54 tỷ - tôi trở thành người khác

30/06/2017 - 11:22

PNO - Không ai đủ trung thực với bản thân, dũng khí với đồng chí để “chiến đấu” trước cái sai; và cuối cùng nguy cơ đã đến với cái giá 54 tỷ đồng, hơn thế là uy tín, tư cách của người cán bộ, đảng viên mất trắng.

Chiều ngày 28/6, ngay sau phiên bế mạc của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.HCM khóa X, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã phát đi thông báo về kết quả kiểm điểm xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BT GPMB) quận Tân Phú.

Theo đó, Ban Thường vụ Quận ủy Q.Tân Phú nhiệm kỳ 2010-2015 (giai đoạn 2011-2015) và một số tổ chức Đảng, đảng viên đã có thiếu sót, khuyết điểm là không thực hiện đúng các quy định về công tác cán bộ. Việc quản lý, đánh giá, nhận xét cán bộ không đúng thực chất dẫn đến bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ sai quy định; Ban Thường vụ Quận ủy Q.Tân Phú thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với UBND quận về quản lý các dự án BT GPMB, quản lý tài chính, gây hậu quả nghiêm trọng…

54 ty - toi tro thanh nguoi khac
Nhiều cán bộ là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quận Tân Phú bị kỷ luật vì liên quan đến sai phạm tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận này.

Ngoài hai “nhân vật chính” là Thi Danh - nguyên Trưởng ban và Nguyễn Duy Linh, nguyên Kế toán trưởng Ban BT GPMB Q.Tân Phú đã bị khởi tố, bắt giam thì trong danh sách kỷ luật, hầu hết là cán bộ hiện đang đảm nhận các chức vụ chủ chốt của quận. Kinh phí BT GPMB đã bị chiếm dụng lên tới 54 tỷ đồng. 

Liệu trong 54 tỷ đồng kia, cơ quan chức năng đã thu hồi được bao nhiêu?

Liệu trong cái danh sách kỷ luật kia, những cái tên gắn liền với chức vụ đương nhiệm, uy tín cán bộ, phẩm chất đảng viên có giảm sút? 

Cứ cho là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thực hiện công tác kiểm tra thì mới lòi ra sai phạm, những người trong cuộc mới nhận ra mình đã từng sai, cho nên việc họ được bổ nhiệm, thăng tiến và đảm đương chức trách đến thời điểm này cũng là bình thường. Nhưng, cái sai - để dẫn tới thất thoát 54 tỷ đồng - mà không biết mình làm sai, nghĩa là không đủ năng lực để nhận biết cái cần làm đúng thì liệu có “xứng đáng” được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại? Thậm chí, như cá nhân bà Hứa Thị Hồng Đang, người từng là Trưởng ban Tổ chức Quận ủy, chắc chắn đã sai sót nghiêm trọng trong công tác đánh giá cán bộ, thì nay lại là phó bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận, người có tiếng nói “quyền lực” trong công tác cán bộ của quận hiện thời.

Hay ông Nguyễn Tiến Lực, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, chịu trách nhiệm không nhỏ trong công tác quản lý tài chính thì lại “ngồi” tiếp vào cái ghế Chánh thanh tra Q.Tân Phú. “Tiên” không chịu trách “kỷ”, bị sai phạm, lại đảm quyền đi soi “bỉ”, trách nhân, thì hỏi làm sao mà thuyết phục được người dân…

Trong bài viết Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay của tác giả X.Y.Z (tức Hồ Chủ tịch) đăng trên báo Sự Thật, ngày 30/11/1948, có đoạn: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra… Kiểm tra không nên chỉ dựa vào các tờ báo cáo mà phải đi đến tận nơi, kiểm tra phải dùng cách thức thật thà, tự phê bình và phê bình”. 

Hẳn là họ cũng đã từng ngồi lại để kiểm điểm cuối năm, cũng nào là phê và tự phê “nghiêm túc, thẳng thắn”, nào là bỏ phiếu tín nhiệm đảng viên với những con số tỷ lệ cực chuẩn. Nhưng cái gọi là thực chất lại không nằm trong biên bản; những sai phạm, che chắn, thất thoát lại hùa nhau mà diễn ra nơi từng thớ đất, từng vị trí mặt bằng giải tỏa. 

Trong phiên bế mạc chiều 28/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói, không ai vi phạm một mình, cũng không ai suy giảm đạo đức một mình. Người ở gần chắc chắn biết việc đó. Đảng viên cán bộ thấy đồng đội đơn vị mình có nguy cơ thì nên nói trước. 

Chính xác. Tôi tin trong số tập thể ấy, dù hiếm hoi nhưng phải có người thấy, người biết. Vậy mà khả năng phản biện, ý chí dám phản biện, sức chiến đấu của một tổ chức Đảng đã bị suy thoái. Không ai đủ trung thực với bản thân, dũng khí với đồng chí để “chiến đấu” trước cái sai; và cuối cùng nguy cơ đã đến với cái giá 54 tỷ đồng, hơn thế là uy tín, tư cách của người cán bộ, đảng viên mất trắng. 

Từ bảng danh sách kỷ luật của quận Tân Phú, ngó lên… biệt phủ Yên Bái của giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (rồi thêm biệt phủ nghi là của giám đốc Công an tỉnh), những chằng chịt, rối rắm trong cái mớ “đồng chí”, họ hàng nằm sau chức danh cán bộ, quy trình bổ nhiệm, mới thấy công tác cán bộ - con người đang bị tha hóa - như nguyên nghĩa triết học, tôi trở thành người khác.

Lời nói, tư cách hành xử trước quần chúng và những động cơ, hành vi thu vén lợi ích cá nhân là hai khuôn mặt đối lập. Dưng không, như thể là phát súng của tay kiểm lâm, một lần nữa nã vào niềm tin trong sáng, có phần ngây thơ của tôi và bao người lương thiện. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI