60 năm sau ngày trộm ngân hàng, 'tên trộm' được chào đón nồng nhiệt ngày trở về

22/08/2018 - 07:30

PNO - Lấy trộm hàng trăm ngàn đô la Canada từ ngân hàng, 60 năm sau sau, tên tội phạm nhâm nhi sâm panh, tươi cười kể lại vụ án ngay tại hiện trường năm nào.

Năm 1958, khi nhân viên ngân hàng Boyne Lester Johnston cuỗm mất hàng trăm ngàn đô la Canada và vượt biên thành công, cảnh sát đã phải kêu gọi truy nã trên toàn cầu. 

Trên tấm áp phích truy nã được chính quyền cho phép lưu hành, người đàn ông trẻ tuổi cười rạng rỡ trong bộ tuxedo trắng, đeo nơ đen.

Mô tả bao gồm chiều cao, cân nặng và tính cách của tên tội phạm: "luôn ăn mặc chỉn chu, thường xuyên lui tới hộp đêm, sành rượu sâm panh và thích tán tỉnh phụ nữ.”

60 năm sau, ngày 10/8/2018, Boyne Lester Johnston – hay “cậu bé sâm panh”, hơn 80 tuổi, quay trở lại hiện trường của vụ án – nay là nhà hàng hiện đại Riviera.

60 nam sau ngay trom ngan hang, 'ten trom' duoc chao don nong nhiet ngay tro ve
60 năm sau ngày trộm ngân hàng, Boyne Lester Johnston nhâm nhi sâm panh trong hiện trường vụ án.

Theo lời Alex McMahon, Giám đốc quản lý rượu của nhà hàng, ông Johnston dùng cocktail sâm panh ‘Công việc Ngân hàng’ và ghé thăm hầm rượu, trước là nơi trữ tiền của ngân hàng.

Ông McMahon cho biết: “Không khí trong hầm vẫn gợi nhớ đến những năm tháng xa xưa đó. Chào đón ông Johnston, lắng nghe ông chia sẻ câu chuyện là trải nghiệm hồi hộp và tuyệt vời đối với chúng tôi”.

Đăng tải một bức ảnh về chuyến thăm lên Instagram, nhà hàng này đã khuấy động cảm giác hoài niệm cũng như tò mò của nhiều người. Họ thắc mắc, làm thế nào mà Johnston có thể trộm tới 260.000 đô la Canada, tức 1,7 triệu đô la Mỹ theo tỉ giá hiện tại; và vụ án tiếp diễn ra sao?

Theo báo chí đưa tin, Johnston khi đó mới 25 tuổi, là nhân viên giao dịch chính tại Ngân hàng Hoàng gia Canada, thủ đô Ottawa.

Một ngày thứ Sáu năm 1958, Johnston lén bỏ tiền vào một chiếc túi vải, đợi đến đêm muộn mới dùng chìa khóa cá nhân quay lại ngân hàng để chuyển chiếc túi đi. Thứ Bảy, anh đưa mẹ và vợ đi ăn tối rồi sau đó biến mất vào Chủ nhật.

Johnston đã tận hưởng hai tuần vui vẻ cho đến khi một người ẩn danh nhận thấy đối tượng giống với mô tả của áp phích truy nã. Johnston bị cảnh sát bắt giữ tại Denver khi tay vẫn còn nâng ly sâm panh.

Vào thời điểm đó, Johnston nói với chính quyền: “Tôi tò mò cảm giác sở hữu tất cả số tiền đó là như thế nào. Giờ thì tôi đã biết rồi”.

Chính quyền đã thu hồi khoảng 200.000 đô la Canada, Johnston cùng gia đình phải bù lại khoản tiền còn thiếu. Johnston bị tuyên bốn năm tù nhưng được thả sớm vào năm 1960. Sau đó, ông nhận được một công việc khác trong ngành tài chính.

60 nam sau ngay trom ngan hang, 'ten trom' duoc chao don nong nhiet ngay tro ve
Áp phích truy nã Boyne Lester Johnston trên toàn cầu.

Mait Ainsaar – người bạn cùng Johnston đến nhà hàng – cho biết: “Chuyến thăm là một trong những ước nguyện phải thực hiện trước khi chết, cũng là cơ hội để ông ấy hồi tưởng về cuộc phiêu lưu gây náo loạn một thời”.

Tuy không mong đợi sự chú ý khổng lồ từ truyền thông và xã hội, ông Ainsaar hiểu sức thu hút của những vụ trộm hàng thập kỷ trước, mà ngày nay là không thể xảy ra trong thế giới số.

Ông nói: “Có ai mà không muốn một lần thốt lên “Tôi không quan tâm”, tôi chỉ muốn làm những chuyện điên rồ và đáng nhớ? Đó có lẽ là ước mơ thầm kín của mỗi người”.

Hiện tại, ông Johnston đã nghỉ hưu và định cư tại Renfrew, thị trấn nhỏ cách Ottawa một giờ lái xe về phía bắc. Ông hóm hỉnh nói: “Hàng xóm vẫn đòi mua bia cho tôi vì ‘nổi tiếng’ năm đó.”

Năm 2013, ông trả lời tờ The Citizen: “Tôi không bắn ai cả. Có người nào lại không thích ngân hàng cơ chứ?”

Trong khi ông Johnston kể về quá khứ lẫy lừng, McMahon thắc mắc: “Việc đó có đáng không? Nếu được chọn, ông có muốn làm lại lần nữa?”.

Và cựu tù nhân trả lời: “Tôi vui mừng vì đã phạm tội và có thời gian ngồi tù. Không gì khiến bạn trân trọng cuộc sống và tự do hơn là khi bạn không còn tự do nữa”.

Khi trốn khỏi ngân hàng 60 năm trước, ông Johnston mang theo rất nhiều tiền bạc. Nhưng lần này, ông để lại thứ gì đó trên bức tường gạch: tên và mã tù nhân viết tay nguệch ngoạc.

Ngọc Anh (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI