Tháng Giêng được xem là tháng của lễ hội với hàng loạt sự kiện văn hóa đặc sắc tưng bừng diễn ra trong tháng Giêng âm lịch nhằm chào mừng một năm mới tươi tốt. Và trong rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trên cả nước mới đây, có 6 sự kiện văn hóa đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Tiên Công
Ngày 20/2/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã vui mừng tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia dành cho lễ hội Tiên Công được tổ chức ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lễ hội “rước người” độc đáo mang đậm văn hóa truyền thống của cư dân nơi cửa biển Bạch Đằng.
Trước đó vào ngày 8/5/2017, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với lễ hội Tiên Công ở tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2018, với chủ đề Về miền di sản văn hóa Tiên Công, lễ hội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như nghi lễ rước cụ Thượng thọ 80, 90, 100 tuổi bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công mang đậm nét văn hóa Thăng Long xưa nơi cửa biển Bạch Đằng và các trò chơi dân gian phong phú gồm: cờ người, tổ tôm điếm, chơi đu, hát đúm giao duyên...
Bên cạnh việc quảng bá các giá trị đặc sắc, giới thiệu những nét đẹp văn hóa và giá trị các di tích dòng họ trong quần thể di tích miếu Tiên Công, truyền thống quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển của những người Thăng Long xưa, lễ hội Tiên Công còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa trong quá trình xây dựng đất nước.
Lễ hội Trò Chiềng
Là lễ hội mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và lưu giữ chốn thôn dã, nhằm phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của người Thanh Hóa, cũng như để tưởng nhớ công ơn của Thành Hoàng Làng Tam Công - Trịnh Quốc Bảo, đồng thời cũng là người sáng lập ra lễ hội Trò Chiềng, người dân làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định đã gìn giữ và duy trì sự kiện văn hóa này suốt nhiều thế kỉ qua.
Dù từng bị thất truyền hơn 60 năm (từ năm 1946 đến 2007), nhưng đến nay Trò Chiềng đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc và được xem là một nét đẹp văn hóa của vùng đất Thanh Hóa.
|
Lễ hội Trò Chiềng |
Với những nét đặc sắc đó, ngày 20/6/2017, lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, lễ trao bằng công nhận cho lễ hội Trò Chiềng chỉ vừa được diễn ra vào ngày 25/2/2018.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh
Cũng vào ngày 25/2/2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh thuộc lễ hội Tản Viên Sơn Thánh của huyện Ba Vì, Hà Nội đã đón nhận bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là sự kiện văn hóa diễn ra hàng năm với nhiều hoạt động như: dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, tổ chức phiên chợ quê, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương... Trong đó, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Lễ hội Minh Thề
Ra đời cách đây gần 500 năm do Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung đề xướng, và được tôn vinh là lễ hội thề không tham nhũng, đồng thời răn dạy con người phải biết dùng của công vào việc công, việc chung của cộng đồng, hội Minh Thề diễn ra ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã vinh dự ghi tên mình vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.
|
Lễ hội Minh Thề |
Vào ngày 1/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Đặng Thị Bích Liên đã trực tiếp đến tham dự và trao bằng công nhận lễ hội Minh Thề là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền huyện Kiến Thụy.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng
Trong không khí vui mừng chào đón kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 21/2/2018 vừa qua, lễ hội đền Hai Bà Trưng đã được vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là một trong những lễ hội giàu ý nghĩa lịch sử, đề cao đạo lý uống nước nhớ nguồn khi tưởng nhớ công lao chống giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng. Sự kiện này được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như: dâng hương, rước kiệu và tế lễ, bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà Trưng.
|
Lễ hội đền Hai Bà Trưng |
Đền thờ Hai Bà Trưng hiện đặt tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về thời thơ ấu của 2 vị nữ anh hùng, mà còn là vùng đất ghi dấu quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc năm xưa.
Lễ hội Lồng Tồng
Hòa chung niềm vui trong mùa lễ hội mừng xuân Mậu Tuất 2018, lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hoá cũng được vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Buổi lễ công nhân danh hiệu cho lễ hội Lồng Tồng đã diễn ra tại sân Lễ hội Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá.
|
Lễ hội Lồng Tồng |
Lễ hội Lồng Tồng thường gọi là Lễ hội xuống đồng, diễn ra vào mồng 10 tháng Giêng hàng năm, không chỉ là sự kiện văn hóa nổi bật của dân tộc Tày, mà còn quy tụ nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em như Nùng Dao, Sán Dìu... Lễ hội được tổ chức với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Quang Hùng