50% vụ mua bán trẻ em là từ thông tin trên mạng

12/05/2018 - 15:23

PNO - Tại Việt Nam, 80% người dân không có kỹ năng chia sẻ thông tin và thông tin cá nhân, không có kỹ năng bảo vệ con em của mình trước môi trường mạng, 50% vụ mua bán trẻ em xuất phát từ thông tin trên mạng.

Đó là thông tin do ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cung cấp trong Hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sáng nay, 12/5.

50% vu mua ban tre em la tu thong tin tren mang
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.

Theo ông Nam, cách đây 14 năm, Cục Trẻ em đã phát hiện chứng nghiện trò chơi trực tuyến ở trẻ em. Lúc đó, điện thoại thông minh chưa phát triển, ít gia đình có điều kiện mua máy tính, nên việc trẻ ra các tiệm internet chơi game khá phổ biến. Nghiện các trò chơi trực tuyến khiến sức khỏe các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không ít trường hợp trẻ em bị ngất xỉu phải cấp cứu.

Hiện tại, khi điện thoại thông minh, máy tính ngày càng phát triển, trẻ em tiếp tục nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, song song đó tìm hiểu những thông tin về tình dục, bạo lực,… không chọn lọc, không phù hợp. 

Tiếp cận mạng xã hội khi chưa được trang bị kỹ năng khiến trẻ tiết lộ đời sống riêng tư một cách vô tình hay hữu ý. Việc tiết lộ này là cơ hội cho những đối tượng xấu theo dõi tâm lý, hành vi của các em để lợi dụng vào mục đích bạo lực, tình dục, thậm chí bắt cóc trẻ.

50% vu mua ban tre em la tu thong tin tren mang
Mỹ Tiên (sinh viên) cho biết, để bảo vệ mình, ý thức bản thân mỗi người là quan trọng.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Trên thực tiễn, môi trường mạng là mạng ảo nhưng xâm hại tình dục trẻ em là có thật. Các em bị bạo lực trên môi trường mạng, bị xâm hại tình dục qua lời nói, hình ảnh, phim ảnh,… một cách thô bạo. Đó là vấn đề cấp bách phải bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 

Quyền trẻ em là quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền tiếp cận thông tin nhưng thanh niên không có kỹ năng để chia sẻ. Tại Việt Nam, 80% người dân không có kỹ năng chia sẻ thông tin và thông tin cá nhân, không có kỹ năng bảo vệ con em của mình trước môi trường mạng, 50% vụ mua bán trẻ em xuất phát từ thông tin trên mạng.

Thậm chí, có trường hợp người thân các em nghĩ rằng tranh cãi, giằng co trên mạng là cách bảo vệ con em mình, nhưng thực ra hành động đó chỉ làm trẻ thêm tổn thương”.

Khi trẻ em cầm trên tay chiếc điện thoại, tất cả hàng rào bảo vệ đều vô hiệu, nên lúc này sự hướng dẫn của cha mẹ mới là quan trọng. Cha mẹ không nên xâm phạm đời tư của trẻ bằng cách kiểm tra điện thoại, theo dõi truy cập, hãy chỉ cho trẻ cách chọn lọc thông tin.

50% vu mua ban tre em la tu thong tin tren mang
Bạn Đoàn Lê Minh: "Tôi từng bị dụ dỗ vào các nhóm hội bán hàng đa cấp nhưng may mắn tôi tỉnh táo vượt qua".

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững cho rằng, trẻ em ngày nay được sinh ra trong thời buổi công nghệ. Các em là những công dân số, chúng ta không nên cấm trẻ quyền tiếp cận nhưng hãy quan tâm đến việc trao quyền và bảo vệ trẻ khi trẻ tiếp cận môi trường mạng.

Bạn Đoàn Lê Minh (SN 1996, sinh viên) chia sẻ: “Tôi tiếp cận mạng từ lúc đi học. Lúc nhỏ, tôi sử dụng máy tính để chơi game, những năm học cấp 3, tôi lên mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh của tôi, gia đình và bạn bè,… khi là sinh viên, tôi thường xuyên bị người lạ nhắn vào hộp thư giới thiệu sản phẩm, bán hàng đa cấp. May mắn, tôi vượt qua được những lời mời hấp dẫn đó”.

Với bạn Nguyễn Thị Mỹ Tiên (20 tuổi, sinh viên), vì là nữ nên mặc dù Mỹ Tiên sử dụng mạng xã hội có chọn lọc bạn bè, đăng tải hình ảnh với chế độ hạn chế người xem. Tuy nhiên, không ít người lạ biết hoặc không biết Tiên đều nhắn tin với lời lẽ muốn làm quen, muốn đi chơi hoặc những cuộc ra giá trắng trợn.

50% vu mua ban tre em la tu thong tin tren mang

“Ở môi trường mạng nói riêng và mạng xã hội nói chung, tôi nghĩ việc bảo vệ phải xuất phát từ ý thức của người dùng. Bản thân mỗi người phải có mục đích sử dụng mạng tích cực. Có thể vì tôi luôn cảnh giác nên những chia sẻ mang tính chất thông tin, tôi đều hạn chế người xem. Ở những tin nhắn của người lạ rủ rê kết bạn, rủ rê nhắn tin, tôi liền xóa ngay lập tức”, bạn Tiên chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, hết ngày này qua tháng khác, trẻ em của chúng ta vẫn còn bị vi phạm quyền sử dụng môi trường mạng chỉ vì người lớn chưa kiểm soát được. Hiện tại, Cục đang phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.

Bà Nga cho biết: “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Hiện tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đã triển khai, nếu ai phát hiện mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hãy tố cáo với chúng tôi theo số 111”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI