60% dân số thế giới sẽ nhiễm virus corona: Khó có thể xảy ra!

11/02/2020 - 19:36

PNO - Chuyên gia y tế hàng đầu Hồng Kông cảnh báo về khả năng lây lan cao của 2019-nCoV. Dù vậy, việc virus lây nhiễm đến 60% dân số là khó khả thi.

Giáo sư Gabriel Leung, Chủ tịch Ủy ban Y tế công cộng đặc khu Hồng Kông nói với tờ The Guardian trong chuyến thăm London rằng: ưu tiên hiện nay là xác định "kích thước" và "hình dạng" của '"tảng băng dịch bệnh" khi những ca nhiễm trên khắp thế giới dường như chỉ là phần nổi của tảng băng.

Giáo sư Leung phát biểu trong cuộc họp báo ở Hồng Kông vào tháng 1/2020.
Giáo sư Leung phát biểu trong cuộc họp báo ở Hồng Kông vào tháng 1/2020.

Hầu hết các chuyên gia trên thế giới tin rằng mỗi người nhiễm bệnh trung bình tiếp tục truyền virus cho khoảng 2,5 người, với 'tỷ lệ tấn công' từ 60% đến 80%. Thế nhưng tỷ lệ tử vong được cho là thấp hơn nhiều.

Do đó khi trả lời câu hỏi "Liệu 60% - 80% dân số thế giới sẽ bị nhiễm bệnh?", Giáo sư Leung nhận xét: “Điều đó khó có thể xảy ra. Có khả năng virus này sẽ xuất hiện theo từng đợt và giảm bớt nguy cơ gây tử vong. Bởi vì chắc chắn sẽ vô nghĩa nếu virus giết chết tất cả mọi người trên đường đi, và từ đó nó cũng chết theo”.

Hiện có hơn 43.000 trường hợp được báo cáo trên thế giới cho đến nay, với hơn 1.000 trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước chia sẻ các mẫu virus và tăng tốc nghiên cứu về thuốc và vắc-xin.

Phát biểu tại cuộc họp hai ngày ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 11/2, trước sự hiện diện của hơn 400 nhà nghiên cứu và chính quyền quốc gia, bao gồm cả một số người tham gia qua video từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan, ông Ghebreyesus nói: "Với 99% trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc, đây là một trường hợp khẩn cấp đối với quốc gia, và là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới".

Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nhận định nhiều quốc gia khác có thể ít có khả năng chống lại virus so với Trung Quốc.
Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nhận định nhiều quốc gia khác có thể ít có khả năng chống lại virus so với Trung Quốc


Tại Trung Quốc, một số thành phố đã cấm bán thuốc hạ sốt và thuốc ho để buộc những người không khỏe đến điều trị tại bệnh viện, nơi họ có thể được xét nghiệm 2019-nCoV.

Thành phố Hàng Châu tuyên bố vào ngày 7/2 rằng tất cả các hiệu thuốc bán lẻ ở thành phố phía đông Trung Quốc sẽ không được phép bán 106 loại thuốc điều trị sốt và ho, yêu cầu có hiệu lực từ ngày 8/2. Danh sách này bao gồm cả các loại thuốc Tây và thuốc y học truyền thống, đặc biệt là những loại có chứa codeine, ibuprofen và aspirin.

Chính quyền một số thành phố đang kiểm soát chặt nguồn cung cấp thuốc trong cộng đồng để buộc người bệnh đến khám tại cơ sở y tế.
Chính quyền một số thành phố đang kiểm soát chặt nguồn cung cấp thuốc trong cộng đồng để buộc người bệnh đến khám tại cơ sở y tế.

Lệnh cấm cũng mở rộng ra các nền tảng trực tuyến, chẳng hạn như AliHealth Pharmacy, một đơn vị của công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba Group Holding.

Kể từ tháng 1/2020, một số tỉnh đã bắt đầu yêu cầu các nhà thuốc ghi lại danh tính, chi tiết liên lạc và nhiệt độ cơ thể của khách hàng mua thuốc trị sốt hoặc ho.

Theo trang tin tức Time Finance tại Trung Quốc, ngoài Hàng Châu, thành phố Ninh Ba - cũng thuộc tỉnh Chiết Giang - và Sanya ở phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc, cũng như các thành phố như Kim Hoa ở Chiết Giang và Hải Khẩu ở Hải Nam, cũng đã công bố các lệnh cấm tương tự về thuốc hạ sốt và ho.

Linh La (Theo Straits Times, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI