6 dưỡng chất tăng cường miễn dịch chống lại cúm mùa

13/02/2025 - 16:54

PNO - Thời điểm giao mùa thường dẫn đến các vấn đề sức khỏe như dị ứng, cảm lạnh, cúm và ho. Khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật và duy trì sức khỏe.

Các chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa, giúp củng cố hệ miễn dịch bằng cách hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của tế bào miễn dịch, tăng cường hàng rào bảo vệ cơ thể trước vi khuẩn, vi rút, đồng thời điều hòa phản ứng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật cũng như cung cấp khả năng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.

Dưới đây là 6 dưỡng chất tốt nhất giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh cúm mùa.

1. Vitamin C

Vitamin C là dưỡng chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients, vitamin C kích thích sản xuất và hỗ trợ chức năng của các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn, vi rút cùng các tác nhân gây bệnh khác.

Bổ sung vitamin C giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh: Pexels
Bổ sung vitamin C giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh: Pexels

Để bổ sung vitamin C, có thể thêm vào chế độ ăn uống các thực phẩm giàu vitamin C như: trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi). Vitamin C còn có nhiều trong quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi) và rau củ như ớt chuông (hàm lượng vitamin C cao hơn cả cam).

Bổ sung đủ vitamin C mỗi ngày giúp cơ thể duy trì hàng rào miễn dịch vững chắc và phòng chống nhiễm trùng hiệu quả.

2. Vitamin D

Còn được gọi là "vitamin ánh nắng", vitamin D đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh phản ứng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh mà không phản ứng thái quá. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Điều tra, vitamin D cũng giúp giảm viêm, góp phần duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính, tuy nhiên, có thể bổ sung qua chế độ ăn uống với các thực phẩm giàu vitamin D như: cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu), lòng đỏ trứng, thực phẩm tăng cường như sữa và ngũ cốc.

Để duy trì mức vitamin D tối ưu, có thể kết hợp phơi nắng an toàn, có chế độ ăn uống hợp lý hoặc bổ sung theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

3. Kẽm (Zinc)

Kẽm đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients, kẽm đặc biệt cần thiết cho các tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng, giúp tế bào nhận diện và loại bỏ tác nhân gây bệnh hiệu quả.

Hàu là nguồn cung cấp kẽm dồi dào - Ảnh: Pexels
Hàu là nguồn cung cấp kẽm dồi dào - Ảnh: Pexels

Thiếu kẽm có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. May mắn thay, kẽm có thể được bổ sung dễ dàng qua thực phẩm, bao gồm: thịt đỏ như thịt bò - nguồn cung cấp kẽm dồi dào, hải sản như hàu, cua, tôm.

Nếu bạn ăn chay, hãy bổ sung kẽm từ các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

4. Vitamin A

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Lâm sàng, vitamin A là một trong những dưỡng chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Vitamin A giúp giữ cho da và màng nhầy khỏe mạnh, đây là những lớp bảo vệ quan trọng, có nhiệm vụ chặn và vô hiệu hóa vi khuẩn, vi rút trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Nếu thiếu vitamin A, các rào cản này có thể suy yếu, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

Để bổ sung vitamin A, có thể tăng cường rau củ có màu cam và vàng như cà rốt, khoai lang (nguồn cung cấp beta-carotene, tiền chất của vitamin A), các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn.

5. Selen (Selenium)

Selen đóng vai trò thiết yếu trong việc tăng cường hệ miễn dịch, chủ yếu nhờ đặc tính chống ô xy hóa mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu được công bố trên Journal of Antioxidants and Redox Signaling, selen giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra. Gốc tự do là các phân tử không ổn định, có thể gây viêm nhiễm và làm suy yếu hệ miễn dịch. Bằng cách trung hòa các gốc tự do này, selen góp phần duy trì sức khỏe và chức năng của tế bào miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả hơn.

Hạt Brazil là nguồn cung cấp selen dồi dào, chỉ cần một vài hạt mỗi ngày đã đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết. Cá ngừ và hải sản cũng chứa lượng selen đáng kể. Nếu bạn ăn chay, hạt hướng dương là một lựa chọn tuyệt vời.

6. Probiotics

Probiotic, thường được gọi là "vi khuẩn thân thiện", đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và cân bằng. Những vi sinh vật có lợi này chủ yếu cư trú trong ruột và tạo nên hệ vi sinh vật đường ruột. Vì một phần lớn hệ miễn dịch nằm trong ruột, việc duy trì hệ vi sinh vật khỏe mạnh là yếu tố then chốt để tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể.

Có thể ăn sữa chua để bổ sung probiotic, giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh: Pexels
Có thể ăn sữa chua để bổ sung probiotic, giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh: Pexels

Probiotic hỗ trợ miễn dịch bằng cách: điều chỉnh phản ứng miễn dịch, giúp cơ thể nhận diện và chống lại tác nhân gây hại, tăng cường hàng rào ruột, ngăn chặn vi khuẩn có hại và các chất độc xâm nhập vào máu, cạnh tranh với vi khuẩn có hại, giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật.

Để bổ sung probiotic, có thể đưa vào chế độ ăn các thực phẩm giàu men vi sinh như: sữa chua, kefir.

Thực phẩm lên men như kim chi, dưa bắp cải muối cũng là nguồn probiotic tự nhiên.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI