Đã có không ít thí sinh lựa chọn sai lầm do thiếu thông tin. Từ ngày 20/3, Báo Phụ Nữ mở chuyên mục Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2013 với chủ đề “Cùng con mở cửa tương lai” nhằm định hướng nghề nghiệp cho người học đặt trong tương quan với nhu cầu nhân lực của xã hội; lưu ý những sai lầm khi chọn nghề; tư vấn trắc nghiệm giúp thí sinh nhận biết mình phù hợp với ngành nghề nào; học ĐH hay học nghề yêu thích…
Thí sinh và phụ huynh có thể gửi những thắc mắc về hộp thư tuyensinhbaophunu@gmail.com. để được các chuyên gia “gỡ rối” trên Phụ Nữ Online.
Thị trường lao động tại Việt Nam đang tồn tại nghịch lý: nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm nhưng cũng có không ít doanh nghiệp không tuyển được lao động. Vì sao lại có chuyện trái khoáy này? Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh (HS) chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% HS có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề nghiệp bản thân chọn học.
Năng lực và đam mê làm nên kỳ tích
Hàng năm, cả nước có hơn một triệu HS rời ghế nhà trường phổ thông để “chen chân” vào các trường ĐH-CĐ, nhưng chỉ có khoảng 400.000 HS đạt được nguyện vọng, khoảng 370.000 HS học tại các trường dạy nghề. Hơn 1/3 HS chấp nhận “chờ” kỳ thi năm sau chứ không học nghề. Chính công tác hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến thực trạng HS không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt ĐH đã “chọn đại” một ngành, trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.
Theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% HS bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. Vì vậy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong ba tháng; 50% thất nghiệp trong sáu tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm.
Thị trường lao động rất cần nguồn nhân lực giỏi nghề là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ; công nhân kỹ thuật lành nghề. Xã hội đã chứng minh có nhiều người thành đạt lớn khởi nghiệp từ học nghề. Nhưng thực tế, các HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do như việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề. Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội.
Những ngành “khát” nhân lực
Theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, TP.HCM ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho chín ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và CNTT, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm). Thống kê của Bộ Giáo dục - đào tạo cũng cho thấy ba năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Cả nước cũng có tới 60% các trường ĐH có đào tạo các ngành thuộc khối tài chính, kinh tế, ngân hàng. Năm 2012, thí sinh tiếp tục đổ dồn vào khối ngành kinh tế. Nhiều trường THPT chỉ có vài thí sinh đăng ký thi vào các ngành xã hội; khối ngành kỹ thuật thí sinh cũng không đáp ứng so nhu cầu. Nghịch lý hiện nay là các ngành xã hội và kỹ thuật được thí sinh đăng ký rất ít so với ngành kinh tế, trong khi đây là những ngành đang “khát” nhân lực.
Những nghề hiện nay đang cần và sắp tới vẫn thiếu nhiều là: công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm, hàn công nghệ cao, thiết kế đồ họa, tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính, công nghệ ô tô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài... ), nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ...
Lập công thức chọn nghề để thành công
Nên chọn ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hay phù hợp với bản thân là câu hỏi mà hầu hết HS rất quan tâm. Để chọn ngành học, HS cần tự xác định theo bốn bước: thứ nhất, có thể chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích; sau đó xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là sức học của mình như thế nào; cuối cùng là xem nhu cầu xã hội.
Chọn ngành học rồi chọn trường học. HS cần biết năng lực, kiến thức bản thân, công việc quan tâm, khả năng kinh tế gia đình để xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo.
Nếu cảm thấy “nghi ngờ” khả năng lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, HS nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ SV-HS, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, việc tư vấn thị trường lao động chỉ nên tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến.
Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp với bản thân, theo các chuyên gia hướng nghiệp, HS phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình, hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau:
1. Trong cuộc sống, những công việc nào mình thích làm nhất?
2. Mình thường làm những công việc nào tốt hơn người khác?
Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì. Sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.
ThS Trần Anh Tuấn
(Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)