Thực ra, với những diễn biến trong hiệp 1, đặc biệt là sau pha đánh đầu của Đoàn Văn Hậu xé lưới đối phương, nhiều người khi đó đã tin chắc một điều: Việt Nam vô địch. Đá vậy, không vô địch mới lạ, không “đi bão” lại càng lạ.
Thế trận “trên cơ”
Tôi là người quan tâm bóng đá, và hiện vẫn đi đá bóng vào mỗi chiều thứ Bảy hằng tuần, dù đã ngấp nghé tuổi 50. Trước trận, tôi có niềm tin rằng tuyển U22 Việt Nam sẽ thắng trong trận cầu được giới bình luận truyền hình nhắc đi nhắc lại là “trận đấu lịch sử”, “chiến thắng lịch sử”, bởi nó là trận thắng được chờ đợi 60 năm qua kể từ SEAP Games 1959 ở Bangkok, Thái Lan. Trước trận, tuyển Việt Nam đã 5 lần vào chung kết nhưng tấm huy chương vàng vẫn… ngó lơ.
Tôi có niềm tin tuyển U22 Việt Nam chiến thắng vì nói thật, trong khu vực Đông Nam Á, khó có đội tuyển nào mạnh, đồng đều các tuyến như tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam.
Tin, vì từ ngày ông thầy Park nắm tuyển Việt Nam, U23 (và ở SEA Games 30 là U22), đội đá rất tự tin, dù đối thủ là ai, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran - những thế lực bóng đá của châu lục; dù đối thủ mạnh cỡ nào, đội vẫn đá “có nét”, không rối loạn, đặc biệt là không bao giờ buông xuôi.
Càng tin, vì trước đó, U22 Việt Nam đã không cho Campuchia một cơ hội uy hiếp khung thành nào trong trận bán kết mà U22 Việt Nam thắng 4-0 một cách nhàn nhã, tha hồ thay người cho những toan tính nhân sự ở trận chung kết này. Trong khi đó, U22 Indonesia phải căng sức đá 120 phút với đối thủ Myanmar ngang cơ.
Trong trận bán kết, với đối thủ yếu hơn hẳn, ông Park còn làm được một việc là giấu “bài”. Lại càng tin nữa khi mà U22 Việt Nam đã gặp U22 Indonesia ở vòng bảng và đã thắng trong một thế trận áp đảo hoàn toàn ở hiệp 2. Ở hiệp đấu đó, các tuyển thủ Việt Nam đan bóng như thêu hoa dệt gấm kiểu tiki-taka và tuyển thủ đối phương dường như không có cơ hội đoạt bóng, lên bóng…
|
Màn tung hoa mừng chiến thắng của các tuyển thủ Việt Nam - Ảnh: Vietnamnet |
Tin thì tin vậy, mà lo vẫn cứ lo. Hồi hộp. Bóng đá mà! Biết đâu vào trận, hai đội chơi ngang ngửa, rồi trong một tình huống lụp chụp, bóng lại lăn vào lưới U22 Việt Nam, trong khi các chân sút Việt Nam lại kém duyên? Lo thủ môn mắc lỗi ngớ ngẩn. Lo tùm lum đủ thứ, lo bò trắng răng.
Tin và lo, yên tâm và hồi hộp có lẽ là cảm xúc của nhiều người - những người đã mua vé vào sân, những người đã sắm sanh cờ quạt, áo xống để chuẩn bị "đi bão", những người đã hẹn điểm để “xem Việt Nam đá”, và cả những người quyết định ở nhà, xem bóng đá cùng người thân.
Ấy nhưng, sau những phút ú tim đầu trận, khi U22 Indonesia có màn tấn công phủ đầu với cú sút phạt ở phút thứ ba, những đường ban bật, phối hợp nhịp nhàng của các tuyển thủ U22 Việt Nam đã khiến mọi người yên tâm. Phút 39, đội trưởng Đỗ Hùng Dũng đá phạt bên cánh trái treo bóng vào trong, Đoàn Văn Hậu bật cao đánh đầu cận thành tung lưới U22 Indonesia.
Khi đó, sự yên tâm đã lấn lướt hồi hộp, niềm tin đã lấn lướt nỗi lo. Đó là một bàn thắng đánh dấu sự trên cơ của U22 Việt Nam đối với U22 Indonesia chứ không đơn thuần là một bàn thắng khai thông thế bế tắc, bởi trước đó, U22 Việt Nam liên tục hãm thành, trong khi U22 Indonesia dường như không thể lên bóng.
Tuyển U22 Indonesia vào đến trận chung kết bằng lối chơi tấn công hai biên, tạt ngang vào, nhưng trong trận chung kết tối qua, lối chơi này hoàn toàn phá sản trước lối phòng ngự từ xa cũng như sự tranh cướp bóng, bọc lót hiệu quả từ nhiều tuyến của U22 Việt Nam.
Trong trận này, cũng như toàn giải đấu, thế trận phòng ngự và khả năng phòng ngự của U22 Việt Nam quá tốt. U22 Indonesia dường như toàn trận chỉ có một pha ăn bàn rõ rệt khi kết cục đã gần như an bài. Ấy là vào phút 80, khi một cầu thủ Indonesia thoát xuống đối mặt thủ môn Văn Toản.
Ấy nhưng, cú cản bóng bằng chân của thủ môn nhỏ con này cộng với pha đánh đầu phá bóng từ khung gỗ của Thành Chung cho thấy khả năng phòng ngự quá chắc chắn của U22 Việt Nam.
Tỏa sáng khi cần
Đêm qua, Đoàn văn Hậu - chốt chặn thép bên cánh trái của Việt Nam - đã ghi bàn đầu tiên của anh trong mùa giải SEA Games 30 mở tỷ số và ghi bàn ấn định chiến thắng 3-0 cho U22 Việt Nam. Toàn giải, Hậu đã hóa giải không biết bao nhiêu pha lên bóng của tiền đạo các đội.
Cầu thủ hưởng lương cao nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam này (hiện anh đang chơi cho câu lạc bộ Heerenveen của Hà Lan với mức lương tối thiểu tương đương 11 tỷ đồng/năm), với thể hình cao to và khả năng đọc tình huống tốt, đã khóa chặt mọi pha hãm thành từ cánh trái.
Trong những trận đấu trước, anh miệt mài, lặng lẽ làm tròn vai trò tường thép nhưng trong trận cầu quan trọng này, anh đã ghi, không những một mà hai bàn.
|
Đoàn Văn Hậu đã tỏa sáng đúng lúc, đúng nơi - Ảnh: Đức Đồng |
Cũng đêm qua, Đỗ Hùng Dũng - tiền vệ điều tiết lối chơi của toàn đội trong toàn giải - đã lên tiếng bằng pha sút chìm tinh tế nâng tỷ số lên 2-0 ở phút 59. Trước đó, chính Dũng là người đá phạt giúp Văn hậu mở tỷ số trận đấu. Những người chơi hay từ đầu giải đã tỏa sáng rực rỡ trong trận chung kết để mang về tấm huy chương vàng quý giá tiếp theo tấm huy chương vàng mà các đồng nghiệp nữ Việt Nam đã làm được trước đó hai ngày.
Nhưng, trong trận cầu đêm qua, không chỉ những người ghi bàn mới tỏa sáng. Tiền đạo Tiến Linh với pha bỏ bóng để Hùng Dũng ghi bàn, và trước đó là pha tạt bóng “tỏa sáng” của Đức Chiến từ cánh phải để bóng vừa chân Hùng Dũng. Trọng Hoàng vẫn miệt mài và sung sức, có nhiều pha đoạt bóng khôn ngoan, bọc lót kịp thời và đánh chặn tinh tế. Hà Đức Chinh với những pha lên bóng thần tốc và có một pha solo ngẫu hứng suýt thành bàn ở phút 15. Tấn Sinh, Văn Toản, Tấn tài, Hoàng Đức… đều đã làm tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng làm nên “chiến thắng lịch sử”.
Một đêm đáng nhớ
Buổi sáng sớm, trên Facebook, nhiều người đã hẹn nhau đàn đúm xem bóng đá chung, cũng nhiều người hẹn nhau “đi bão”. Tôi vào cơ quan, thấy chiếc ti vi được bày sẵn ở sảnh lầu 4. Bà sếp là người mê bóng đá và mê đội tuyển Việt Nam. Bà đã từng nhiều lần hy vọng và thất vọng với bóng đá Việt Nam, nhưng các đội bóng dưới thời ông Park Hang-seo khiến bà bớt dần thất vọng. Xem giữa chừng, bà phải vào làm việc gấp, nghe hét “vào”, bà lại bật cửa chạy ra. Đêm qua, gương mặt bà rạng rỡ hơn mọi ngày.
Cũng đêm qua, bình luận viên Tạ Biên Cương mấy lần lạc giọng hét “và... à... à... o... o... o”. Anh còn có những câu bình luận cảm xúc: “Phút 70 rồi, anh Khuê ơi!”. Thậm chí, anh còn nói: “Văn Hậu sinh ra để ghi bàn trong trận chung kết”. Nhưng có lẽ, mọi người sẽ bật cười làm đồng minh của anh, thậm chí khen “anh này duyên phết”. Bóng đá là vậy, kết nối cảm xúc.
Huấn luyện viên bị thẻ đỏ. Trong nhiều trận cầu trước đó, ông Park Hang seo đã từng nhận thẻ vàng vì nhiều lần ra đường biên hò hét, hoặc có phản ứng thái quá với trọng tài khi cầu thủ của mình bị phạm lỗi. Vẫn là ông Park với cái đầu hói, môi mím hình nửa vòng tròn rất Hàn, gương mặt có phần cau có, liên tục xua tay. Tấm thẻ đỏ đêm qua có lẽ chỉ là cái gì đó tô điểm thêm cho niềm vui chiến thắng của ông và các tuyển thủ cũng như hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt.
|
Niềm vui của các cổ động viên nơi quê nhà - Ảnh: Minh Thanh |
Tôi còn nhớ, đêm 15/12/2018, khi tuyển Việt Nam đoạt huy chương vàng AFF Cup sau 10 năm chờ đợi, tôi đã bị kẹt xe 2 giờ cho quãng đường 2km. Bấy giờ, từ đường lớn Quang Trung kẹt cứng, tôi luồn lách để thoát vào hẻm nhỏ với hy vọng sẽ lách được về nhà, nào ngờ bị dính cứng ngay trong hẻm. Ấy là chuyện ăn mừng cho 10 năm chờ đợi, còn đêm qua là 60 năm. Nên kẹt xe là phải. Kẹt trong niềm sung sướng. Ấy mới thật là đáng nhớ chứ.
Bóng đá chỉ là môn chơi. Bóng đá không thể thay thế những chuyện hệ trọng. Chiến thắng trong bóng đá không thể khỏa lấp những cái dở ở nhiều lĩnh vực khác. Nhưng bóng đá đem lại những khoảnh khắc diệu kỳ. Mà khoảnh khắc diệu kỳ đó đã đến!
Ngọc Hồ