6 năm kêu cứu vì bị em rể chồng bạo hành

12/11/2020 - 07:01

PNO - Ngày 8/11, chị H.T.T., ngụ phường 15, quận 10, đã đến Báo Phụ Nữ TPHCM nhờ báo lên tiếng bảo vệ.

Theo trình bày của chị T., do mâu thuẫn trong cuộc sống, nên chị thường xuyên bị Đ.V.H., là em rể của chồng mình, sống cùng nhà, chửi mắng.

Từ năm 2014, chị và vợ chồng H. đã có những mâu thuẫn phải nhờ đến công an phường can thiệp, trong đó có hai lần H. đã xúc phạm và đánh chị. Vào các ngày 11/7/2014 và 28/3/2016 chị từng nộp đơn lên công an phường 15, quận 10 kêu cứu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. 

Đơn thư và giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật của chị H.T.T. đủ lập hồ sơ về  vụ việc bạo lực gia đình
Đơn thư và giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật của chị H.T.T. đủ lập hồ sơ về vụ việc bạo lực gia đình

Ngày 13/7/2020, do mâu thuẫn nhỏ trong nhà, H. đã đánh chị T. gãy sống mũi khiến chị phải vào bệnh viện Răng Hàm Mặt cấp cứu và điều trị suốt hai tuần. Lúc này, cảnh sát khu vực mới đề nghị chị T. tố cáo vụ việc lên Công an quận 10 vì sự việc đã quá chức năng của phường.

Chị T. làm đơn tố cáo và được cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 10 thụ lý vụ cố ý gây thương tích, ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật. Ngày 12/8, cơ quan CSĐT ra thông báo kết luận giám định chị T. bị thương tật 8% và cho biết với tỷ lệ đó không thể khởi tố Đ.V.H. tội cố ý gây thương tích, nên hướng dẫn chị khởi kiện ra tòa.

Trong quá trình thụ lý vụ việc, phía cơ quan CSĐT Công an quận 10 đã mời H. lên làm việc, cam kết không tái phạm và yêu cầu bồi thường chị T. trên 110 triệu đồng. H. xin bồi thường từ từ, nhưng sau đó tuyên bố không bồi thường. 

Chị T. nói: “Tôi phải chịu uất nghẹn sống chung trong gia đình chồng để các con có đủ cha mẹ và được tiếp tục đến trường. Tôi vẫn chờ đợi sự can thiệp từ cơ quan chức năng, yêu cầu H. bồi thường, thế nhưng qua hơn hai tháng, tôi không thấy cơ quan nào can thiệp, hỗ trợ. Đã thế, H. còn rêu rao, thách thức”.

Ngày 28/10, chị T. đến Hội LHPN TPHCM nộp đơn xin trợ giúp pháp lý. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã giúp chị thu thập các chứng cứ liên quan và thảo đơn khởi kiện vụ việc lên Tòa án nhân dân quận 10. Ngày 3/11, Tòa án nhân dân quận 10 nhận đơn và ngày 5/11 đã triệu tập các đương sự để lấy lời khai.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM chiều 9/11, đại diện UBND phường 15, quận 10 và công an khu vực cho biết, ngoài thông tin Báo Phụ Nữ TPHCM gửi thì lâu nay họ không nhận được kêu cứu của chị H.T.T. Sau khi có thông tin, địa phương đã cử Chủ tịch Hội LHPN và cán bộ tư pháp phối hợp ban điều hành khu phố, công an khu vực tiếp xúc với chị T. và gia đình chồng. 

Sau khi làm việc, chính quyền và các đoàn thể nhận thấy mâu thuẫn giữa chị T. và gia đình chồng khá trầm trọng. Thời điểm chị T. nộp đơn khởi kiện ông H. ra tòa, địa phương đã bố trí chỗ tạm lánh để an toàn cho chị, nhưng chị không chịu tạm lánh. Vì vậy, địa phương không hề hay biết việc chị tiếp tục bị đe dọa sau khi được tòa án triệu tập. Việc ông Đ.V.H. hứa không tái phạm việc xúc phạm danh dự, đe dọa và bạo hành chị T. là cam kết của ông với công an nên UBND phường chưa nắm được.

Chị H.T.T. với những vết thương do Đ.V.H. đánh ở cổ và ở mũi
Chị H.T.T. với những vết thương do Đ.V.H. đánh ở cổ và ở mũi

Chị H.T.T. mệt mỏi: “Tôi đã kêu cứu và chờ đợi sự can thiệp của công an địa phương đến mỏi mòn rồi nên không còn niềm tin nữa. Còn tôi không đi tạm lánh là bởi tôi không thể bỏ chồng, bỏ con và mái nhà nơi mà tôi đã bỏ vào đó công sức, tuổi thanh xuân vun đắp với hy vọng xây dựng được tổ ấm cho mình. Đâu thể vì mâu thuẫn với người em rể của chồng mà bỏ nhà đi được”. 

Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Đoàn Luật sư TPHCM, người được Hội LHPN và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cử tham gia bảo vệ chị T. - cho rằng cho đến nay, tức sau gần sáu năm chị H.T.T. kêu cứu với công an và đề nghị được can thiệp, bảo vệ trước tình trạng bạo lực gia đình mà phía UBND phường 15 không có hồ sơ vụ việc là không tuân thủ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ở đây không thể trách nạn nhân vì sao không “báo phường”. Với người dân, công an khu vực, công an phường chính là nơi cầu cứu nhanh nhất của họ.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì không cần nạn nhân kêu cứu mà khi có sự việc xảy ra, người tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xử lý, can thiệp, lập hồ sơ vụ việc, ban hành các biện pháp hỗ trợ nạn nhân. Cho nên chị H.T.T. không cần phải cầu cứu công an hay chính quyền, chỉ cần có thông tin từ một người thứ ba báo tin về việc chị bị đe dọa (một trong những hình thức của bạo lực gia đình) thì đã đủ để chính quyền phường 15, quận 10 phải vào cuộc, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, buộc kẻ bạo hành phải chịu các trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật.

Luật sư Lâm đã hướng dẫn chị T. tiếp tục thu thập chứng cứ về việc bị thách thức, đe dọa để nộp ở tòa, bổ sung việc tiếp tục bị bạo lực gia đình. 

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI