Hôm 14/12, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách Những người Quyền lực nhất Thế giới năm 2016.
Hàng năm, kể từ năm 2009, Forbes luôn đưa ra một danh sách những người quyền lực nhất thế giới. Cứ mỗi 100 triệu người, Forbes sẽ chọn ra một người có những tác động lớn nhất với thế giới. Theo đó, hiện thế giới có khoảng 7,4 triệu người nên danh sách năm nay sẽ có 74 người.
Trong danh sách 74 người quyền lực nhất thế giới năm 2016 có 68 nam nhưng chỉ có 6 người là nữ. Họ là những nhà lãnh đạo quốc gia, những người nắm giữ khối tài sản khổng lồ hoặc có ảnh hưởng lớn đối với thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Vậy 6 người phụ nữ ấy là ai?
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Bà Merkel tiếp tục là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes 6 năm qua. Năm 2015, bà xếp thứ 2 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới. Còn năm 2016, bà xếp thứ 3 sau Tổng thống Nga Putin và Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump.
Năm 2015, bà cũng được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm do bà có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Với việc tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng CDU, bà Merkel đang rộng đường để tiếp tục giữ chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Bà được tín nhiệm vì cho thấy quyết tâm bảo vệ các giá trị của nước Đức và châu Âu, vốn bị lung lay gần đây, mà cuộc khủng hoảng nhập cư là một trong những nguyên nhân. Kết quả các cuộc trưng cầu gần đây đều cho thấy 65% ủng hộ bà tranh cử nhiệm kỳ thứ 4.
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen
Người phụ nữ thứ 2 lọt vào top 74 người quyền lực nhất hành tinh năm 2016 là bà Janet Yellen, Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bà Janet Yellen đứng vị trí thứ 6 trong danh sách.
Janet Yellen là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí cao nhất trong suốt lịch sử một thế kỷ hoạt động của FED. Yellen là người hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như cả nền kinh tế, không chỉ trên lý thuyết mà cả trong thực tế.Tổng thống Barack Obama từng mô tả bà là người phụ nữ “tài giỏi khác thường”.
Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng Anh Theresa May đứng số 13 trong danh sách 74 nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2016.
Ngày 13/7/2016, bà Theresa May chính thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Anh, trở thành người phụ nữ thứ 2 đảm nhận vị trí này ở Anh từ sau "bà đầm thép" Margagret Thatcher.
Trong bối cảnh nước Anh có nhiều mâu thuẫn vì Brexit, bà Theresa May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ.
Chào đời vào ngày 1/10/1956, bà Theresa May là con gái duy nhất của một mục sư. Sau khi tốt nghiệp khoa Địa lý trường St Hugh's College Oxford, Theresa May làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đầu quân cho Ngân hàng Anh. Năm 1986, bà bắt đầu hoạt động chính trị và năm 1997 được bầu làm thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ tại Maidenhead. Bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2010.
Với vai trò là một trong những quan chức cấp cao nhất ở Anh, Theresa May thường đem lại cho người khác cảm giác vừa quen thuộc vừa bí ẩn.
CNN đánh giá bà là một người “cực kỳ cuồng công việc”, giống như "bà đầm thép" Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde là người đứng ở vị trí thứ 25 trong danh sách bình chọn của Forbes.
Sinh ngày 01/01/1956 tại thủ đô Paris, bà Christine Lagarde là một luật sư có tiếng . Trên cương vị Giám đốc điều hành IMF, bà Lagarde được đánh giá cao trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Tổng giám đốc điều hành của công ty IBM Ginni Rometty
Người phụ nữ tiếp theo trong danh sách là CEO của IBM Ginni Rometty. Bà Rometty đứng ở vị trí thứ 61. Là nữ CEO đầu tiên của IBM trong hơn 100 năm qua, Ginni Rometty nổi bật với phong cách điều hành thân thiện nhưng rất khác thường.
Khi Rometty trở thành CEO thứ 9 của IBM, bà đã nắm quyền kiểm soát công ty lớn thứ 19 thế giới xét về doanh thu (doanh thu năm 2011 của IBM đã vượt qua 107 tỉ USD) và lớn thứ 5 về giá trị với mức vốn hóa 235 tỉ USD. Sức ảnh hưởng của bà trong thế giới công nghệ cũng như sức ảnh hưởng của IBM trên thị trường tài chính quốc tế đã giúp bà đạt được ngôi vị số 1 trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2015 của Tạp chí Fortune.
Rometty đã thừa hưởng một công ty có lịch sử tăng trưởng đáng thèm khát. Trong thập kỷ qua, Công ty đã tăng lợi nhuận với tốc độ trung bình 16%/năm với mức chia cổ tức 12% hằng năm cho cổ đông. Sự tăng trưởng vượt bậc này đã đặt lên vai bà kỳ vọng lớn của nhà đầu tư: IBM cho biết Tập đoàn sẽ tăng thêm 20 tỉ USD trong doanh thu hằng năm trong vòng 3 năm tới.
Giám đốc điều hành GM Mary Barra
Người phụ nữ cuối cùng trong danh sách là CEO của General Motor Mary Barra. Bà Barra đứng thứ 62. Mary Barra được cho là người phụ nữ quyền lực nhất ngành ôtô thế giới.
Mary Teresa Barra sinh năm 1961. Năm 1980, bà bắt cộng tác với GM khi đang là sinh viên chuyên ngành động cơ ô tô tại Đại học Kettering. Sau đó bà gia nhập GM với vai trò là kỹ sư tại nhà máy Pontiac. Trước khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Tập đoàn, Barra đảm nhiệm vị trí Giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm của GM. Trong vai trò này, bà chịu trách nhiệm cho việc thiết kế, kỹ thuật, quản lý chương trình và chất lượng xe GM trên toàn thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của bà, hãng xe GM đã trở thành tiên phong trong ngành công nghiệp toàn cầu với thiết kế ô tô và công nghệ, chất lượng và an toàn sản phẩm, chăm sóc khách hàng và kết quả kinh doanh. Bà cũng là một thành viên của Hội đồng quản trị GM.
Với những cống hiến không mệt mỏi và những thành công gặt hái được trong quá trình luân chuyển công tác tại GM vào tháng 4/ 2014, Barra đã được Tạp chí Forbes bình chọn trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới".
Trong năm 2015, Barra được xếp đầu tiên trong danh sách "50 phụ nữ quyền lực” nhất trong kinh doanh của Tạp chí Fortune.
Minh Minh