Phóng viên: Qua một thời gian thực hiện Nghị quyết 98, giao thông TPHCM đã có những bước chuyển khả quan nào, thưa ông?
Ông Lương Minh Phúc: Trong Nghị quyết 98, có 5 nội dung liên quan đến giao thông, đó là cho phép thực hiện dự án bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên tuyến đường hiện hữu; cho phép làm dự án bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả tiền chậm; giao đất thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án BT đổi đất lấy hạ tầng trước đây; cho phép dùng ngân sách thực hiện các dự án giao thông vùng, liên vùng; cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Dựa trên 5 nội dung đó, chính quyền TPHCM đang triển khai hàng chục đầu việc. Bên cạnh 5 dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, HĐND TPHCM cũng thông qua nghị quyết cho phép kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (quan hệ đối tác công - tư) đối với các dự án giao thông trọng điểm như xây cầu Cần Giờ, xây cầu Thủ Thiêm 4, xây 2 tuyến đường trên cao và nhiều dự án khác.
|
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM |
Hiện nay, UBND TPHCM đang điều chỉnh quy hoạch giao thông. Chúng tôi sẽ đề xuất bổ sung các dự án đường trên cao vào quy hoạch, trong đó có các trục đường nối với các trung tâm mới theo định hướng phát triển đa trung tâm của HĐND và UBND thành phố. Các dự án này có thể mời gọi đầu tư theo PPP để giảm tải cho ngân sách. Với cơ chế mới, HĐND TPHCM cũng đã nhất trí bố trí một phần vốn ngân sách để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án xây đường cao tốc liên vùng TPHCM - Mộc Bài.
* Ông đánh giá thế nào về cơ hội huy động nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông từ Nghị quyết 98?
- Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM đến năm 2030, thành phố cần khoảng 980.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn cho giao thông hiện có chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu và đáp ứng khoảng 48 - 50% nếu huy động toàn bộ nguồn vốn trung ương, địa phương, ODA (vốn hỗ trợ phát triển của nước ngoài).
Các cơ chế mới từ Nghị quyết 98 giúp chính quyền TPHCM huy động 50% vốn còn thiếu đó, trong đó có mô hình TOD. Thời gian qua, các tổ công tác đã rà soát, thống kê các khu đất tiềm năng, điều kiện để áp dụng TOD dọc các tuyến metro 1, 2. Nếu làm tốt, dự án làm đường Vành Đai 3 cũng sẽ “đẻ ra tiền”. Qua rà soát ban đầu, quỹ đất quanh đường Vành Đai 3 qua TPHCM là hơn 2.400ha, trong đó có khoảng 500ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý, có thể bán đấu giá để thu về gần 27.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có gần 1.900ha người dân đang có quyền sử dụng, nếu rà soát, thu hồi, bồi thường và điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu giá thì sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
* Theo ông, bộ máy chính quyền TPHCM gặp những thách thức nào khi muốn thực hiện hiệu quả cơ chế từ Nghị quyết 98?
- Cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Đối với ngành giao thông, tôi nghĩ có 6 thách thức phải vượt qua. Thứ nhất là trình tự thủ tục, nhất là đối với TOD - mô hình hoàn toàn mới. Hiện các sở, ban, ngành đang tham mưu quy trình thực hiện TOD gồm 7 bước để có thể chuyển các khu đất từ dạng tiềm năng thành nguồn lực. Làm sao để quy trình này phù hợp quy định, chặt chẽ, khoa học, khả thi, đó là một thách thức. Thứ hai là về quy hoạch. UBND TPHCM đang cố gắng hoàn chỉnh quy hoạch chung vào cuối năm nay, trong đó có quy hoạch về giao thông, quy hoạch phân khu theo mô hình TOD. Công đoạn này cũng phải làm thật tốt để đảm bảo cơ sở pháp lý của các khu đất tiềm năng.
Thứ ba là bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chúng ta đã có kinh nghiệm tốt từ dự án làm đường Vành Đai 3, đó là tách bồi thường hỗ trợ tái định cư thành một dự án độc lập. Phải hài hòa lợi ích của người dân trong quá trình giải tỏa. Có thể học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là cho dân tái định cư tại chỗ, hoặc người dân được tham gia các dự án tương lai với vai trò thành viên hội đồng quản trị. Cần cân nhắc giải pháp để người dân được đặt vào vị trí trung tâm, từ đó tạo sự đồng thuận.
Thứ tư là, khi xây dựng các dự án có thu hút vốn tư nhân theo hình thức PPP, thách thức lớn nhất là phải có phương án hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Theo quy định trước đây, trong các dự án PPP, vốn nhà nước không được quá 50%, còn theo Nghị quyết 98, tỉ lệ vốn nhà nước có thể lên đến 70%. Tùy từng dự án, nếu tỉ lệ vốn nhà nước tăng lên thì thời gian thu phí ngắn lại nên sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Thứ năm là về con người. Cơ chế mới với những điều chưa có tiền lệ đòi hỏi con người cũng phải “dám nghĩ dám làm”, đột phá thực sự. Vừa qua, việc triển khai dự án làm đường Vành Đai 3 đạt nhiều kết quả đột phá, cần nhân rộng cách làm này cho các dự án và cho mỗi cán bộ.
Cuối cùng là cần sự truyền thông sâu rộng đến mọi tầng lớp người dân, doanh nghiệp để ủng hộ các cơ chế, cách làm hiệu quả của chính quyền thành phố. Đây là 6 thách thức mà chúng ta phải vượt qua để sớm có những “trái ngọt” từ Nghị quyết 98, đưa những công trình hạ tầng vào hoạt động nhanh nhất, chất lượng nhất.
* Xin cảm ơn ông.
Minh Linh (thực hiện)