Sài Gòn cũ kỹ quá, xuống cấp quá anh cũng chán, cũng muốn nó thay đổi và thích được là chứng nhân để nhìn thấy nó từng ngày hiện đại hơn, văn minh hơn... Là một người con của Sài Gòn, anh ưng thấy nó lộng lẫy yêu kiều, mặc dù bây giờ mật độ người đông quá nên chật chội, ngộp thở và ô nhiễm quá.

91: Cụ thể anh thích sự thay đổi nào?

61: Tàu điện ngầm. Ngày nay người Việt mình đi du lịch nhiều, sử dụng các phương tiện giao thông hiện đại của nước người ta mà phát thèm, phát buồn và chắc chắn ai cũng ao ước nước mình được như vậy. Giờ thấy người ta đào đào, xới xới làm tàu điện ngầm cho Sài Gòn mà vui, là vui cho con cháu mình sau này có phương tiện đi lại hiện đại, ngoài nước có cái gì thì trong nước mình cũng có cái đó cho dân mình đỡ bị quê mùa... Thương cái thành phố mình thì phải để cho nó lớn lên khỏe mạnh chứ không thể để nó èo uột như đứa trẻ suy dinh dưỡng... Nhưng hình như nó đang èo uột thật vì cái đường tàu xây hoài xây mãi vẫn chưa xong. Sài Gòn đang như một thiếu nữ cứ đi sửa sắc đẹp hoài mà nhan sắc vẫn ngày một tàn phai... Là một người con của Sài Gòn, anh thấy đau lòng.

Hai anh em ngồi nhìn xuống đường Lê Lợi, bị chắn tầm mắt bởi những dãy hàng rào màu xanh hy vọng của công trình xây dựng, cách vài mét lại có một tấm bảng ghi dòng chữ: “Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này!”. Sự xin lỗi này còn kéo dài thêm bao lâu, cái màu xanh hy vọng sơn khắp dãy tường tôn chắn của công trình đến bao giờ mới được tháo dỡ cho đúng với niềm hy vọng của người dân Sài Gòn?

91: Anh ơi! Nếu đường tàu điện ngầm được khánh thành, liệu có làm mất đi một Sài Gòn xưa không?

61: Sài Gòn vốn đã không còn XƯA nữa rồi nên nó phải cứ là NAY thôi. Yêu con mình là phải để cho nó lớn, nó trưởng thành vững chãi chứ đừng để nó mãi là một đứa trẻ già nua tự kỷ, làm vậy là có tội đó em!

91: Là nghệ sĩ, mình làm gì để giữ được cốt cách của một Sài Gòn xưa và nay hả anh?

61: Không dám bàn sâu về cốt cách vì nó rộng quá, anh chưa đủ tầm, nhưng anh quan tâm nhiều đến ngôn ngữ. Người Việt mình rất phong phú về lời ăn tiếng nói; mỗi vùng miền đều có cái đặc sắc của ngôn ngữ địa phương, cái đó mình phải giữ và phát huy. Giọng sài Gòn rất nhẹ, nếu có ý thức phát âm đúng thì nghe rất dễ chịu. Ðặc thù Sài Gòn là vùng đất mở, cái gì cũng dễ được dung nạp thoải mái, không kỳ thị (ẩm thực, nghệ thuật) nên cũng dễ bị đồng hóa mà mất bản sắc riêng, đặc biệt là ngôn ngữ. Các em diễn viên trẻ bây giờ nói chuyện, từ ngữ và cả giọng điệu bị lai miền Bắc rất nhiều. Có nhiều vở chuyện kịch diễn ra tại Sài Gòn từ trước 1975 nhưng các diễn viên lại dùng từ ngữ và văn phong của Sài Gòn sau 75, có khi dùng cả từ địa phương miền Bắc rất nhiều nên nó bị “nhiễu” về văn hóa. Ðây thuộc về kiến thức của đội ngũ biên kịch và các em diễn viên trẻ ngày nay không chuyên cần đào sâu một tác phẩm về mọi phương diện. Người dẫn chương trình giải trí trên truyền hình ở Sài Gòn mà cứ “vâng ạ!”, “có được không ạ?” nghe mất hẳn bản sắc vùng miền vốn không hề dở thì thật là uổng, uổng lắm! Trong các vở kịch mà anh làm, bao giờ anh cũng chú ý uốn nắn phương diện này, uốn nắn rất nghiêm chỉnh cho các diễn viên của mình.

91: Em cũng công nhận là phải phát âm thật chuẩn giọng của vùng miền mình, nghe sẽ rất dễ chịu và hay đó anh. Nhưng thật ra ở Sài Gòn có bao nhiêu người nói đúng giọng Sài Gòn đâu. Vì Sài Gòn vốn là vùng đất mở, từ Bắc chí Nam, giọng nói nào cũng đều hiện diện ở Sài Gòn, cả giọng Hoa lơ lớ trong Chợ Lớn cũng là Sài Gòn luôn mà...

Thằng anh 61 bị đứa em 91 quăng cho một câu hỏi khó vào mặt, mới chống chế: “Thì cứ giọng như anh hay em mới là giọng Sài Gòn đó!”.

91: Anh ơi, em thiệt ra là dân... Hà Nội, theo ba mẹ vào Sài Gòn từ nhỏ nên em nói giọng Sài Gòn hổng có bị lai đó anh.

Hai anh em phá ra cười vì cái sự định nghĩa thế nào mới là Sài Gòn: giọng nói? cách sống? hành xử? tính cách? tâm hồn?... nói hoài nói mãi chưa hết... cho đến khi trên loa phát ra giọng nói “chuẩn” Sài Gòn của cô trực tổng đài: “Khu thương xá đã đến giờ đóng cửa, cảm ơn quý khách đã đến thăm và mua sắm tại trung tâm thương mại của chúng tôi, xin kính chào tạm biệt... Quý khách vui lòng lưu ý giữ gìn túi xách và tư trang cẩn thận, phòng ngừa kẻ gian móc túi và trộm cắp trà trộn chung quanh...”.

Ừ... thì cũng đúng là Sài Gòn thiệt mà, nơi đây cái gì cũng có, nhất là vòng tay!

NSƯT Thành Lộc

Ảnh: Đinh Phúc, Minh Thanh

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=