56,8% học sinh Việt Nam bị stress

02/11/2023 - 19:48

PNO - Theo Bộ GD-ĐT, nghiên cứu của Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất với 56,8%, sau đó đến lo âu, trầm cảm - 45,2%.

Ngày 2/11, Bộ GD-ĐT khai mạc Hội nghị tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý trường học.

Bộ GD-ĐT đánh giá, gần đây, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý học đường như hành vi, cảm xúc, khó khăn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, bạo lực, bắt nạt ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng đến học tập và chất lượng cuộc sống của học sinh.

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu dịch tễ học về sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên cho thấy có một tỉ lệ đáng kể cần đuợc quan tâm hỗ trợ, can thiệp. Theo một nghiên cứu từ Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất (56,8%), sau đó đến lo âu và trầm cảm (45,2%), bên cạnh đó học sinh còn gặp phải những khó khăn học tập, định hướng nghề nghiệp…

Gần 60% học sinh Việt Nam bị stress
Gần 60% học sinh Việt Nam bị stress

Bộ GD-ĐT khẳng định, tư vấn tâm lý trường học có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý gặp phải thông qua các trợ giúp mang tính chuyên nghiệp.

Để thực hiện tư vấn tâm lý trường học, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi trường thành lập một tổ tư vấn tâm lý có ít nhất 5 thành viên, gồm: 1 tổ trưởng là đại diện lãnh đạo nhà trường; 1-2 cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý/bán chuyên trách; 1 giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên phụ trách công tác đoàn/đội; 1 nhân viên y tế và 1 đại diện cha mẹ học sinh. Tổ được phân công nhiệm vụ rõ ràng, được bố trí cơ sở vật chất, công tác tài chính. 

Tùy điều kiện mỗi trường, tổ trưởng có thể tuyển dụng, hợp đồng hoặc cử giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý. Cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý là người được nhà trường phân công hoặc ký hợp đồng, đảm nhiệm toàn thời gian trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý học sinh.

Ông Trần Văn Đạt - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT - cho hay, công tác tư vấn tâm lý, xã hội trong trường học không mới nhưng rất khó, với nhiều khó khăn vướng mắc trong toàn ngành. Hiện nay, cán bộ chuyên trách triển khai công tác này trong trường học cũng chưa có.

“Các văn bản pháp luật nhìn có vẻ đồng bộ, đầy đủ nhưng chưa phải. Các văn bản ít nhiều mang tính chất chung, còn đời sống xã hội, trong trường học lại đa dạng phong phú, mà văn bản chưa thể lường trước được các tình huống cụ thể. Khó khăn là các trường học phải chủ động thực hiện, điều hành linh hoạt hiệu quả. Đặc biệt, cái thiếu nữa là kỹ năng trong công tác tư vấn cần phải cải thiện rất nhiều…” - ông Trần Văn Đạt thẳng thắn.

Để tư vấn tâm lý cho học sinh, quan trọng nhất giáo viên phải quản lý cảm xúc của mình
Để tư vấn tâm lý cho học sinh, quan trọng nhất giáo viên phải quản lý cảm xúc của mình

Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - Trường đại học Sư phạm Hà Nội, khi tư vấn tâm lý cho học sinh, điều quan trọng nhất là giáo viên cần phải có kỹ năng quản lý cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc tức giận, tiêu cực. Có học sinh than phiền, cô chủ nhiệm do bực một số bạn thế là trút giận lên cả lớp suốt tiết. Nhiều thầy cô, giận học sinh, giảng bài mặt vẫn căng thẳng. Học sinh chỉ nhìn thầy cô chau mày thôi các em đã lo càng lo hơn, khi thầy cô khó chịu thì đã sợ càng sợ hơn. Như vậy thì làm sao để các em mở lòng chia sẻ vấn đề của các em. Chính cơn nóng giận, sự nhập cuộc với cơn nóng giận đã hạn chế thầy cô tiếp cận với học sinh... 

“Muốn tư vấn tâm lý học sinh thì từng buổi lên lớp, từng bước chân của thầy cô phải chuyển hóa, không cần hoàn hảo với các em nhưng thầy cô phải có kỹ năng quản lý những thất vọng, buồn bực. Nếu thầy cô không bình an, dễ dàng nổi cáu, thất vọng, buồn phiền, chán nản thì khó có thể giúp các em học sinh bước ra ngoài tình trạng này…” - PGS.TS Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh. 

Q.Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI