60 tuổi, mẹ mới 'vào đời'

16/02/2020 - 17:27

PNO - Lúc ấy, mẹ chợt nhận ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình, giữa bao nhiêu mặc cảm vì đã để con lớn lên trong nghèo khó, chật vật.


Lần nào về thăm mẹ, tôi cũng huyên thuyên đủ thứ chuyện này chuyện kia ở chỗ làm. Mẹ nghe say sưa, dù những câu chuyện về công việc luôn mệt mỏi đến phát chán, vì đó là “kênh” duy nhất kết nối mẹ với thế giới bên ngoài. Qua lời kể của tôi, mẹ có vài giờ “mơ tưởng" hiếm hoi cuộc sống bên ngoài đồng ruộng, bưng biền, cạnh người chồng nát rượu.

Trong một lần như thế, tôi vô tình nhắc đến việc nhà hàng mình đang làm cần tuyển một tạp vụ. Mẹ nhanh nhảu hỏi: “Họ có tuyển... người già không?”. Tôi giật mình. Tôi chưa bao giờ hình dung mẹ làm gì khác ngoài những công việc nhà nông mà bao năm nay dường như đã gắn vào cuộc đời mẹ. Nhưng vì mẹ khá nghiêm túc và quyết liệt, tôi đành đem nguyện vọng của mẹ đến hỏi anh quản lý nhà hàng. Và không ngờ, mẹ trở thành “đồng nghiệp" của tôi chỉ vài ngày sau đó.

Từ một phụ nữ 60 tuổi lam lũ, gầy gò, mẹ khoác lên mình đồng phục nhân viên nhà hàng. Lần đầu mặc đồng phục, mẹ đi nhanh về phía tôi, hỏi nhỏ: “Nhìn có ra dáng không?”. Tôi vội gật và cười động viên trước khi mẹ lẹ làng vào vị trí của một tạp vụ. Cả nhà hàng ai cũng biết nhân viên tạp vụ vừa “đầu quân" đó là mẹ tôi, nhưng không ai biết, đứa con gái 30 tuổi đang phải trải qua những xúc động lạ lùng, những khoảnh khắc vừa mừng vừa tủi - khi chứng kiến người mẹ 60 tuổi lần đầu tiên bước vào đời.

Ngay ngày làm việc thứ hai, anh quản lý đã đề xuất một ý tưởng táo bạo: đưa mẹ ra làm nhân viên phục vụ như một hình ảnh biểu tượng của nhà hàng bán món ăn Việt. Mẹ mừng như mở hội. Mẹ xem đó như một sự… thăng tiến. Mẹ hỏi: “Vậy là mẹ lên chức hả?”, với vẻ mặt vừa hí hửng, vừa không giấu được niềm tự hào ngây thơ. Tôi gật. Những ngày được xuất hiện như một “bộ mặt" của nhà hàng trong vai trò phục vụ, mẹ lại “đỏm dáng" theo một cách rất… thiệt thà, chân quê.

Mỗi lần sắp bước qua ô cửa từ khu vực bếp ra khu vực đón khách, mẹ lại nhìn mình từ đầu tới chân một lượt. Nếu có bạn nhân viên nào gần đó, mẹ không ngại ngần hỏi: “Cô đẹp chưa?” với điệu bộ vô cùng hài hước. Mỗi lần chạm mặt tôi trong nhà hàng, mẹ không quên bảo: “Coi giùm áo mẹ phía sau có… dính gì không”. Tôi vừa buồn cười, vừa thấy… bực, vì “có một câu cứ hỏi hoài". Cho đến gần nửa năm sau khi vào việc, mẹ vẫn giữ nguyên sự chỉn chu, tươm tất đó mỗi lần xuất hiện trước mặt khách. 

Không biết cơ duyên thế nào mà mẹ lại trở thành một hình ảnh đặc trưng của nhà hàng thật. Dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, da dẻ nhăn nheo và mái tóc đã bạc gần hết - mẹ có lẽ là nhân viên phục vụ “kém ngoại hình" nhất trong giới nhà hàng ở thành phố này.

Nhưng, hầu như mọi khách hàng quay lại lần thứ hai đều hỏi “bà T.”. Một lần, có một vị khách Nhật vừa vào quán đã ngỏ ý muốn được gặp “bà T.”. Ông cúi đầu chào khi nhìn thấy mẹ, rồi ra hiệu mời bà đến gần xem xấp ảnh ông đã chụp bà trước đó. Trong ảnh, mẹ đang khệ nệ bưng mâm cơm ra mời khách. Ông xin phép tặng bà mấy tấm hình vừa rửa, khỏi phải nói, mẹ sung sướng biết chừng nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà giữ mấy tấm hình trong túi xách như một báu vật. Ngày nghỉ về quê, bà cũng mang về. Đến khi quay vào làm việc, bà lại cầm theo. Gặp ai thân bà cũng lôi tấm hình ra, khoe “ông khách người Nhật chụp tui mần việc dưới quán nè". Rồi bà kể đủ thứ chuyện ở chỗ bà làm, giảng giải đặc tính của từng nhóm khách, khách Pháp khó tính ra sao, khách Nhật lịch sự thế nào...

Một buổi trưa, lúc nhà hàng vắng khách, mẹ tôi đang lom khom dọn bàn cho một nhóm khách vừa kết thúc bữa ăn thì một cô gái ngoài 20 tuổi chợt đứng lên, xin phép “cho cháu ôm cô một cái". Không đợi mẹ phản ứng, cô gái đã ôm chầm lấy tấm vai gầy guộc của bà, vuốt búi tóc khô xơ chỉ còn chút màu đen mơ hồ giữa ánh trắng phau phau, rồi bật khóc.

Cô gái cố kìm cơn xúc động: “Cô giống mẹ con quá...”. Rồi cô kể, mẹ cô đã mất cách đây 5 năm. Anh em cô đều lên Sài Gòn lập nghiệp từ trước, nên kể từ khi mẹ mất, họ chỉ về thành phố quê hương này một lần trong năm, để giỗ mẹ. Lần này về, lại vô tình gặp “cô nhân viên giống mẹ như đúc" trong một nhà hàng giữa thành phố đầy ắp kỷ niệm, cô không ngăn được nước mắt.

“Trải nghiệm nghề nghiệp" ấn tượng đó dường như không làm mẹ tôi vui như những lần trước. Bà trở nên trầm lặng hơn, không pha trò, không hài hước “hỏi hoài một câu" như thường lệ. Đến cuối ngày, khi đang phụ tôi sắp xếp nguyên liệu trong bếp, bà chợt nói: “Mẹ nghèo, mẹ xấu, nhưng mà… có mẹ cũng hơn, bé hỉ?”. Tôi biết mẹ đang nhắc về chuyện cô bé ban trưa.

Hình như, lúc này, mẹ vừa chợt nhận ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình, chợt thấy mình cũng có giá trị giữa bao nhiêu mặc cảm vì đã để con lớn lên trong nghèo khó, chật vật. Còn tôi thì đã luôn thấy biết ơn, luôn thấy tự hào, thấy mình may mắn có mẹ. Những ngày cùng mẹ “vào đời", đồng hành cùng mẹ trong những niềm vui lẫn khiếm khuyết của công việc, tôi càng thấm thía những gì đẹp đẽ, thú vị trong người phụ nữ thuần nông hồn hậu này. 

Mai Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI