Dưới đây là 6 xu hướng tiêu dùng của năm 2024, do Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor khảo sát.
Chatbot và trợ ký kỹ thuật số AI
Có lẽ bạn sẽ không ngạc nhiên khi trí tuệ nhân tạo (AI) nằm trong danh sách xu hướng tiêu dùng. Sau khi ra mắt, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng trong vòng 2 tháng, trở thành một trong những ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Theo Euromonitor, ChatGPT thân thiện, dễ tiếp cận, cho phép người dùng nhanh chóng nắm bắt các thông tin cơ bản.
|
Nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm triển khai AI trong chatbot và trợ lý giọng nói hỗ trợ tư vấn bán hàng |
Không chỉ người dùng đang thử nghiệm các công nghệ mới, các công ty cũng tích cực thử nghiệm và làm quen với nó. Nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm triển khai AI trong chatbot và trợ lý giọng nói hỗ trợ tư vấn bán hàng. Điều này mang lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn, miễn là các công cụ được sử dụng hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh chiến lược tiếp cận thị trường, sáng tạo nội dung cũng như tổng hợp dữ liệu người dùng để thúc đẩy phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, nó có thể mang lại trải nghiệm mua sắm tốt và dễ chịu bằng cách để trợ lý ảo trả lời các câu hỏi của người mua hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Chẳng hạn, khi cần mua một món trang sức tặng người thân vào dịp đặc biệt, bạn chỉ cần chat vào cửa sổ bán hàng của thương hiệu, trợ lý ảo sẽ trả lời mọi thắc mắc của bạn bất kể giờ giấc, từ giá cả, cửa hàng bạn có thể đến xem hoặc thử hàng cũng như các chương trình ưu đãi, thay vì chờ nhân viên tư vấn như trước đây. Người tiêu dùng thực sự chờ đợi điều này. Báo cáo cho thấy hơn 40% người dùng muốn nhận các đề xuất được cá nhân hóa thông qua trợ lý giọng nói. Chưa kể, doanh nghiệp thì tiết kiệm một khoản tiền đáng kể so với dùng nhân viên
tư vấn.
Mang đến trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc khi mua sắm
Khái niệm này đã được rất nhiều cửa hàng áp dụng. Khi cuộc phục hồi chớp nhoáng sau dịch qua đi, bất ổn kinh tế, chính trị, thảm họa thiên nhiên… ập đến, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu nhất có thể. Do đó, những niềm vui nho nhỏ từ trải nghiệm mua sắm thường mang đến cho khách hàng sự hài lòng, hạnh phúc.
|
Một bất ngờ nhỏ hoặc những hành động chăm sóc nho nhỏ cũng có thể mang đến niềm vui cho khách hàng |
Theo Euromonitor, một bất ngờ nhỏ hoặc những hành động chăm sóc nho nhỏ cũng có thể mang đến niềm vui cho khách hàng. Song song đó, người tiêu dùng cũng tìm kiếm những sản phẩm tạo ra sự hài lòng. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tạo ra bầu không khí vui vẻ nhẹ nhàng đối với các email xác nhận đơn hàng. Tiếp thị cảm xúc đóng vai trò lớn trong xu hướng này. Điều đó khiến khách hàng có cảm giác tích cực với thương hiệu. Trải nghiệm thương hiệu tương tác cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu tổ chức sự kiện, hãy đảm bảo kết hợp công nghệ, kể chuyện thương hiệu và yếu tố giải trí. “Điều này vừa truyền tải tinh thần thương hiệu vừa mang đến sự giải trí cho người tiêu dùng” - đại diện Euromonitor khẳng định.
Minh bạch thông tin bền vững
Người tiêu dùng đang trở nên khó tính hơn khi ngày càng ưu tiên chọn lựa những thương hiệu theo đuổi sản xuất xanh và bền vững. Các chiêu trò tẩy xanh đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đang được quan tâm hàng đầu. Con đường sản xuất xanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn nhưng chắc chắn rất đáng để theo đuổi vì đây gần như là sự lựa chọn tất yếu. Chia sẻ những thông điệp, bằng chứng cụ thể về thực tiễn kinh doanh cũng như minh bạch các thông số bền vững, những tác động tích cực đến môi trường là điều các doanh nghiệp nên làm.
Nếu sản phẩm của công ty bạn được làm từ vật liệu tái chế, hãy ghi trên bao bì lượng rác thải đã tiết kiệm được trong quá trình sản xuất. Bằng cách này, người tiêu dùng sẽ tin tưởng sản phẩm hơn và ý thức rõ hành vi mua hàng tạo ra sự khác biệt như thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp khác tích cực chuyển đổi xanh.
|
Chia sẻ những thông điệp, bằng chứng cụ thể về thực tiễn kinh doanh cũng như minh bạch các thông số bền vững, những tác động tích cực đến môi trường là điều các doanh nghiệp nên làm |
Cuối cùng, một trong những thách thức lớn nhất của các sản phẩm bền vững chính là giá cả. Do đó, việc thúc đẩy nhiều doanh nghiệp theo đuổi sản xuất xanh sẽ tạo ra biến chuyển tích cực về giá, từ đó hấp dẫn người dùng hơn.
Đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu
Người tiêu dùng đánh giá cao những thương hiệu phù hợp với giá trị của họ. Suy cho cùng, việc mua hàng phản ánh lý do họ quan tâm hoặc họ muốn trông như thế nào. Do đó, trách nhiệm xã hội, các sáng kiến bền vững có thể tác động tích cực đến người tiêu dùng và thúc đẩy chi tiêu. Tuy nhiên, với tình trạng bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Người tiêu dùng sẵn sàng tránh xa những thương hiệu quảng bá mang tính đảng phái, kỳ thị chủng tộc hoặc phụ nữ. Do đó, điểm cốt lõi là phải củng cố lòng trung thành của khách hàng. Thay vì chạy theo những chiến dịch truyền thông hào nhoáng và sáo rỗng, hãy lùi lại tìm hiểu các vấn đề gút mắc quan trọng khách hàng gặp phải và giải quyết, tìm kiếm, lắng nghe các nhóm khách hàng tập trung để có giải pháp khắc phục tốt nhất.
Với nhóm khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể dùng các công cụ “lắng nghe” mạng xã hội để xác định mối quan tâm của người dùng. Những điều này nên thực hiện trên tinh thần của thương hiệu. Đừng quên rằng một món hàng dù tốt đến mấy, một doanh nghiệp dù nỗ lực đến đâu cũng không thể làm hài lòng tất cả khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần trang bị các kỹ năng giải quyết rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả xung đột về văn hóa hay ngôi sao đại diện bỗng vướng phải ồn ào vì đời tư.
Tiết kiệm cho người dùng
Chi phí gia tăng, thất nghiệp kéo dài, kinh tế lao dốc buộc người tiêu dùng phải sắp xếp lại chi tiêu và ưu tiên những mặt hàng thiết yếu. Họ cũng ưu tiên chọn những món đồ có giá rẻ hơn. Thói quen tiết kiệm sẽ tiếp tục kéo dài ngay cả khi lạm phát giảm bớt vì một “tương lai không chắc chắn”.
Các doanh nghiệp, công ty cung cấp các gói mua hàng ưu đãi, tiết kiệm sẽ được chọn nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng thay vì chi tiền cho quảng cáo, giờ đây sẽ cân đối lại để tập trung vào giá trị sản phẩm, mang lại nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng qua chính sách giá, chất lượng sản phẩm. Quảng cáo, tiếp thị không thể thiếu nhưng sẽ được chọn lọc thông tin có giá trị, phù hợp hơn với từng đối tượng khác hàng. Và quan trọng hơn là cách truyền tải thông điệp, giá trị đó đến khách hàng.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và tâm thần
Người tiêu dùng luôn muốn trông khỏe hơn, đẹp hơn, thậm chí… hoàn hảo. Trước đây, người tiêu dùng ưa chuộng các giải pháp dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với lối sống ít tốn thời gian và công sức. Bây giờ, họ đang nói lời tạm biệt với kiểu lựa chọn này, thay vào đó là cách tiếp cận thực tế hơn, cá nhân hóa. Báo cáo cho biết người tiêu dùng muốn có sự cải thiện rõ ràng trong các sản phẩm được mua. Trong hành vi mua sắm, điều này có nghĩa là những công ty chọn các giải pháp bán hàng thân thiện, hiệu quả với người dùng, nghĩ đến lợi ích và sức khỏe của khách hàng sẽ chiếm ưu thế.
Chẳng hạn, các công ty bán mùi hương đang chú ý đến tác dụng trị liệu của mùi hương trong nhà, thay vì chỉ thư giãn như trước đây. Trong khi đó, các sản phẩm chăn drap gối nệm không chỉ mang đến sự thoải mái, êm ái từ chất liệu mà còn đóng vai trò hỗ trợ ngủ ngon, các thiết kế định hình giúp hỗ trợ tư thế nằm, hạn chế lệch đốt sống.
Nhã Ca - Nguồn ảnh: Internet