60,49% phụ huynh trẻ mầm non đồng ý cho con tiêm vắc xin COVID-19

17/03/2022 - 17:31

PNO - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết phụ huynh trẻ khối mầm non đồng thuận cho trẻ tiêm ngừa thấp hơn khối tiểu học và lớp 6.

 

Ngành giáo dục đang nỗ lực để phụ huynh yên tâm đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin
Ngành giáo dục đang nỗ lực để phụ huynh yên tâm đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin

Chiều 17/3, tại cuộc họp báo thông tin về phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, qua khảo sát, tổng kết từ báo cáo của các cơ sở giáo dục, hiện tại số lượng phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ở khối mầm non còn thấp so với khối tiểu học và THCS.

Cụ thể, 60,49% phụ huynh của trẻ mầm non đồng thuận cho trẻ tiêm ngừa; trẻ thuộc cấp tiểu học, có 81,19% phụ huynh đồng thuận và ở cấp THCS (trẻ khối lớp 6), số lượng phụ huynh đồng thuận cho con em mình tiêm vắc xin là 87,68%.

Trước tình trạng đồng thuận của phụ huynh của các bé còn thấp, ngành giáo dục yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về tác dụng, lợi ích, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cũng như tư vấn các thắc mắc để phụ huynh yên tâm cho con em mình tiêm ngừa.

Về công tác chuẩn bị tiêm ngừa cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 11 tuổi, ông Trọng cho hay ngành giáo dục và ngành y tế đã chủ động trong các chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục lập danh sách trẻ em trong độ tuổi, hướng dẫn tập huấn tiêm ngừa, cấp cứu, cấp tài khoản điểm tiêm cho các cơ sở giáo dục…

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang nhập thông tin của trẻ lên hệ thống tiêm chủng COVID-19 theo tài khoản Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và cập nhật thông tin trẻ. Ngành giáo dục cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để tiêm chủng ngay khi có quyết định cho trẻ tiêm ngừa của TPHCM.

Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, tiêm ngừa vắc xin để bảo vệ cho trẻ trước dịch bệnh. Với những trẻ không được tiêm ngừa, nhà trường cũng phải có phương án hỗ trợ về giảng dạy để trẻ có thể tiếp tục quyền lợi học tập, bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, ngành giáo dục nỗ lực hết mình để tăng sự đồng thuận của phụ huynh cho trẻ tiêm ngừa.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - thông tin thêm, ở giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, TPHCM đã từng có chiến dịch 200.000 - 300.000 mũi tiêm/ngày, ngành y tế đã thực hiện khá tốt. 

“Vì vậy, tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi trong tầm tay của ngành y tế, Sở Y tế đang chờ tổng kết số lượng của trẻ để tổ chức các buổi tiêm. Tuy nhiên, đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là trẻ em, chúng ta phải chuẩn bị cực kỳ kỹ, kỹ từ khâu khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm cũng như tư vấn hướng xử lý cho các mẹ theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết. 

Về chiến dịch bảo vệ người nguy cơ, bà Mai thông tin, ngày 8/3, UBND TPHCM triển khai chiến dịch đợt cao điểm để bảo vệ người nguy cơ, chiến dịch này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/3/2022. Tính tới 15g ngày 16/3, 22 quận huyện và TP. Thủ Đức đã lập danh sách đưa vào quản lý 213.773 người nguy cơ cao (người trên 65 tuổi và người có bệnh nền). Qua đó, các địa phương triển khai xét nghiệm tầm soát COVID-19 102.153 người, kết quả phát hiện 1.253 người dương tính, tất cả bệnh nhân đã được xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Trước thông tin thuốc hậu COVID-19 bán đại trà trên mạng, những hình thức rao bán thuốc, hay những nơi bán chưa được cấp phép là không hợp pháp. Sở Y tế TP đã hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện những khoa lâm sàng khám hậu COVID-19. Vì vậy, người bệnh tại TPHCM hay các tỉnh đều có thể đến khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và có hướng điều trị. 

“Bệnh nhân tuyệt đối không tự điều trị, tự mua thuốc theo bản thân chẩn đoán mà không qua thăm khám hay mua bán thuốc không được phép lưu hành hay chưa kiểm duyệt thì rất nguy hiểm”, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI