Họ là những thành viên của các cộng đồng Những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leaders - YGS) và Những nhà kiến tạo thế giới (Global Shapers - GS) với nhiều sáng kiến và đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phát triển hệ thống thực phẩm bền vững, đấu tranh vì sức khỏe tinh thần ở các nước đang phát triển, ngăn chặn dịch bệnh ở các cộng đồng dễ bị tổn thương đến nâng cao nhận thức về tác động của lối sống chạy theo thời trang…
Tiến sĩ Neema Kaseje, Bác sĩ phẫu thuật của tổ chức Médecins Sans Frontiéres (MSF), nhà sáng lập của Tổ chức Nghiên cứu các hệ thống phẫu thuật, thành viên của YGL
|
Tiến sĩ Neema Kaseje |
Với học vị và nghề nghiệp của mình, Tiến sĩ - bác sĩ Kaseje hoàn toàn có thể có được những công việc tốt với thu nhập cao. Nhưng cô đã chọn đến các trận tuyến ở Siaya, Kenya để theo đuổi sứ mệnh ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và tạo ra các cơ hội cho giới trẻ ở vùng này. Giữa tâm dịch, Tiến sĩ Dr Kaseje nhận thấy rằng cần phải đào tạo đầy đủ và nâng cao năng lực cho các bệnh viện cũng như đội ngũ nhân viên y tế để rút ngắn khoảng cách giữa Kenya với các nước khác trên thế giới về khả năng kiểm soát bệnh dịch.
Tổ chức của cô đã huấn luyện cho 1.300 nhân viên chăm sóc sức khỏe, trang bị họ đầy đủ kiến thức để có thể hỗ trợ tốt hơn những bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng hoặc thuộc thành phần yếu thế.
Nhận thấy số trường hợp trẻ vị thành niên nữ mang thai tăng mạnh, Kaseje đã xây dựng một chương trình hướng dẫn và tư vấn, tiếp cận với 800 cô gái trẻ và giúp các em nhận diện các cơ hội cho mình, đồng thời cung cấp cho các em những sản phẩm vệ sinh cần thiết. Đến nay, 99% nữ sinh ở Siaya đã trở lại trường học và trong số 400 em được Tiến sĩ Kaseje khám sức khỏe, không có em nào mang thai.
Laksmi Lagares, Thành viên sáng lập của GS, Trung tâm Oakland, Giám đốc Phát triển của A Better Way
|
Laksmi Lagares |
Sinh ra và lớn lên ở vùng Đông Oakland, California, Laksmi Lagares nhận thấy ý nghĩa trong việc giúp mọi người nhận ra năng lực, cơ hội cho mình dù đang ở trong hoàn cảnh nào hay gặp những rào cản gì. Laksmi đã từng có một tuổi thơ khó khăn khi cả bố và anh trai đều bị sát hại bởi các băng nhóm bạo lực.
Khi sống trong nhà tình thương, Laksmi cũng đã chứng kiến nhiều trẻ em phải chịu đựng sự bất công và thiếu cơ hội. Dấn thân vào các hoạt động vì cộng đồng từ lúc còn khá trẻ, Laksi, hiện là một bà mẹ đơn thân, mong muốn dành cuộc đời của mình để phục vụ những người bị yếu thế bằng sự đồng cảm và chính trực.
Laksmi cũng là Giám đốc Phát triển của A Better Way, một tổ chức giúp các gia đình và trẻ em có những hiểu biết và kỹ năng để có đời sống kinh tế và xã hội vững chắc cũng như một tương lai tốt đẹp.
Tiến sĩ Gunhild Stordalen, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của EAT Foundation, thành viên của YGL
|
Tiến sĩ Gunhild Stordalen |
Gunhild Stordalen là một bác sĩ người Na Uy và cũng là một nhà hoạt động vì môi trường với sứ mệnh chuyển đổi các hệ thống thực phẩm toàn cầu. Năm 2020, cô được Liên Hiệp Quốc (LHQ) bầu vào vị trí đứng đầu Hội nghị Thượng đỉnh về các hệ thống thực phẩm của LHQ năm 2021, với vai trò đi tìm các giải pháp để chuyển đổi sang các mô hình tiêu dùng bền vững.
Thịt động vật, nhất là thịt đỏ, là một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Gunhild và tổ chức EAT của cô đang nỗ lực thay đổi cách ăn uống của con người cũng như tìm ra các giải pháp xử lý chất thải từ thực phẩm. Trước đây, Gunhild cũng đã đăng một báo cáo trên tuần san của EAT (EAT-Lancet) và đưa ra một luận điểm đơn giản, đó là chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm giàu dinh dưỡng cho một cộng đồng dân số đang tăng nhanh nhưng đồng thời vẫn bảo vệ được hành tinh.
Bibi La Luz Gonzalez, thành viên của GS, Trung tâm thành phố Guatemala, Nhà sáng lập/Giám đốc của tổ chức Eat Better Wa’ik
|
Bibi La Luz Gonzalez |
Bibi La Luz Gonzalez đấu tranh cho các vấn đề an ninh lương thực, môi trường bền vững và nhân quyền. Năm 2020, cùng với Eat Better Wa’ik, Bibi đã được vinh danh là những “người hùng chống dịch COVID-19” cho Guatemala vì đã cung cấp thực phẩn dinh dưỡng và an toàn cho tất cả cộng đồng, từ thành thị đến nông thôn của nước này. Chiến dịch của Eat Better Wa’ik đã hỗ trợ các trang trại có quy mô vừa và nhỏ mang tính gia đình và góp phần giảm lượng chất thải nhựa và chất thải từ thực phẩm.
Eat Better Wa’ik cũng tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực phẩm an toàn và làm giảm tình trạng suy dinh dưỡng thông qua các chương trình đào tạo và khởi nghiệp. Trong năm 2020, số lượng nhân sự của tổ chức đã tăng lên 6 lần. Hiện, Eat Better Wa’ik đang xây dựng một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường và nhân quyền. Thông qua các chương trình đào tạo và hội thảo, tổ chức này đã tiếp cận hơn 8.000 sinh viên ở Trung và Bắc Mỹ, khuyến khích các trường học tổ chức các bữa ăn an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường hơn.
Tiến sĩ Anjhula Mya Sing Bais, Giám đốc tổ chức Amnesty International, thành viên của YGL
|
Tiến sĩ Anjhula Mya Sing Bais |
Tiến sĩ Anjhula Mya Singh Bais là một chuyên gia sang chấn tâm lý quốc tế. Trước khi Tổ chức Y tế thế giới xác nhận COVID-19 là một đại dịch, Tiến sĩ Bais đã có nhiều nỗ lực cung cấp các chất liệu tâm lý xã hội ảo để giúp con người thích nghi với những giai đoạn khó khăn tương tự như COVID-19. Khi dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến tình trạng phong tỏa nhiều nơi trên thế giới, Tiến sĩ Bais tiếp tục đưa ra các thực tiễn và công cụ tốt nhất để khắc phục tình trạng khủng hoảng sức khỏe tinh thần.
Những giải pháp như đi bộ hàng ngày, tăng cường viếng thăm các thành viên gia đình và bạn bè, chăm sóc bản thân đã giúp các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giảm bớt sự bức bối về tinh thần.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Bais còn mua hơn 1.200 bộ thiết bị bảo vệ cá nhân và 5 máy thông gió để tặng cho các bệnh viện nông thôn ở Indonesia, tổ chức các khóa học vật lý trị liệu miễn phí cho các nhân viên y tế tuyến trên ở Malaysia.
Raashi Saxena, thành viên của GS, Trung tâm Bangalore, nhà tư vấn của Gapminder Foundation
|
Raashi Saxena |
Raashi Saxena là một nhà vận động cho đổi mới xã hội và xây dựng cộng đồng, hoạt động tích cực trong hệ sinh thái quản trị internet. Cô cũng là một trong những thành viên quản trị của Threading Change, một tổ chức quốc tế do thanh niên quản lý với mục tiêu xây dựng và khuyến khích áp dụng các thực tiễn có đạo đức và có tính bền vững trong lĩnh vực thời trang. Raashi còn là một thành viên của tổ chức Shaping Fashion và dự án M.A.S.K do cộng đồng GS quản lý.
Khi Ấn Độ thực hiện phong tỏa do tác động của dịch COVID-19, nhiều nhà máy dệt may phải đóng cửa, làm cho nhiều người lao động ở nước này bị thất nghiệp và gặp khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, hàng dệt may không bán được lại gây ra tác động tiêu cực đến các chuỗi cung ứng và môi trường. Để giảm thiểu áp lực kinh tế lên lĩnh vực dệt may của Ấn Độ, các tổ chức của Raashi đã tạo điều kiện để người lao động trong lĩnh vực này chuyển sang sản xuất khẩu trang bằng vải cotton thân thiện với môi trường. Đến nay, các tổ chức này đã sản xuất được hơn 9.000 chiếc khẩu trang và tạo việc làm cho 100 công nhân may mặc.
Nhất Nguyên (theo WEF)