Gần đây xuất hiện nhiều clip về bạo hành trẻ ở các trường mầm non, điểm giữ trẻ... Tôi đã xem và thật sự phẫn nộ với cách cư xử như vậy với trẻ.
Với cảm nghĩ của một người mẹ tự tay chăm sóc 2 đứa con từ mới lọt lòng đến lớn; một người từng là chủ trường mầm non, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ riêng về vấn đề này.
Lúc đầu tôi không phải là người được đào tạo chuyên ngành mầm non. Từ khi tôi sinh con thứ hai, do sinh non tháng nên cháu bị bệnh suốt. Tôi buộc phải nghỉ làm ở nhà chăm cháu.
Khi con tôi được 3 tuổi, tôi cần có thời gian ở bên con nhiều hơn, tôi nghĩ đến việc mở trường mầm non tư thục để vừa có thêm thu nhập, vừa có công việc và vừa tự tay chăm sóc được con.
Trước khi mở trường tôi có đi tham quan một số trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ mà tôi có người quen làm để tìm hiểu. Sau đó, tôi tham gia lớp quản lý trường mầm non do trường trung cấp sư phạm mầm non TP.HCM mở.
Lúc đó tôi cứ nghĩ đơn giản là nuôi con thế nào, nuôi con người ta cũng vậy là được.
Vậy mà khi bước vào thực tế, mọi chuyện không đơn giản. Nghề mầm non chịu áp lực từ nhiều phía, không như những gì tôi đã nghĩ ban đầu.
Không nghề nào cực bằng nghề mầm non
Một cô giáo mầm non đúng nghĩa không những có kiến thức về chuyên môn. Cô phải có nhiều năng khiếu, nhiều kiến thức khác như vẽ đẹp, đàn giỏi, hát hay, sáng tạo để tự làm nhiều đồ dùng giảng dạy, đồ chơi cho trẻ, phải có kỹ năng giao tiếp với phụ huynh…
Cô phải yêu nghề, mến trẻ và chịu được áp lực từ nhiều phía. Đặc biệt là từ phía phụ huynh, một mặt họ muốn cho con mình phải được chăm sóc tốt, an toàn, ngoan ngoãn và lên cân đều. Một số bé dư cân, béo phì, cô phải làm sao giữ cân cho bé.
Một số phụ huynh xem con như quả bong bóng, muốn lên thì bơm vào, muốn xuống thì xả ra một cách dễ dàng như vậy. Dù có khi cả ngày chủ nhật ở nhà với mẹ bé chẳng ăn được miếng cơm nào.
Mặc cho sự cố gắng của các cô, sau một thời gian bé không lên cân, phụ huynh thường bảo, trường không cho bé ăn đủ chất, các cô không nhiệt tình… và họ chuyển trường.
Để làm hài lòng phụ huynh, thu hút được nhiều trẻ về trường, mỗi trường phải nghĩ ra một chiêu để “giữ trẻ”. Thậm chí, có thể gọi là để “làm vừa lòng” phụ huynh, nhất là phải ép trẻ ăn bằng mọi giá.
Ai cũng biết trẻ con rất hiếu động, chưa làm chủ được hành vi nên những va chạm nhỏ đối với bé: trẻ cào nhau, cụng vào nhau hoặc vào tường, cắn nhau… sẽ không thể nào tránh khỏi. Các mẹ nghĩ xem, ở nhà mẹ trông một bé nhưng cũng không thể nào an toàn tuyệt đối được, nên hãy thông cảm cho các cô.
Mặt khác, giá cả cũng là một vấn đề phu huynh quan tâm khi gửi con. Vì vậy, trường phải làm sao để giá cả cạnh tranh mới thu hút được nhiều trẻ.
Một số trường phải tìm mọi cách để giảm chi phí đến mức tối đa. Thậm chí là cắt giảm chất lượng bữa ăn của bé. Hiện bảo mẫu không cần qua đào tạo phải giữ nhiều trẻ là điều thường thấy ở rất nhiều trường mầm non hay nhóm trẻ.
Tôi đã nuôi những đứa trẻ ở trường mình đúng như những gì tôi được đào tạo và kinh nghiệm từ việc nuôi hai đứa con. Tôi đã làm hết mình, xem mỗi đứa trẻ ở đây là một đứa con, vì vậy, trẻ càng nhiều tôi càng áp lực nên không tiếp tục được công việc này.
Các mẹ nên làm gì khi gửi con đến trường mầm non
Với kinh nghiệm từ một người từng làm mẹ của hai đứa con, từng là chủ của một trường mầm non, tôi khuyên các bậc làm cha mẹ có con ở độ tuổi mầm non:
- Hãy tìm hiểu thật kỹ về ngôi trường trước khi quyết định gửi con, phải tương đối đầy đủ tiện nghi, có camera theo dõi và số lượng trẻ mỗi lớp không quá đông.
- Thay vì tìm trường giá rẻ, phụ huynh cố gắng làm việc nhiều hơn để bù chi phí gửi con. Đặc biệt, bạn chú ý đến trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của các cô giáo trực tiếp chăm con, không phải trình độ của cô Hiệu trưởng.
- Đừng than phiền về cân nặng của bé. Nên nhớ rằng điều này là áp lớn nhất ở các trường mầm non và là nguyên nhân của mọi clip cho trẻ ăn liên tục không có thời gian nghỉ để nhai, nuốt và thậm chí phải đè ra để đổ thức ăn vào miệng… nguy hiểm biết chừng nào. Đừng trông chờ vào trình độ sơ cấp cứu của các cô.
- Đừng quên nói với các cô: “Cô ơi bé ăn được bao nhiêu cũng được, cô không cần ép cháu, chỉ cần cho mẹ biết ngày đó bé ăn ít để tối về mẹ cho bé uống thêm sữa”. Câu này cô giáo mầm non nào cũng thích nghe đó các mẹ ạ! Có như vậy con bạn cả ngày không những sẽ được ăn, được chơi đúng nghĩa mà còn được các cô yêu.
- Lỡ bé bị những “sơ suất” nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như cào nhau, cụng tường,… hãy thông cảm. Bạn đừng quá nóng ruột mà xúc phạm đến các cô và làm lớn chuyện. Những bức xúc đó vô tình đẩy con bạn từ hôm sau vào diện “chăm sóc đặc biệt”, không cho chơi chung với bạn hoặc là bị “nhốt”.
- Đừng tạo bất kỳ áp lực nào cho trường cũng như cho các cô, chắc chắn con bạn sẽ được học trong một môi trường đầy tình yêu thương, chăm sóc chu đáo mà bạn cũng không bị “làm hài lòng” một cách miễn cưỡng.
Trịnh Hiền