Nhật Bản là đất nước có chỉ số "tuổi thọ sức khỏe" cao nhất thế giới. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet, trẻ em Nhật Bản được kỳ vọng sống đến năm 73 tuổi mà không có bất kỳ bệnh nặng hay khuyết tật lớn nào. Tuổi thọ trung bình sẽ là là trên 80. Mỹ thậm chí không lọt vào top 10, trung bình một em bé Mỹ sinh ra trong năm 2013 chỉ được dự đoán sẽ sống khỏe mạnh đến năm 65 tuổi, và tuổi thọ là 76.
Điều gì ở Nhật Bản khiến cho nơi đây trở thành tâm điểm về sức khỏe? Đó là một câu hỏi Naomi Moriyama và chồng cô là William Doyle đặt ra để nghiên cứu trong một cuốn sách mới của họ có tên: "Bí mật về sức khỏe của trẻ em thế giới: Tại sao trẻ em Nhật Bản sẽ sống lâu và khỏe mạnh nhất - và làm thế nào các con của bạn cũng đạt được điều đó."
|
Trẻ em Nhật Bản được đánh giá khỏe mạnh nhất thế giới. |
Moriyama - người lớn lên ở Nhật Bản và hiện đang sinh sống tại New York cho biết: "Cách người Nhật ăn và vận động cho phép họ có lợi thế về tuổi thọ và sức khỏe. So với các quốc gia phát triển khác, người Nhật Bản trung bình nạp vào người lượng ít calo mỗi ngày hơn, và có chế độ tốt hơn. Khẩu phần của họ hợp lý với nhiều cá và sản phẩm rau quả, ít thịt và sữa, món tráng miệng cũng nhỏ và kích thước mỗi khẩu phần cũng phù hợp hơn".
Dưới đây là sáu bài học từ người Nhật Bản mà gia đình bạn có thể áp dụng để tăng cường sức khỏe cho những đứa trẻ:
1. Chọn thực phẩm có ít calo trên mỗi khẩu phần
Một bữa ăn Nhật Bản điển hình gồm một bát cơm nhỏ, một bát súp miso và ba món ăn phụ bày trong các đĩa nhỏ hoặc bát: một phần nhỏ cá, thịt hoặc đậu phụ và hai món phụ từ rau, Moriyama cho biết.
Cô ấy không khuyến nghị bạn phải nấu các món Nhật, nhưng cô khuyến khích việc tinh chỉnh theo hướng "mô hình ẩm thực kiểu Nhật." Hãy ăn nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc và cá với thành phần ít calo. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn và các món ăn giàu calo hoặc bổ sung đường.
|
Bữa ăn điển hình của người Nhật. |
2. Thực hành "giới hạn linh hoạt"
Moriyama đánh giá: "Thực phẩm trong danh sách hạn chế hoặc thực phẩm biến đổi gen không nằm trong thực đơn của người Nhật. Trẻ em được khuyến khích ăn đồ ăn nhẹ, nhưng với số lượng và tần suất hợp lý. Thức ăn được bày trên các đĩa nhỏ, với số lượng rất khiêm tốn".
"Chúng tôi rất tin tưởng vào “giới hạn linh hoạt" khi nói đến thực phẩm kém lành mạnh, điều được coi là một kiểu văn hóa Nhật Bản" - Moriyama nói.
"Thỉnh thoảng cứ thoải mái ra ngoài thưởng thức bánh pizza, kem, bánh quy hay khoai tây chiên với gia đình bạn như bình thường. Chỉ cần chắc chắn ở nhà thì cần hạn chế về cả số lượng và tần suất ăn các món này". Để những đứa trẻ tránh bị cám dỗ, đừng dự trữ những túi khoai tây chiên lớn hay kem hộp ở nhà.
3. Ăn các món từ gạo
Cơm, cháo vẫn là thành phần chủ yếu trong các món ăn của Nhật Bản và Châu Á để ăn no hoặc thay thế bằng một món ít no hơn như bánh mì. Moriyama khẳng định: "Bạn thường nghe nói rằng gạo có chỉ số đường huyết cao, làm hỏng chỉ số đường máu của bạn và dẫn đến tăng cân. Nhưng trên thực tế, các chuyên gia không đồng ý về việc liệu các chỉ số đường huyết có giá trị trong việc đánh giá các loại thực phẩm cho những người không bị tiểu đường hay không".
"Ví dụ như Sushi không phải là một thực phẩm có chỉ số đường máu cao vì cơm được ăn cùng với các loại thức ăn khác như cá, rau củ và rong biển. Và kiểu này là cách người Nhật thường ăn cơm, vì vậy bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến chỉ số đường huyết được giảm thiểu hoặc loại bỏ." Cô và chồng cũng đồng ý với hầu hết các chuyên gia, những người cho rằng gạo nâu là tốt nhất vì nó có nhiều chất dinh dưỡng.
|
Sushi là một trong những món ăn lành mạnh phổ biến ở Nhật Bản. |
4. Bắt đầu đi bộ
Người Nhật có các hoạt động thể chất trong đời sống của họ từ rất nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 98% trẻ em Nhật Bản đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường. Điều đó có nghĩa là hầu hết trẻ em Nhật Bản đáp ứng các khuyến nghị về việc trẻ em dành 60 phút hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh mỗi ngày chỉ bằng cách đi bộ đến trường. Nó tạo nên thói quen lâu dài về việc thường xuyên tập thể dục. Nếu việc cho con đi xe buýt đi học là không khả thi, bạn hãy tìm cách cho con di chuyển bằng cách khác.
"Đây là cách đơn giản nhất: Tắt các thiết bị điện tử trong nhà trong một giờ vào buổi tối và cùng cả nhà đi dạo" Moriyama khuyến khích. "Những lợi ích từ việc vận động đối với sức khỏe của trẻ rất lớn." Hãy dành một giờ hoạt động thể chất mỗi ngày.
|
Trẻ em Nhật thường đi bộ đi học. |
5. Cho con quyền quyết định
Một trong những chủ đề lớn nhất trong nghiên cứu của Moriyama là việc lựa chọn thực phẩm, lấy mẫu và cùng nhau ăn ở nhà là yếu tố dự báo quan trọng của lối sống lành mạnh sau này ở trẻ. Ngay từ khi mới sinh, các em bé ở Nhật đã được cha mẹ truyền cảm hứng về việc sử dụng các thực phẩm lành mạnh, bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả khác nhau. Trẻ em Nhật Bản thường xuyên dùng bữa cùng với gia đình như là một nghi thức thường ngày.
Thay vì là cha mẹ "độc đoán" trong việc cấm các thực phẩm có đường hoặc mắng trẻ kiểu như "Hoặc là ăn hết thức ăn trên đĩa của con, hoặc là con không được ăn kem", người Nhật cố gắng trở thành những bậc cha mẹ truyền cảm hứng. Họ làm mẫu trong việc ăn uống lành mạnh và không phản ứng quá mức khi trẻ không chịu ăn hoặc không ăn hết phần ăn của mình.
6. Sức mạnh của bữa trưa
Moriyama tiết lộ: Với sự hỗ trợ từ các chương trình ăn trưa phổ biến, các trường học ở Nhật hình thành cho trẻ lối ẩm thực lành mạnh. Bắt đầu từ cấp 1, trẻ em được phục vụ một bữa ăn trưa với những món ăn tốt cho sức khỏe thường được làm từ các loại thực phẩm trồng tại địa phương và được chế biến tươi ở mỗi trường. Nếu học sinh không thích những bữa ăn trưa ở trường, các em có thể ăn ở ngoài. Và thường thì các thực phẩm không lành mạnh ít được bán quanh trường.
|
Học sinh Nhật Bản được tự chuẩn bị và phục vụ bữa trưa. |
Moriyama khẳng định: “Tin tôi đi, bằng cách này, chúng học được cách lựa chọn những món ăn ngon miệng và tốt cho sức khỏe". Học sinh giúp chuẩn bị và phục vụ bữa ăn trưa, và giáo dục ẩm thực là một phần của chương trình giảng dạy ở trường. Học sinh được tham quan các trang trại địa phương, tìm hiểu về dinh dưỡng, nấu ăn, cách ăn uống, và các kỹ năng xã hội. Tất cả những điều này tạo cho trẻ những thói quen lành mạnh trong cuộc sống.
Tác giả cuốn sách kết luận: "Bài học cho các bậc cha mẹ trên khắp thế giới là: Bạn thường không thể ảnh hưởng đến những gì con bạn ăn trưa tại trường, nhưng bạn có thể hướng dẫn và tạo cảm hứng cho con vào các bữa sáng và bữa tối”.
Ms. Mama (Nguồn: today)