Đây là sản phụ lớn tuổi nhất Việt Nam đã mãn kinh được chữa vô sinh thành công.
Khỏe mạnh mang thai tuổi nào cũng được
Bác sĩ (BS) Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, sản phụ này xin noãn để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Trước khi người phụ nữ này đến điều trị, các BS khuyên bà chấp nhận việc không có con, vì lớn tuổi mang thai không tốt cho sức khỏe, nguy cơ sẩy thai cao, khả năng nuôi dưỡng thai cũng khó khăn, nhưng người phụ nữ lớn tuổi vẫn quyết tâm kiếm con.
Đây là ca thứ hai trên cả nước, phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh có được con nhờ thụ tinh nhân tạo. Cách đây hai tháng, BV Bưu điện Hà Nội giúp sản phụ Trần Thị Phúc 53 tuổi, đã mãn kinh, sinh được bé gái (hiện bé được tám tháng tuổi).
|
Ngày càng có nhiều phương pháp giúp người vô sinh, hiếm muộn có cơ hội có con (ảnh chụp tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) - Ảnh: Phùng Huy |
Tại khu vực phía Nam, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào thực hiện thụ tinh ống nghiệm cho phụ nữ trên 45 tuổi. ThS-BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM cho biết, trước đây Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trên 45 tuổi không nên điều trị hiếm muộn để mang thai, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé. Mới đây, Bộ Y tế cho phép phụ nữ trên 45 tuổi hiếm muộn được quyền “kiếm con”, nhưng với điều kiện cơ sở điều trị phải theo dõi, cân nhắc kỹ sức khỏe, khả năng mang thai của sản phụ… mới quyết định điều trị.
TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM phân tích: “Nếu BV kiểm tra hàng loạt xét nghiệm ghi nhận người muốn mang thai hoàn toàn khỏe mạnh thì dù phụ nữ ở tuổi nào cũng có thể mang thai được. Mặt khác, sản phụ ở Hà Nội mang thai từ noãn của người khác, nên thai nhi không phải đối diện với nguy cơ bị các bệnh từ di truyền của mẹ do lớn tuổi như: Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18…”.
Tuy nhiên, nếu người mẹ lớn tuổi mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… khi mang thai bệnh có nguy cơ nặng hơn nên cần phải uống thuốc và theo dõi chặt chẽ, thường xuyên. BS Nhi cho biết: “Nếu lượng đường huyết ở thai phụ bị tiểu đường trồi sụt bất thường thì người mẹ dễ bị hôn mê, tử vong, thai nhi bị rối loạn chuyển hóa, thai to, chấm dứt thai kỳ, chết lưu… Hoặc nếu thai phụ bị cao huyết áp, lại bị tiền sản giật, sản giật thì nguy hiểm vì những bệnh lý này càng đẩy huyết áp cao hơn và cũng dễ sẩy thai, sinh non hơn. Do đó, tốt nhất dù hiếm muộn hay không thì thai phụ nên sinh con trước 45 tuổi”.
|
Ngoại trừ xin noãn khó khăn, thì việc mang thai ở phụ nữ lớn tuổi và có sức khỏe cũng bình thường như những thai phụ khác |
BS Nhi cũng cho rằng, phụ nữ hiếm muộn nếu có xin trứng, xin noãn cũng chọn người dưới 35 tuổi. Về mặt sinh lý bình thường, dự trữ buồng trứng ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên đã giảm nhiều nên lượng trứng kích thích được lấy ra ít hơn so với những người trẻ. Đặc biệt, phần lớn buồng trứng dự trữ của phụ nữ trên 45 tuổi giảm mạnh và hầu như khó còn trứng đạt chuẩn.
GS Nguyễn Đình Tảo - Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y (Hà Nội) cùng quan điểm: “Trên thế giới đã ghi nhận không ít phụ nữ ở độ tuổi 60, 70 vẫn mang bầu và sinh con. Khả năng mang thai chủ yếu liên quan đến hệ thống nội tiết và tử cung tốt. Thông thường phụ nữ sau 45 tuổi đến giai đoạn mãn kinh, cơ thể suy giảm tiến tới nghỉ dần. Những trường hợp đã mãn kinh mà niêm mạc tử cung tốt thì vẫn có thể xin trứng, làm thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Tuy nhiên, tốt nhất nên “kiếm con” trước tuổi mãn kinh và trước 45 tuổi vì dễ sinh non, sinh mổ...”
Phụ nữ đã lớn tuổi làm thụ tinh nhân tạo, khi tiêm tinh trùng vào trứng sẽ khó thụ tinh, phôi không phát triển hoặc phát triển bất thường. Số liệu tại nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, ở những phụ nữ trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công rất thấp - chỉ khoảng 16%.
Đa số phôi tạo ra từ trứng của những phụ nữ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành thai nhi được. Sau đó, việc giữ thai còn khó hơn, gần 50% số này bị sẩy thai, thai lưu. Hoặc dù là noãn, trứng được xin của người khác nhưng phôi cũng khó “đậu” ở tử cung của phụ nữ lớn tuổi. Nội tiết tố của phụ nữ lớn tuổi kém, khó giữ thai, nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu cao hơn. Do đó, đây là trường hợp còn có cả yếu tố may mắn.
Luật còn "khó dễ" với người xin noãn, xin trứng
Theo ThS-BS Hồ Mạnh Tường, sản phụ 58 tuổi ở Hà Nội sinh con từ việc xin noãn của người khác để thụ tinh với tinh trùng của chồng sản phụ. Nếu xét về mặt pháp lý, đây được coi là ca điều trị hiếm muộn, chứ không phải mang thai hộ. Nếu điều trị hiếm muộn thì bất cứ cơ sở nào có điều trị hiếm muộn trên cả nước cũng được phép làm. Còn nếu sản phụ này xin tinh trùng từ người khác, xét về mặt pháp lý, đó là ca mang thai hộ. Dù sản phụ được làm thụ tinh ống nghiệm theo hình thức mang thai hộ hay điều trị hiếm muộn thì chỉ khác nhau về mặt pháp lý, còn về hình thức điều trị y khoa là như nhau.
Khó khăn nhất hiện nay đối với phụ nữ hiếm muộn là khó xin noãn, trứng từ người lạ, do đó hầu hết xin từ người quen. Hiện nay Việt Nam chưa có ngân hàng trứng và cũng không ai muốn cho. BS Hồ Mạnh Tường cho biết, ở nam giới việ c hiến tinh trùng rất đơn giản nhưng việc lấy noãn, trứng tự nguyện ở phụ nữ thì người cho phải được chọc hút noãn, trứng ở âm đạo: “Người hiến phải chịu mọi chi phí kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, phí trữ lạnh… từ 20-40 triệu đồng, rất phi lý. Để hút được trứng, người hiến phải được chích thuốc nội tiết tố kích thích buồng trứng trong khoả ng 10- 12 ngày, sau đó mới tiến hành chọc lấy trứng trưởng thành. Do đó, chẳng có ai mất nửa tháng trời để đi hiến, lại tốn vài chục triệu đồng cho người không quen biết và không biết ai sẽ nhận. Chưa kể, sau mỗi năm, tùy vào số lượng trứng, phí gia hạn phải đóng để tiếp tục lưu trữ là dưới năm triệu đồng/năm. Trứng có thể được trữ không giới hạn thời gian, và chưa có ghi nhận bất thường nào nếu để quá lâu”. Dù các BV thực hiện chữa hiếm muộn muốn đứng ra làm trung gian, chịu thay chi phí này cho người hiến trứng và sau này thu lại ở người xin trứng, cũng không được, vì luật quy định: phải hiến trên tinh thần tự nguyện, không được liên quan đến vấn đề mua-bán.
Nếu luật không sửa đổi cho phù hợp, ngân hàng trứng không thể hình thành. Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương TP.HCM, thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp hiến trứng hiện nay chủ yếu là người quen, chị em trong gia đình, họ hàng. Để việc hiến trứng trở thành hiện thực, trước tiên Việt Nam phải có ngân hàng trứng nhằm giúp người cho và người nhận không biết nhau, không gặp rắc rối về mặt tình cảm, pháp lý về sau. Ngoài ra, khi tổ chức được ngân hàng trứng, trứng luôn có sẵn thì người xin trứng sẽ không phải lệ thuộc vào người cho khi họ có việc đột xuất hay bị bệnh. Đồng thời, Nhà nước nên cho phép một số BV uy tín làm trung gian hỗ trợ một phần chi phí cho người hiến trong suốt thời gian xét nghiệm, lấy trứng. Chi phí này cụ thể ra sao sẽ được hiệp hội nghề y quy định.
TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi khẳng định, ngoại trừ xin noãn khó khăn, thì việc mang thai ở phụ nữ lớn tuổi và có sức khỏe cũng bình thường như những thai phụ khác.
Lê Nam - Thanh Khê