edf40wrjww2tblPage:Content
Người dân lũ lượt kéo đến dự khán phiên tòa.
Hai bảo mẫu Đông Phương (trái) và Thiên Lý lúc mới bị bắt giam.
7g15, Hội trường Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức với 500 ghế đã chật kín người.
7g30, dòng người tiếp tục kéo đến. Không còn ghế, nhiều người đã ngồi bệt dưới sàn.
Đến 8g, do dòng người tiếp tục đổ về điểm xét xử càng lúc càng đông, lực lượng công an đã phải đóng cửa chính dẫn vào hội trường. Một số người không vào được đã bức xúc gây gổ với công an.
Hai bảo mẫu tại phiên tòa.
Đại diện Nhà Thiếu nhi Q.Thủ Đức đề nghị công an mờ cửa chính và các cửa phụ để người dân đỡ bức xúc, nhưng phía công an cho rằng lượng người quá đông có thể sẽ gây khó khăn cho việc xét xử, thậm chí làm ngừng phiên tòa.
Cảm nhận được "độ nóng" của phiên tòa và nỗi bức xúc của người dân, cả hai bị cáo Đông Phương và Thiên Lý đều bật khóc.
Bảo mẫu bật khóc khi ra tòa
Phiên xử bắt đầu 15 phút đã phải ngừng lại do có nhiều tiếng đập cửa rầm rầm của những người bức xúc bên ngoài hội trường.
Lực lượng bảo vệ tòa đã cho đặt 2 màn hình lớn bên ngoài hội trường để người dân tiện theo dõi.
Người dân đến dự phiên tòa đông ngoài dự kiến, ngồi bệt cả dưới sàn.
Nhiều người dùng điện thoại "tác nghiệp" tại tòa.
Người dân theo dõi phiên tòa qua màn ảnh nhỏ đặt ngoài hội trường.
Tòa triệu tập 4 bị hại nhưng chỉ có đại diện 2 cháu Nguyễn Trần Hòa (3 tuổi) và Lê Tấn Khang (2 tuổi) đến tham dự, các bị hại khác vắng mặt không có lý do.
Tại phiên tòa, đại diện các bị hại (phụ huynh các cháu bị ngược đãi tại nhà trẻ Phương Anh) yêu cầu tòa xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ của hai bảo mẫu.
Có đại diện bị hại yêu cầu bồi thường 15 triệu đồng tiền học phí, 25 triệu đồng tiền tổn thương sức khỏe và 20 triệu đồng tổn thất tinh thần cho trẻ.
Bị cáo Đông Phương xin được bồi thường mỗi cháu bị bạo hành tổng cộng 15 triệu đồng.
Chủ tọa tuyên bố khai mạc phiên tòa.
Hai bị cáo Đông Phương và Thiên Lý liên tục khóc tại tòa.
Tòa hỏi vì sao cho Thiên Lý làm bảo mẫu, bị cáo Đông Phương thưa: "Vì công việc cấp dưỡng đơn giản, số trẻ ít, nên cho Lý làm bảo mẫu và cho các bé ăn".
Tòa hỏi khi các bé không ăn thì các bị cáo làm gì, Phương đáp "bị cáo năn nỉ, dỗ các bé ăn". Tòa truy: "Khi các bé không chịu ăn thì bị cáo đã làm gì?". Bị cáo Đông Phương: "Bị cáo ôm đầu, đè nhiều lần rồi dùng chân kẹp đầu nhiều lần để bé sợ mà ăn".
"Các bé bị đánh bao nhiêu tuổi rồi?", tòa hỏi. Đông Phương cúi đầu lí nhí: "Dạ, có bé mười tháng tuổi".
"Mỗi bữa ăn, mỗi miếng cơm, mỗi muỗng sữa đầy nước mắt, bị cáo nghĩ gì?", tòa chất vấn. Phương cúi đầu: "Dạ, buồn ạ".
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lý nói: "Bị cáo không muốn làm nghề bảo mẫu vì tính cách của bị cáo không hợp với nghề, nhưng bị gia đình bắt đi học. Bị cáo làm nghề bảo mẫu cũng do gia đình ép làm".
Phần thẩm vấn kết thúc lúc 10g20.
Quang cảnh phiên tòa.
Sau phần thẩm vấn tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức đã luận tội các bị cáo và đề nghị mức án 2 - 3 năm tù giam cho các bị cáo.
Theo công tố viên, việc truy tố hai bị cáo với tội danh "hành hạ người khác" là đúng người, đúng tội. Khung hình phạt cho tội danh này là 1 - 3 năm. Xét tính chất, hành vi của các bị cáo và hậu quả xã hội do các bị cáo gây ra, Viện KSND quận đề nghị mức án trên.
Trước khi nghị án, tòa cho hai bị cáo nói lời sau cùng.
Bị cáo Đông Phương ăn năn: "Do một phút nóng giận mà bị cáo phạm tội, nhưng bị cáo tuyệt đối không lợi dụng các bé. Bị cáo xin lỗi gia đình các bé vì đã gây ra tổn thương cả thể chất lẫn tâm thần cho các bé".
Bị cáo Lý: "Bị cáo biết hành vi của minh là sai. Bị cáo xin được gửi lời xin lỗi đến gia đình các bé. Xin cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất để làm lại cuộc đời".
Hội đồng xét xử còn tuyên buộc 2 bị cáo phải bồi thường dân sự 40 triệu đồng cho gia đình bị hại (gia đình 2 cháu Nguyễn Trần Hòa, 3 tuổi và Lê Tấn Khang, 2 tuổi), mỗi gia đình 20 triệu đồng. Các đại diện bị hại khác không được bồi thường do vắng mặt không lý do, không có yêu cầu bồi thường. |
10g57', tòa tạm nghỉ để nghị án.
11g5', Hội đồng xét xử bắt đầu phần tuyên án.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, làm ảnh hưởng không chỉ thể chất mà cả tinh thần cho trẻ, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, đến đạo đức xã hội nên đã tuyên mỗi bị cáo 3 năm tù giam.
Cả hội trường đồng loạt vỗ tay, trong khi hai bị cáo òa khóc.
Hầu hết người dân dự phiên tòa tỏ ra đồng tình với mức án được tuyên. Cô Lê Thị Nguyệt nhận xét: "Tòa tuyên như vậy là đúng người, đúng tội. Tôi cũng là người làm mẹ, tôi đã choáng váng khi xem clip trên mạng. Hôm nay dự phiên tòa, cũng thấy tội nghiệp cho hai bị cáo. Nhưng những hành vi như thế này cần xử nghiêm để làm gương, để trẻ thơ được giáo dục trong môi trường đầy yêu thương".
Trong vụ án này, Viện KSND quận Thủ Đức đã truy tố Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở mầm non Phương Anh, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) về tội “hành hạ người khác” với khung hình phạt từ 1 đến 3 năm tù. Theo cáo trạng, Lê Thị Đông Phương xin phép mở cơ sở chăm sóc trẻ tại địa chỉ 18 Hiệp Bình từ tháng 8/2012 nhưng UBND phường Hiệp Bình Phước yêu cầu lên phòng giáo dục quận để được hướng dẫn cụ thể. Dù chưa được cấp phép nhưng Phương vẫn mở nhà trẻ Phương Anh và bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2012. Ngày 15/11/2012, tổ kiểm tra liên ngành phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức kiểm tra, phát hiện nhà trẻ Phương Anh giữ 9 trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên không có giấy phép hoạt động nên lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động nhưng nơi này vẫn tiếp tục hoạt động. Sau đó, phường một lần nữa kiểm tra và tiến hành xử phạt hành chính, yêu cầu ngưng ngay hoạt động giữ trẻ nhưng Phương tiếp tục phớt lờ quyết định này. Ngày 13/12/2013, Công an quận Thủ Đức nhận được đoạn clip quay được cảnh Phương và Lý hành hạ nhiều trẻ bằng hành vi tát liên tục vào mặt, dúi ngoẹo đầu, chúc ngược đầu trẻ vào thùng nước.... Ngày 17/12/2013, Công an quận Thủ Đức đã bắt tạm giam 2 bảo mẫu này. |
Ngọc Thúy - Trần Triều